Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Đã đến lúc "bình dân AI vụ" và đưa AI vào giáo dục từ lớp 1
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, kêu gọi "bình dân AI vụ", nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa AI vào giáo dục từ lớp 1 để tạo nền tảng cho thế hệ công dân AI.
Sáng 10/02, trong cuộc gặp gỡ doanh nghiệp do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT phát biểu tại cuộc gặp gỡ. Ảnh VGP
|
Ông Bình khẳng định đây là thời điểm Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, với cơ hội vươn lên trở thành quốc gia hùng mạnh, phồn thịnh. "Khi vận nước đến, chúng ta phải làm mọi cách để phát triển, không thể bỏ lỡ", ông nhấn mạnh.
Trong báo cáo gửi Chính phủ, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) đã đề xuất chiến lược "2-3-4-5" với 2 mục tiêu lớn, 3 điểm tắc nghẽn, 4 mũi giáp công và 5 hành động chính, trong đó khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt.
"Giải phóng tiềm lực khoa học công nghệ" là đề xuất quan trọng đầu tiên của ông Trương Gia Bình. Theo ông, khi nghiên cứu về mối quan hệ giữa GDP và tiềm lực khoa học công nghệ, dữ liệu cho thấy chúng đi đôi với nhau, tạo thành một đồ thị tăng trưởng rõ rệt. Do đó, để thúc đẩy nền kinh tế, cần đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của AI trong giai đoạn hiện nay và đưa ra đề xuất "bình dân AI vụ". Ông so sánh với "bình dân học vụ" trong thời kỳ kháng chiến, khi chính quyền còn yếu, còn nghèo nhưng đã quyết tâm phổ cập chữ viết cho toàn dân.
"Bây giờ là cơ hội lớn, AI cần được phổ cập rộng rãi để không chỉ các tập đoàn lớn mà cả doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể áp dụng", ông nhấn mạnh. Việc phát triển AI không thể chỉ giới hạn trong phạm vi các tập đoàn công nghệ hàng đầu, mà phải trở thành công cụ phổ biến cho toàn bộ nền kinh tế.
Theo ông Bình, DeepSeek - một trong những công cụ AI nổi bật gần đây - đang giúp "bình dân hóa" AI, mở ra cơ hội cho cả doanh nghiệp nhỏ lẫn hệ thống giáo dục. Ông đề xuất AI cần được đưa vào chương trình giảng dạy càng sớm càng tốt, thậm chí ngay từ lớp 1.
"Chúng tôi đã triển khai AI vào hệ thống giáo dục và có thể áp dụng từ lớp 1, nhưng điều quan trọng nhất là vai trò của Nhà nước. Cần có sự chỉ đạo quyết liệt để Việt Nam sớm trở thành quốc gia về trí tuệ nhân tạo", ông khẳng định.
Thế Mạnh
FILI - 14:18:41 10/02/2025
|