UOB: Giá hàng hóa biến động báo hiệu một năm 2025 đầy thách thức
Tăng trưởng chậm lại và rủi ro địa chính trị sẽ gây áp lực lên giá dầu và đồng mặc dù vàng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ nhu cầu trú ẩn an toàn.
Đây là nhận định của ông Heng Koon How - Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB Singapore.
Ông Heng Koon How - Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB Singapore
|
2024 là năm khó khăn và đầy thử thách đối với các hàng hóa chính của thế giới. Dầu thô Brent đạt đỉnh ở mức khoảng 90 đô la Mỹ/thùng trong quý 2 và kể từ đó giảm xuống còn khoảng 75 đô la Mỹ/thùng.
Đồng - một thước đo khác về sức khỏe của nền kinh tế thế giới - đạt đỉnh ở mức chỉ dưới 11,000 USD/tấn trong quý 2 và đã giảm xuống mức 9,000 USD/tấn vào tháng 12.
Ở diễn biến ngược lại, vàng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ những bất ổn về kinh tế và địa chính trị, và tiếp tục đà tăng mạnh vào năm tới.
Tăng trưởng chậm lại từ cả Trung Quốc và Khu vực đồng tiền chung châu Âu gây sức ép lên giá dầu và đồng
Sự biến động trong giá dầu thô Brent và giá đồng đều là dấu hiệu cho thấy bối cảnh ngày càng thách thức của nền kinh tế toàn cầu.
Sau những dấu hiệu tích cực ban đầu từ đợt kích thích kinh tế gần đây nhất, các nhà đầu tư thừa nhận quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn còn nhiều thách thức. Vẫn cần phải làm nhiều việc để tái cấu trúc khoản nợ khổng lồ trong lĩnh vực bất động sản trong nước. Niềm tin của cả người tiêu dùng và nhà đầu tư vào Trung Quốc vẫn chưa phục hồi đáng kể và do đó, tăng trưởng chi tiêu bán lẻ vẫn yếu và nguồn cung tiền tiếp tục thu hẹp.
Sức ép gia tăng cho nền kinh tế đang suy yếu của Trung Quốc khi viễn cảnh đáng lo ngại về mức thuế quan thương mại thậm chí còn cao hơn vào năm tới từ chính quyền Trump. Do đó, UOB hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc vào năm tới 0.3 điểm phần trăm xuống còn 4.3%. Thực tế là Trung Quốc đang ngày càng khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 5%.
Tại châu Âu, triển vọng tăng trưởng cũng ngày càng trở nên thách thức. Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, các nước trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu hiện cần chi tiêu nhiều hơn để gia tăng sức mạnh quốc phòng chung. Tình trạng nợ cao hơn này xảy ra vào thời điểm tăng trưởng của cả Đức và Pháp, vốn là 2 cường quốc công nghiệp song sinh của Khu vực đồng tiền chung châu Âu, hiện đang ở gần mức suy thoái. Cụ thể, xếp hạng tín nhiệm của Pháp bị hạ gần đây do khủng hoảng chính trị và ngân sách ngày càng đi xuống.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tích cực cắt giảm lãi suất, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 4.5% vào đầu năm 2024 xuống còn 3.15% vào tháng 12. Năm 2025 có thể là năm thách thức đối với cả Pháp và Đức. Đặc biệt, cuộc bầu cử liên bang của Đức vào tháng 2/2025 có khả năng gây thêm bất ổn cho nền kinh tế.
Thuế quan thương mại tạo ra gánh nặng khác
Đối với dầu thô Brent, mối tương quan trong quá khứ giữa các nhà sản xuất năng lượng chính hiện đã bị đảo ngược. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang ngày càng khó khăn trong việc ổn định giá dầu thô và duy trì thị phần. Nguyên nhân do họ ngày càng nhường thị phần và quyền định giá cho Mỹ.
Với sản lượng khoảng 13.5 triệu thùng/ngày, Mỹ hiện là nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới. Sản lượng năng lượng của Mỹ tăng vọt trong thập kỷ qua dưới sự mở rộng ban đầu từ chính quyền Trump đầu tiên và sự mở rộng tiếp theo dưới thời chính quyền Biden. Ngược lại, trước áp lực phải duy trì việc cắt giảm sản lượng, sản lượng dầu thô của Ả Rập Xê Út hiện thấp hơn nhiều, chỉ còn 9 triệu thùng/ngày. Tóm lại, Mỹ hiện sản xuất dầu thô nhiều hơn khoảng 50% mỗi ngày so với Ả Rập Xê Út.
Với sự tăng trưởng chậm lại từ cả Trung Quốc và Khu vực đồng tiền chung châu Âu, triển vọng nhu cầu năng lượng toàn cầu liên tục bị OPEC hạ xuống. Do đó, mối đe dọa về tình trạng cung vượt cầu khiến giá dầu thô Brent tiếp tục giảm. Chúng ta đã thấy một năm đầy thách thức đối với dầu thô Brent quanh mức hiện tại là 70-75 đô la Mỹ/thùng. Ngoài ra, chúng ta không thể loại trừ nguy cơ dầu thô Brent giảm xuống dưới 70 đô la Mỹ nếu chính quyền Trump 2.0 tăng đáng kể thuế quan đối với Trung Quốc và toàn cầu vào năm 2025.
Đối với giá đồng, mặt hàng này đã chứng minh cho tên gọi mà nó được đặt cho là "Tiến sĩ Đồng" - ám chỉ khả năng sử dụng giá hàng hóa để dự đoán sức khỏe của nền kinh tế. Với giá đang vật lộn chỉ dưới 9,000 USD/tấn vào cuối năm 2024, giá Đồng báo hiệu tình hình sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục suy yếu hơn nữa vào năm 2025.
Đặc biệt, giá đồng phản ứng rất mạnh với nỗi lo về sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc. Với hoạt động công nghiệp của Trung Quốc vẫn chưa tăng lên đáng kể, lượng đồng dự trữ trên các sàn giao dịch lớn trên toàn thế giới đã tăng lên. Nhu cầu tức thời cho mặt hàng này cũng cho thấy dấu hiệu yếu đi. Do đó, UOB đưa ra triển vọng tiêu cực đối với đồng và nhận định giá đồng sẽ trượt xuống còn 7.500 đô la Mỹ/tấn vào cuối năm 2025.
Dầu thô Brent và đồng có thể tăng giá trong trung hạn đến dài hạn
Điều quan trọng cần lưu ý là trong khi triển vọng ngắn hạn cho cả dầu thô Brent và đồng đều rõ ràng là tiêu cực, thì triển vọng trung hạn đến dài hạn có thể hoàn toàn khác. Đối với dầu thô Brent, đường cong tương lai chủ yếu là bằng phẳng và dường như không có nhiều rủi ro bị đội giá cao. Điều này bất chấp các cuộc xung đột đang diễn ra và rủi ro địa chính trị trên khắp Trung Đông. Bất kỳ sự leo thang nào trong khu vực đều có thể làm giảm nguồn cung dầu thô và đẩy giá lên cao.
Đối với đồng, trong trung hạn, có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung ngày càng tăng. Nguồn cung thấp hơn từ các mỏ đồng cũ sẽ không bắt kịp với nhu cầu tăng từ quá trình chuyển đổi xanh và việc áp dụng xe điện ngày càng tăng trên toàn cầu. Do đó, những người chấp nhận giá và người tiêu dùng cả dầu thô Brent và đồng có thể tận dụng mức giá hiện tại thấp hơn để thực hiện phòng vệ giá cho nhu cầu trong tương lai của họ.
Vàng tiếp tục tăng giá nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn
Có một loại hàng hóa đang được hưởng lợi mạnh mẽ từ những bất ổn về kinh tế và địa chính trị. Vàng đã có năm tăng trưởng mạnh mẽ trong 2024, tăng khoảng 1/3 từ 2,000 USD/ounce vào tháng 1 lên mức hiện tại khoảng 2,600 USD/ounce. Về góc độ dài hạn, các động lực tích cực vẫn còn nguyên vẹn - bao gồm việc phân bổ vàng liên tục của các thị trường mới nổi và ngân hàng trung ương châu Á, cũng như nhu cầu vàng vật chất và đồ trang sức mạnh mẽ từ khu vực bán lẻ.
Có một điểm chung xuyên suốt trong nhu cầu gia tăng từ các ngân hàng trung ương và khu vực bán lẻ. Cả hai đều được thúc đẩy bởi nhu cầu đa dạng hóa để tránh xa những lo ngại và bất ổn địa chính trị gia tăng xung quanh đồng đô la Mỹ, trước các chính sách thương mại và tài khóa gây gián đoạn từ nhiệm kỳ thứ hai của Trump.
UOB giữ quan điểm tích cực đối với vàng vì nhu cầu trú ẩn an toàn dài hạn có khả năng vẫn mạnh trong bối cảnh rủi ro địa chính trị và kinh tế tiếp tục gia tăng từ nhiệm kỳ Trump 2.0. UOB dự báo vàng sẽ tăng thêm nữa lên mức 3,000 USD/ounce vào cuối năm 2025. Sức mạnh tức thời của USD có thể dẫn đến xu hướng tích lũy trong ngắn hạn đối với vàng trước khi tiếp tục đà tăng khi trong năm 2025.
Năm tới sẽ mang đến những diễn biến khác nhau cho dầu thô Brent, đồng và vàng.
Cả dầu thô Brent và đồng có khả năng bị đè nặng bởi triển vọng tăng trưởng kinh tế xấu đi của Trung Quốc và châu Âu. Mối lo ngại về những gián đoạn do mức thuế quan thương mại cao hơn dưới thời chính quyền Trump 2.0 cũng sẽ là tiêu cực đối với 2 mặt hàng này. Điều này bất chấp triển vọng chung khá tích cực đối với nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, vàng có khả năng được hưởng lợi từ sự bất ổn và tiếp tục đà tăng mạnh trong suốt năm 2025.
Hàn Đông
FILI
|