Chủ Nhật, 23/02/2025 15:12

Thủ tục hành chính - Điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển hiệu quả nhà ở xã hội

Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị các địa phương quyết liệt tháo gỡ vướng mắc để rút ngắn thời gian thực hiện trình tự, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội.

Các dự án nhà ở xã hội vẫn chưa thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Từ thực tiễn tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy "điểm nghẽn lớn nhất" là thực thi pháp luật trong việc thực hiện quy trình, thủ tục hành chính đối với dự án nhà ở xã hội, nhất là sự phối hợp thiếu đồng bộ và đùn đẩy giữa các sở, ngành, quận, huyện dẫn đến việc giải quyết thủ tục hành chính đối với dự án nhà ở xã hội vẫn chậm, mất nhiều thời gian, làm nản lòng doanh nghiệp.

Đây là thực trạng được Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh nêu ra trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội hiện nay.

Dẫn chứng cho thực trạng trên, Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Dự án nhà ở xã hội Lê Thành-Tân Kiên, huyện Bình Chánh có diện tích 1,9ha phù hợp quy hoạch, đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2.000 và chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư từ quý 1/2024.

Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thể khởi công được vì chưa được Ủy ban Nhân dân huyện Bình Chánh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nên chưa được giao đất, chưa được cấp Giấy phép xây dựng.

Cũng tại dự án này, chủ đầu tư đề nghị được lập quy hoạch chi tiết xây dựng theo quy trình rút gọn (gọi là quy trình lập quy hoạch tổng mặt bằng) theo quy định của khoản 5a đến khoản 5đ Điều 2 Nghị định 35/2023/NĐ-CP, nhưng Ủy ban Nhân dân huyện yêu cầu chủ đầu tư phải lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo 2 bước, khi trình hồ sơ lên Sở Quy hoạch Kiến trúc thì được hướng dẫn thực hiện lại "quy trình lập quy hoạch tổng mặt bằng" làm tiêu tốn công sức mất 3 tháng vô ích.

Do vậy, căn cứ các quy định pháp luật về nhà ở xã hội hiện hành, Hiệp hội kiến nghị Ủy ban Nhân dân các địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong việc phối hợp của các sở, ngành, quận, huyện để rút ngắn thời gian thực hiện trình tự, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội.

Trước hết là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư và phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Nhiều dự án nhà ở xã hội vẫn chưa được giải ngân do doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội chưa đảm bảo tiêu chí, điều kiện được vay theo pháp luật về tín dụng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Từ thực tế này, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét sửa đổi "tiêu chí" về "năng lực kinh nghiệm" của nhà đầu tư tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội do hiện nay, một số địa phương đã "bác," không chấp thuận cho doanh nghiệp đã có bề dày kinh nghiệm làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị tham gia đấu thầu dự án nhà ở xã hội.

Quy định này khiến doanh nghiệp bị loại ngay từ "vòng gửi xe" chỉ vì không có kinh nghiệm làm nhà ở xã hội là vô lý.

Thị trường bất động sản năm 2024 đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và chuyển sang giai đoạn phục hồi, tăng trưởng trở lại theo xu thế tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, năm sau tốt hơn năm trước nhưng chưa thực sự vững chắc, bởi lẽ thị trường nhà ở vẫn đang rất thiếu nguồn cung dự án. Do đó, nguồn cung sản phẩm nhà ở vẫn thiếu.

Kể từ năm 2020 đến nay, phân khúc nhà ở cao cấp chiếm đa số trên thị trường, nhưng lại rất thiếu nhà ở thương mại giá vừa túi tiền (dưới 3 tỷ đồng/căn) và rất thiếu nhà ở xã hội dẫn đến giá nhà tăng liên tục và "neo giá" rất cao, vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị ngày càng khó tạo lập nhà ở.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét hiện đã có Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng ban chỉ đạo và có Tổ giúp việc là các lãnh đạo các bộ, ngành.

Thành phố Hồ Chí Minh có Tổ công tác giải quyết các dự án tồn đọng, dừng thi công do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố làm Tổ trưởng đã và đang nỗ lực tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để "khởi động lại" các dự án, sớm triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng nhằm chống lãng phí, thất thoát.

Các block chung cư trên đường Võ Văn Kiệt, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Để thị trường bất động sản chuyển sang "kỷ nguyên mới" phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần thực hiện 2 đột phá là phát triển nhà ở thương mại giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội để thực hiện được mục tiêu phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030 và giai đoạn sau năm 2030.

Cùng đó, theo Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan có thẩm quyền cần quyết liệt, tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để tái khởi động lại hàng trăm dự án bất động sản, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội là các dự án cũ, có sẵn để tăng được nguồn cung nhà ở nhanh nhất cho thị trường.

Mặt khác, các địa phương xác định nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là thực thi các luật và văn bản dưới luật vừa được Quốc hội, Chính phủ ban hành và quyết liệt tập trung cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục để sớm phê duyệt các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội mới để tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường.

Đồng thời, các địa phương cần bố trí đủ quỹ đất và thực hiện nhiều phương thức để tạo lập quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhất là tạo điều kiện để nhà đầu tư thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất phù hợp quy hoạch và phương thức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Đối với doanh nghiệp, Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng phải nỗ lực tái cấu trúc, xử lý hiệu quả nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, chuyển hướng đầu tư nhà ở thương mại giá vừa túi tiền và tham gia chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội do Chính phủ phát động.

Cơ chế, chính sách hiện nay không thiếu nhưng để pháp luật đi vào cuộc sống thì khâu then chốt là thực thi pháp luật tại các địa phương; đồng thời vẫn phải tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật sát với tình hình thực tiễn và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Anh Tuấn

Vietnamplus

Các tin tức khác

>   Bắt 3 lãnh đạo xã liên quan sai phạm đền bù sân bay Long Thành (22/02/2025)

>   3 công ty kháng cáo về Dự án Đại Ninh (22/02/2025)

>   Dự án kêu gọi đầu tư 15-21/02: Bắc Ninh chuẩn bị mời thầu 6 khu đô thị tổng vốn 63.7 ngàn tỷ (23/02/2025)

>   Liên danh CTD, FCN, CC1 trúng gói thầu hơn 3.1 ngàn tỷ tại dự án sân bay Long Thành (21/02/2025)

>   Xét xử lưu động vụ ‘thổi' đất đấu giá 30 tỷ đồng/m2 ở Hà Nội (21/02/2025)

>   Tương lai sôi động của bất động sản Thuỷ Nguyên (21/02/2025)

>   Quảng Nam "điểm mặt" 239 dự án (20/02/2025)

>   Chấp thuận đầu tư trường đua ngựa, đua chó Thiên Mã – Madagui hơn 1.5 ngàn tỷ (20/02/2025)

>   Dự án Lakeview City của Novaland chốt thời điểm xác định tiền sử dụng đất (20/02/2025)

>   Loạt dự án sai phạm ở bán đảo Sơn Trà được phép tháo gỡ như thế nào? (20/02/2025)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật