Thứ Hai, 06/11/2006 08:11

Truyền hình trực tiếp Quốc hội thảo luận về cổ phần hóa DNNN

Năm 2009: Hoàn thành cổ phần hóa DNNN

Ngày 6-11, Quốc hội (QH) thảo luận về công tác cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo kế hoạch, năm 2009 là đích hoàn thành sắp xếp toàn bộ khối DNNN. Nghĩa là, trong hai năm tới đây, sẽ phải CPH được trên 1.500 DN nữa. Với tình hình chậm chạp hiện nay của quá trình CPH, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có sự đột phá mới có thể đạt được mục tiêu trên...

* Bức tranh CPH có thực sự sáng màu?

Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, tính đến tháng 8-2006, cả nước đã thực hiện CPH được 3.060 DN, trong đó, đáng chú ý là các DN cổ phần có quy mô ngày càng lớn. Bên cạnh đó, việc CPH đã mở rộng sang các lĩnh vực mà trước đây Nhà nước nắm giữ 100% vốn như điện lực, bưu chính - viễn thông, hàng không, hàng hải, dầu khí, tài chính, bảo hiểm…

Theo ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, bước đầu, Thủ tướng đã cho phép thí điểm CPH một số đoạn quản lý đường sông, đường bộ, các bệnh viện, trường học. Đến hết năm ngoái, đã CPH được khoảng 12% số vốn nhà nước tại các DNNN. Hình thức phổ biến nhất là bán một phần vốn nhà nước hiện có tại DN, kết hợp bán thêm cổ phiếu (69,4%), bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại DN (15,5%) và giữ lại toàn bộ vốn nhà nước, phát hành thêm cổ phiếu (15,6%).

“Tuy với các mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung, các DN sau CPH đều hoạt động có hiệu quả hơn, có trên 90% số DN làm ăn có lãi”- ông Phạm Viết Muôn cho biết. Cụ thể, kết quả thống kê tại 850 DN cổ phần sau 1 năm thực hiện CPH, vốn điều lệ bình quân tăng 44%, doanh thu tăng 23,6%, lợi nhuận thực hiện bình quân tăng 24,9%, thu nhập của người lao động bình quân tăng 12,9%...

Tuy nhiên, theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện CPH DNNN của Ủy ban Thường vụ QH thì ở một bộ phận không nhỏ DNNN, hiệu quả đầu tư có xu hướng giảm, tình trạng lãng phí, tham nhũng làm thất thoát vốn và tài sản nhà nước diễn ra khá nghiêm trọng, nguồn lực của DNNN chưa được huy động và phát huy tốt, tình trạng bao cấp và bảo trợ dưới nhiều hình thức, trong diện rộng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn rất thấp, thấp hơn cả lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Bộ Tài chính cũng nhận xét, quy mô DN được sắp xếp lại hoặc CPH trong thời gian qua chủ yếu vẫn là DN vừa và nhỏ. Trong tổng số DN được CPH, có trên 2.600 đơn vị có quy mô dưới 10 tỷ đồng. Nhiều DN không thuộc diện Nhà nước nắm 100% vốn nhưng đã tránh CPH bằng cách chuyển sang mô hình công ty mẹ - công ty con hoặc công ty TNHH một thành viên.

* Đột phá để về đích

Tại hội nghị chuyên đề về CPH DNNN do Chính phủ tổ chức mới đây ở Hà Nội, nhiều văn bản và cơ chế chính sách liên quan đến CPH DNNN đã được đưa ra thảo luận trên quan điểm chủ đạo: thông thoáng để tạo bước ngoặt mới cho CPH trong giai đoạn mới.

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh rằng, để phát huy hiệu quả hơn nữa và đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới, phải tiến hành sắp xếp, đổi mới DNNN cho “phù hợp với kinh tế thị trường”. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính tập trung xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 187 về CPH và Quyết định 36 về quy chế góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, sẽ mở rộng đối tượng CPH, mở rộng quyền góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài, xóa bỏ các ưu đãi bất hợp lý, phân cấp mạnh hơn...

Các DN trong diện CPH sẽ bao gồm cả công ty TNHH một thành viên, các tổng công ty, các công ty nhà nước độc lập là công ty mẹ. Bên cạnh đó, sẽ thu hẹp danh mục DNNN nắm giữ 100% vốn từ 30 xuống còn 14 lĩnh vực (trong đó có hai lĩnh vực mới bổ sung).

Các DN 100% vốn Nhà nước phải chuyển sang mô hình công ty TNHH một thành viên. Như vậy, sẽ loại bỏ 18 lĩnh vực hiện Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ được mở rộng hơn, trong đó có cả việc công nhận cả các nhà đầu tư nước ngoài là nhà đầu tư chiến lược.

Dự thảo quyết định thay thế Quyết định 36 ghi rõ: nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần trong DN Việt Nam với tỷ lệ không hạn chế. Chỉ trừ những trường hợp lĩnh vực có điều kiện đã được đưa vào danh mục đầu tư có điều kiện theo Luật Đầu tư.

Theo Bộ Tài chính, đây là điểm đột phá quan trọng để xóa bỏ cách biệt giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện để các DN có quy mô lớn thực hiện tốt các mục tiêu CPH với sự góp vốn, công nghệ và quản lý của nhà đầu tư.

Vào lúc 8 giờ ngày 6-11, phiên thảo luận của Quốc hội (QH) về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.

Trước khi thảo luận, QH sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh báo cáo kết quả công tác cổ phần hóa DNNN trong các năm qua; nghe Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của QH báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện cổ phần hóa DNNN.

Ngày 7-11, một nội dung quan trọng khác cũng được truyền hình trực tiếp là phiên thảo luận của QH về tình hình đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

Thời gian còn lại trong tuần, QH sẽ chia ra họp tại 2 hội trường để tiến hành thảo luận 6 dự án: Luật Các vùng biển Việt Nam; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Phòng chống bạo lực trong gia đình; Luật Tương trợ tư pháp; Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm.

SGGP

Các tin tức khác

>   Tăng tỉ lệ vốn cho nhà đầu tư chiến lược (06/11/2006)

>   SCB phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (03/11/2006)

>   Sôi động thị trường đấu giá cổ phần (03/11/2006)

>   2 công ty nộp hồ sơ đăng ký giao dịch tại TTGDCK Hà Nội (03/11/2006)

>   Kết quả đăng ký mua cổ phần Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (03/11/2006)

>   Đầu tư gián tiếp: Tầm nhìn vượt giá (03/11/2006)

>   SHB cho vay cầm cố cổ phiếu chưa niêm yết (03/11/2006)

>   Nhận hồ sơ đăng ký phát hành của CTCP Dược phẩm OPC (03/11/2006)

>   Nhà đầu tư nước ngoài mua 62% cổ phần đấu giá của Vinaconex (03/11/2006)

>   Thông báo kết qủa đăng ký mua cổ phần Công ty Gạch men Cosevco (02/11/2006)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật