Tiền tệ châu Á giảm giá xuống mức thấp nhất 20 năm
Trong phiên giao dịch 6-1, chỉ số đô la châu Á Bloomberg (theo dõi một rổ tiền tệ chủ chốt ở châu Á) giảm xuống mức thấp nhất trong 2 thập niên. Diễn biến này được đặt trong bối cảnh đồng đô la Mỹ vẫn duy trì sức mạnh nhờ tăng trưởng mạnh mẽ của Mỹ và áp lực lạm phát từ kế hoạch tăng thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Nhiều đồng tiền ở châu Á đang giao dịch ở mức thấp nhất trong nhiều năm so với đô la Mỹ. Ảnh: AFP
|
Trong phiên giao dịch sáng 6-1, chỉ số đô la châu Á Bloomberg có lúc giảm xuống mức 89,04 điểm, mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập. Chỉ số này theo dõi biến động giá của một rổ tiền tệ quan trọng ở châu Á (nhân dân tệ Trung Quốc, yen Nhật, đô la Singapore, rupee Ấn Độ, đô la Đài Loan, baht Thái Lan, rupiah Indonesia, ringgit Malaysia và peso Philippines) so với đồng bạc xanh.
Các đồng tiền châu Á suy yếu do đồng đô la Mỹ liên tục tăng giá sau khi các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu sự thận trọng về tốc độ giảm lãi suất trong năm nay. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đặt cược rằng, chính sách thuế quan sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể gây áp lực lạm phát và dẫn đến rủi ro Fed dừng hoặc đảo ngược nới lỏng tiền tệ.
Alvin T Tan, giám đốc chiến lược ngoại hối ở chi nhánh Singapore của Ngân hàng hoàng gia Canada dự báo, tỷ giá đô la Mỹ so với các đồng tiền ở châu Á sẽ tiếp tục tăng trên diện rộng. Ông cảnh báo, chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ dưới thời kỳ cầm quyền của ông Trump sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trên thị trường tiền tệ.
Theo chuyên gia này, các ngân hàng trung ương ở châu Á có thể sẽ phản ứng với chủ nghĩa bảo hộ này bằng cách cho phép tỷ giá hối đoái mất giá theo cách có kiểm soát.
Trong tháng trước, đồng won Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 15 năm. Trong phiên giao dịch sáng 6-1, đồng rupee Ấn Độ chạm mức thấp kỷ lục mới với 85,82 rupee đổi 1 đô la Mỹ. Giá của các đồng tiền khác ở châu Á khác như đồng rupiah, ringgit và baht vẫn còn cách xa mức thấp nhất mọi thời đại được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, nhưng gần đây cũng giảm đáng kể so với đồng đô la Mỹ.
Để hỗ trợ đồng peso, gần đây, Ngân hàng trung ương Philippines (BSP) cam kết sẽ can thiệp thị trường tiền tệ trong những trường hợp cần thiết. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) tuyên bố sẽ bảo vệ đồng rupiah “một cách mạnh mẽ”.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục cung cấp chốt chặn cho nhân dân tệ bằng cách ấn định tỷ giá tham chiếu hàng ngày của đồng tiền này so với đô la Mỹ ở mức cao nhất trong 2 tuần vào sáng nay (6-1). Nhân dân tệ chỉ được phép giao dịch trong biên độ tăng giảm 2% so với tỷ giá tham chiếu.
Các tờ báo tài chính của Trung Quốc đưa tin, trong tháng này, PBoC sẽ phát hàng lô trái phiếu nhân dân tệ lớn nhất từ trước đến nay ở Hồng Kông để ổn định tỷ giá.
Sáng nay, đồng nhân dân tệ ở Trung Quốc đại lục giảm xuống mức thấp nhất 16 tháng, 7,3289 nhân dân tệ đổi 1 đô la.
Nhà đầu tư sẽ theo dõi số liệu việc làm phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 12, được công bố cuối tuần này, để nắm bắt thêm dấu hiệu tăng trưởng của Mỹ và xu hướng lãi suất của Mỹ trong thời gian tới.
Nhiều chuyên gia tiền tệ ở Phố Wall cho rằng, đồng đô la đang được định giá quá cao, do vậy, ít có khả năng tăng giá mạnh trong năm nay, thậm chí có thể suy yếu vào cuối năm.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nhìn chung kỳ vọng đô la tăng giá trong năm 2025 nhờ tác động từ chính sách thương mại của ông Trump.
Kết quả khảo sát của Bloomberg với 553 nhà đầu tư chuyên nghiệp cho thấy gần 50% đồng ý rằng, chính sách thương mại của ông Trump, đặc biệt là liên quan đến thuế quan, sẽ tác động tích cực đến đồng đô la. Nhưng các chuyên gia ở Phố Wall có góc nhìn khác. Theo họ, giá đô la có thể ban đầu có thể tăng nếu lạm phát tăng do chính sách thuế quan có thể buộc Fed dừng giảm lãi suất, thậm chí thắt chặt tiền tệ trở lại. Tuy nhiên, động thái này của Fed sẽ kìm hãm tăng trưởng của Mỹ và rốt cục khiến đồng bạc xanh suy yếu.
Lê Linh (Theo Bloomberg, The Standard)
TBKTSG
|