Cần Thơ: Ngành du lịch phát triển ổn định nhưng còn nhiều khó khăn
Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của du lịch trong quá trình phát triển thành phố Cần Thơ, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển ngành du lịch của thành phố. Tuy nhiên, thực trạng phát triển du lịch của thành phố vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, khiến cho du lịch thành phố Cần Thơ chưa thể bứt phá.
Nhiều nỗ lực trong phát triển du lịch
Xác định ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, một động lực quan trọng của nền kinh tế thành phố, các cấp, các ngành thành phố Cần Thơ đã cùng với Ban Chỉ đạo phát triển du lịch thành phố triển khai quyết liệt, phối hợp chặt chẽ thực hiện các nhiệm vụ phát triển du lịch của thành phố.
Theo đó, công tác tuyên truyền về phát triển du lịch được phát huy hiệu quả; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về du lịch được triển khai đồng bộ, thường xuyên, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như tổ chức tuyên truyền qua các lớp tập huấn về hoạt động du lịch; băng rôn, màn hình LED và lồng ghép qua các sự kiện, hội nghị lớn; thực hiện các pano bảng giới thiệu về hình ảnh du lịch, con người Cần Thơ đặt tại trung tâm các quận, huyện, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, các tuyến đường chính vào thành phố... Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn thành phố về vai trò của phát triển du lịch, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch thành phố đến du khách trong và ngoài nước.
Đồng thời, thành phố còn thiết lập các kênh xúc tiến, đầu tư hiệu quả với các cơ quan, tổ chức ngành nghề, cơ quan xúc tiến đầu tư của các nước như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan... Qua đó, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, hình ảnh du lịch, văn hóa của địa phương đến các nhà đầu tư tìm hiểu thông tin và cơ hội đầu tư phát triển du lịch thành phố.
Ngoài ra, thành phố đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đào tạo nghề du lịch; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề; ban hành các cơ chế, chính sách để các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội tham gia đào tạo nghề; kêu gọi, vận động đóng góp kinh phí của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề lĩnh vực du lịch.
Đặc biệt, du lịch sinh thái là mô hình du lịch được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm, thành phố Cần Thơ cũng đang hướng đến việc xây dựng các sản phẩm OCOP kết hợp với tham quan du lịch, nhiều mô hình du lịch sinh thái phát triển, qua đó góp phần giới thiệu các sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho các cơ sở kinh doanh sản phẩm OCOP và tăng chi tiêu của khách du lịch.
Sự chủ động, quyết liệt của các cơ quan, đơn vị của thành phố đã giúp ngành du lịch thành phố tiếp tục có bước phát triển ổn định. Theo đó, khách du lịch đến thành phố trong năm 2024 tăng 106% so với năm 2023, đạt 6.37 triệu lượt khách, vượt 104.5 % so với kế hoạch đề ra. Trong đó, khách lưu trú tăng 106% so với năm 2023, đạt 3.15 triệu lượt; khách quốc tế tăng cao nhất, đạt 124% so với năm 2023, đạt 197,000 lượt; khách trong nước tăng 105%, đạt 2.96 triệu lượt. Đối với doanh thu từ hoạt động du lịch, thống kê cho thấy, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch của thành phố năm 2024 đạt 6,269 tỷ đồng, tăng 116% so với năm 2023 và vượt 105% so với kế hoạch.
Bảng 1. Tổng số du khách và doanh thu du lịch thành phố Cần Thơ năm 2024
Nguồn: Ban Chỉ đạo phát triển du lịch thành phố Cần Thơ
|
Vẫn còn những hạn chế, khó khăn
Thứ nhất, việc đầu tư ngân sách cho các hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch còn hạn chế so với các địa phương trong vùng và các địa phương trọng điểm du lịch khác, ảnh hưởng đến quy mô hoạt động và hiệu quả quảng bá hình ảnh địa phương, sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Thứ hai, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế, dàn trải, chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác nghiên cứu thị trường du lịch, đầu tư quảng bá hình ảnh du lịch Cần Thơ đến thị trường quốc tế còn chưa chuyên nghiệp.
Thứ ba, việc khai thác các đường bay tại Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ vẫn còn hạn chế về công suất. Hiện nay, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đang khai thác phục vụ 07 đường bay nội địa, các đường bay quốc tế đã tạm dừng từ tháng 03/2024, trung bình 11-12 chuyến bay/ ngày (22-24 lần hạ cất cánh). Các tuyến nội địa do các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Vasco khai thác, gồm: từ Cần Thơ đi/đến Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh, Đà Lạt, Phú Quốc, Côn Đảo. Sản lượng vận chuyển đạt 6.495 lần cất, hạ cánh (giảm 28% so với cùng kỳ 2023); phục vụ hơn 1 triệu lượt hành khách (giảm 25% so với cùng kỳ năm 2023) và 6,153 tấn hàng hóa (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023).
Bảng 2. Sản lượng vận chuyển Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ năm 2024
Nguồn: Ban Chỉ đạo phát triển du lịch thành phố Cần Thơ
|
Thứ tư, các sản phẩm du lịch của thành phố mặc dù có đổi mới, nâng chất nhưng chưa thực sự hấp dẫn và chưa tạo được sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao, nhất là sản phẩm, dịch vụ về du lịch nông nghiệp, du lịch đường sông chưa khai thác và phát huy được thế mạnh; chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc thù, đặc trưng của thành phố Cần Thơ để quảng bá đến khách du lịch.
Thứ năm, nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu hội nhập quốc tế; lao động du lịch chất lượng cao, có chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề, thành thạo ngoại ngữ còn rất hạn chế. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo lĩnh vực du lịch còn khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, hạn chế về diện tích. Trong khi đó, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, xã hội chưa tích cực tham gia vào giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức về việc tuyển sinh, do tâm lý người học không muốn học nghề, phần lớn người học nghề thuộc đối tượng gia đình có thu nhập thấp, khó quy định trần thu học phí ở mức cao dẫn đến nguồn thu từ học phí thấp, không đủ bùchi phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị để dạy thực hành lớn.
Thứ sáu, việc vận động các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố tham gia các sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch, cũng như công tác xã hội hóa các lễ hội, hoạt động, sự kiện còn gặp nhiều khó khăn, do chưa huy động được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp.
Một số giải pháp
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy ngành du lịch thành phố Cần Thơ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch thành phố xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục về đầu tư; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; tạo điều kiện cho người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; đặc biệt, có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch từ mô hình nông nghiệp.
Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng, tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý du lịch các cấp; bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho lao động du lịch trực tiếp: hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ… Đổi mới và đa dạng hóa các hình thức đào tạo du lịch, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Năm 2025, thành phố dự kiến tổ chức 07 lớp tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch cho các đối tượng là nhân sự phụ trách du lịch quận, huyện; người lao động tại các doanh nghiệp du lịch.
Ngoài ra, tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố tạo nên chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt nhằm phát huy hiệu quả tài nguyên du lịch địa phương. Mở các tuyến đường bay mới kết nối với các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài; tập trung xây dựng chương trình và khai thác các chương trình tham quan, tuyến du lịch mang tính liên vùng có trọng tâm, trọng điểm.
Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch ở các cấp quản lý, đặc biệt là trong cộng đồng. Đổi mới hình thức, nội dung, tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp và nâng cao hiệu quả quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. Phát huy vai trò các cơ quan truyền thông, tạo đột phá trong hoạt động xúc tiến quảng bá thị trường trong nước, kết hợp với nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí ngành du lịch thành phố.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch thành phố dựa trên khai thác các thế mạnh của du lịch sinh thái sông nước; du lịch MICE và các loại hình du lịch phụ trợ khác như: du lịch văn hóa di tích lịch sử, du lịch cộng đồng… Nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ du lịch, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược, đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm. Xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch.
Đặc biệt, ưu tiên đầu tư hạ tầng kết nối giao thông đến các khu, điểm du lịch, kiểm soát chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn giao thông cho khách du lịch; chỉnh trang, sắp xếp, đầu tư xây dựng các bến tàu du lịch, cảng thủy nội địa; lồng ghép, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư phát triển các chương trình, dự án của Trung ương trên địa bàn có liên quan đến phát triển du lịch.
Đinh Tấn Phong
FILI - 19:00:00 22/02/2025
|