Thứ Bảy, 01/02/2025 11:02

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Cần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong hàng hóa xuất khẩu

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cấp cao Đại học Kinh tế TPHCM nhận định, xuất khẩu hiện đang là mũi nhọn chủ lực của kinh tế Việt Nam, nhưng có thể thấy 72% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thuộc khu vực FDI, do đó sẽ phụ thuộc nhiều vào khối ngoại, trong nước chỉ chiếm khoảng 28%.

Ông dự báo tình hình tăng trưởng kinh tế năm 2025 như thế nào?

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Trong năm 2025, yếu tố chính tác động lên tăng trưởng kinh tế vẫn là xuất khẩu. Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới và kim ngạch xuất khẩu đứng trong top đầu Đông Nam Á, cao hơn cả Thái Lan và Indonesia.

Xuất khẩu hiện đang là mũi nhọn chủ lực của kinh tế Việt Nam, nhưng có thể thấy 72% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thuộc khu vực FDI, do đó sẽ phụ thuộc nhiều vào khối ngoại, trong nước chỉ chiếm khoảng 28%. Trước đây, tỷ lệ này gần ngang bằng nhau, còn hiện nay khu vực FDI chiếm tỷ lệ rất lớn và đang tăng dần cách biệt.

Cách biệt này thể hiện được việc Việt Nam thu hút dòng vốn FDI tương đối hiệu quả và trở thành động lực chính cho xuất khẩu. Thế nhưng, hạn chế là kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư ngoại. Nếu có diễn biến không tốt mà dòng vốn khối ngoại dịch chuyển ra bên ngoài, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Việt Nam, tức là nội lực đang yếu hơn ngoại lực. Đó là điều Việt Nam phải quan tâm hơn và phải có những chính sách tăng tỷ lệ xuất khẩu hàng nội địa.

Thứ hai, cần có những chính sách gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong hàng hóa xuất khẩu và tăng cường vai trò của các doanh nghiệp trong nước nhiều hơn. Ví dụ như tỷ lệ nội địa hóa của ô tô Việt Nam chỉ chiếm 20%, trong khi Thái Lan, Indonesia chiếm đến 80-90%.

Việt Nam cần phải có những chính sách thúc đẩy việc thu hút nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Chủ trương hiện nay là khuyến khích phát triển trí tuệ nhân tạo, nhưng chưa có chính sách cụ thể. Các doanh nghiệp công nghệ đang được đối xử như doanh nghiệp thông thường, cơ chế đặc biệt chưa có như hỗ trợ về vốn hay xây dựng hệ sinh thái xung quanh.

Việc Tổng thống Donald Trump tái đắc cử sẽ có tác động gì với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm sau không?

Khi Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, việc đầu tiên chính là đánh thuế lên những nước thâm hụt thương mại với Mỹ. Việc đánh thuế sẽ vừa tạo ra cơ hội, vừa tạo ra thách thức với Việt Nam.

Cơ hội là khi đánh thuế vào hàng Trung Quốc thì dòng vốn từ Trung Quốc sẽ dịch chuyển sang Việt Nam. Đây chính là cơ hội nhưng cũng tạo ra thách thức.

Nếu Việt Nam trở thành nơi trung chuyển hàng hóa cho Trung Quốc sang Mỹ, chắc chắn Mỹ cũng sẽ áp thuế lên Việt Nam tương tự như Trung Quốc. Do đó, Việt Nam phải tránh điều này. Việt Nam phải thể hiện rõ quan điểm với Mỹ “không làm trung gian”, mà tận dụng cơ hội này để phát triển các ngành công nghiệp nội địa để xuất khẩu sang Mỹ thay thế cho Trung Quốc.

Để làm được như vậy, Việt Nam phải tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Hiện nay ta chỉ đang gia công, lắp ráp, còn nguyên vật liệu vẫn phải nhập từ Trung Quốc. Vậy nên, chính sách phải hạn chế việc nhập nguyên vật liệu từ Trung Quốc và phải chủ động được nguồn nguyên vật liệu, cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ nội địa, để tận dụng cơ hội xuất khẩu sang Mỹ và thay thế vị trí Trung Quốc.

Ông dự báo tình hình lãi suất, tỷ giá trong năm 2025 như thế nào?

Về lãi suất, nhiều khả năng sẽ vẫn đi ngang như mức hiện nay, khó có thể giảm thêm. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ thực hiện 2 đợt cắt giảm vào năm 2026 và 1 đợt vào năm 2027, với giả định mỗi đợt giảm 0.25 điểm phần trăm. Do đó, mặt bằng lãi suất Việt Nam không có nhiều dư địa để giảm thêm.

Tỷ giá cũng tương tự. Khi đồng USD tăng giá như hiện nay, khả năng áp lực tỷ giá cũng tăng cao trong năm 2025, đặc biệt là các giai đoạn mang tính mùa vụ.

Hoạt động kinh doanh của ngân hàng có bị ảnh hưởng gì không?

Năm 2024, do ảnh hưởng của vấn đề nợ xấu tăng mạnh và tín dụng nên sẽ ảnh hưởng một phần đến lợi nhuận ngân hàng. Nhìn chung, lợi nhuận ngân hàng vẫn trong xu hướng tăng, nhưng có sự phân hóa. Vẫn sẽ có ngân hàng đạt được kế hoạch đề ra trong năm.

Các ngân hàng lớn vẫn sẽ tăng trưởng lợi nhuận, nhưng ngân hàng nhỏ có phần “hụt hơi”. Dù tỷ lệ nợ xấu tăng cao ở cả hệ thống ngân hàng, nhưng ngân hàng nhỏ có khả năng chống chịu, sức đề kháng yếu hơn so với các ngân hàng lớn, nên của để dành không nhiều, bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Theo ông, thị trường chứng khoán trong năm 2025 có diễn biến thế nào?

Điều này còn tùy thuộc vào việc Việt Nam có được nâng hạng lên thị trường mới nổi hay không. Có thể thị trường chứng khoán không có quá nhiều đột phá trong năm 2025, vì tính hấp dẫn của thị trường chưa có, kể cả khi vào được thị trường mới nổi. Với các sản phẩm thị trường như hiện nay, chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu như được nâng hạng lên thị trường mới nổi, vẫn sẽ có tác động tích cực, nhưng không quá nhiều. VN-Index có thể đạt 1,500 điểm. Nếu muốn đột phá lên 1,800 điểm, cần tái cấu trúc thị trường mạnh mẽ hơn, còn hiện tại thực sự chưa hấp dẫn.

Động thái của khối ngoại trong năm sau có đảo chiều không?

Đà bán ròng của khối ngoại sẽ giảm dần trong năm sau, tạo ra động lực giúp thị trường tăng trưởng tương đối.

Khối ngoại không còn là “tay chơi” nắm giữ thị trường như trước đây. Thế nhưng, tâm lý của nhà đầu tư nội cũng phụ thuộc vào khối ngoại khá nhiều. Nếu như khối ngoại bán ròng thì họ cũng không mặn mà tham gia thị trường.

Ông cho rằng đâu sẽ là kênh đầu tư thu hút vốn trong năm sau?

Theo tôi, bất động sản sẽ là kênh đầu tư thu hút nhiều nhất trong năm sau, vì năm nay đã có một số chính sách bất động sản được thông qua và thị trường bất động sản cũng đã đạt được độ chín muồi để bắt đầu hồi phục. Nhưng sự hồi phục sẽ phân hóa theo phân khúc, chứ không bùng nổ. Một số phân khúc sẽ hồi phục trước, kéo theo phân khúc khác.

Xin cảm ơn ông.

Cát Lam

Thiết kế: Tuấn Trần

FILI - 10:00:00 01/02/2025

Các tin tức khác

>   Liệu MSN, MSB và FRT có khả quan? (30/12/2024)

>   UOB: Giá hàng hóa biến động báo hiệu một năm 2025 đầy thách thức (30/12/2024)

>   Góc nhìn tuần 30/12 - 03/01: Lại hướng đến ngưỡng 1,300? (29/12/2024)

>   Chuyên gia Vietcap: VN-Index đạt 1,500 vào cuối năm 2025, khối ngoại sẽ chưa quay lại trong quý 1 (27/12/2024)

>   ACBS: Đầu tư công sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới (27/12/2024)

>   Góc nhìn 27/12: Cần tích lũy thêm? (26/12/2024)

>   Góc nhìn 26/12: Giữ xu hướng tăng? (25/12/2024)

>   Góc nhìn 25/12: Dễ có rung lắc (24/12/2024)

>   Nhận diện những “thiên nga đen” của thị trường chứng khoán năm 2025 (24/12/2024)

>   Góc nhìn 24/12: Tiếp tục rung lắc? (23/12/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật