Đồng đô la đang bị định giá cao quá mức?
Bất chấp các dự báo suy giảm, đồng đô la Mỹ vẫn trỗi dậy mạnh mẽ trong năm 2024 và được kỳ vọng duy trì sức mạnh trong năm 2025. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đồng bạc xanh có thể đang bị định giá cao quá mức và sẽ giảm giá đáng kể so với đồng euro và đồng yen Nhật Bản trong năm nay.
Đô la tăng giá mạnh mẽ trong những năm gần đây nhờ nền kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt trội so với hầu hết các nền kinh tế lớn khác. Ảnh: Getty Images
|
Xung lực tăng giá của đô la sẽ suy yếu ngay trong quí đầu tiên?
Đồng đô la khởi đầu năm mới với mức cao và hầu hết các dấu hiệu đều cho thấy giá của đồng tiền này sẽ còn tăng cao hơn nữa. Đô la được hưởng lợi chính từ sự biệt lệ của nền kinh tế Mỹ, đang tăng trưởng khởi sắc hơn hầu hết các nền kinh tế lớn trong bối cảnh châu Âu mắc kẹt trong tình trạng trì trệ sản xuất và Trung Quốc chật vật ngăn chặn hậu quả kéo dài từ cuộc khủng hoảng bất động sản.
Lập trường thận trọng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ trong cuộc họp chính sách gần đây về việc giảm lãi suất trong năm này càng tăng thêm sức hấp dẫn của việc nắm giữ đồng đô la. Trong khi đó, sự hào hứng của nhà đầu tư đối với trí tuệ nhân tạo (AI) giúp các cổ phiếu công nghệ lớn ở Mỹ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump sẽ thúc đẩy nền kinh tế Mỹ.
Quí 4-2024 là quí tăng giá tốt mạnh nhất của đô la so với rổ tiền tệ được The Wall Street Journal theo dõi kể từ năm 2016. Năm ngoái, đồng bạc xanh tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt, đặc biệt tăng mạnh so với các đồng tiền ở khu vực thị trường mới nổi. Trong năm 2024, đô la tăng giá khoảng 20% so với đồng peso Mexico và tăng gần 30% so với đồng real Brazil.
Theo nhận định của các nhà phân tích, các động lực chính cho xu hướng của đô la trong năm nay có thể là các chính sách kinh tế của ông Donald Trump và tác động của chúng đối với lạm phát và lập trường của Fed về lãi suất.
Dominic Schnider, người đứng đầu bộ phận ngoại hối toàn cầu tại bộ phận quản lý tài sản của ngân hàng UBS, ghi nhận nhà đầu tư trên toàn cầu đang đổ xô rót tiền vào các tài sản của Mỹ. Tuy nhiên, Schnider và nhiều nhà dự báo tiền tệ khác hoài nghi đà tăng của đồng đô la có thể kéo dài.
Theo ông, nhà đầu tư quá tập trung vào động lực tăng trưởng dự kiến từ cam kết cắt giảm thuế doanh nghiệp và thủ tục hành chính của ông Trump. Nhà đầu tư đang phớt lờ nhiều rủi ro, chẳng hạn như tác động tiêu cực tiềm tàng đối với nền kinh tế Mỹ nếu ông Trump thực hiện lời đe dọa áp thuế mới đối với hàng hóa nước ngoài. Tình hình tài khóa của chính phủ Mỹ hiện nay cũng bấp bênh hơn so với nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ôngTrump, với thâm hụt ngân sách liên bang cao hơn 6% GDP, so với 3,1% vào năm 2016.
“Những gì ông Trump hứa hẹn có vẻ tuyệt vời cho đầu tư và lợi nhuận. Nhưng chúng ta có đủ tài chính để hỗ trợ cho các kế hoạch đó không? Nếu không, sự thất vọng sẽ xảy ra”, Schnider nói.
Vị chuyên gia này dự báo, xung lực tăng giá của đồng đô la sẽ mất đà ngay trong quí đầu tiên và kết thúc năm 2025 với mức giảm 5% so với đồng euro và giảm 8% so với đồng yen Nhật.
Định giá của đô la có thể đang cao hơn 20%
Đà tăng giá kéo dài hàng thập niên của đô la khiến nhiều nhà dự báo chuyên nghiệp bối rối. Những người này cho rằng, đồng bạc xanh đang bị định giá quá cao so với mức trung bình lịch sử trong khi thâm hụt ngân sách và thương mại của Mỹ ngày càng nới rộng.
Dựa trên mô hình phân tích nội bộ kết hợp các yếu tố như chênh lệch thương mại và lãi suất, ngân hàng Bank of America ước tính, đồng đô la đang được định giá cao hơn 20% so với giá hợp lý.
Giá đô la tăng vọt vào thập thập niên 1990. Sau khi đạt đỉnh ngay sau vụ tấn công ngày 11/9 và bong bóng dot-com (cổ phiếu internet) bùng vỡ, đồng tiền này giảm giá trong phần lớn thập niên 2000 trước khi chạm đáy vào năm 2008 khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu.
Tuy nhiên, mức giá cao của đô la hiện nay khiến khả năng tăng giá thêm trở nên khó khăn hơn. “Nhà đầu tư phải cân nhắc xem sự biệt lệ của nền kinh tế Mỹ phản ánh bao nhiêu vào giá thị trường của đô la”, Hugh Gimber, nhà chiến lược thị trường toàn cầu của J.P. Morgan Asset Management nói và lưu ý, đồng đô la hiện nay mạnh hơn nhiều so với thời điểm này năm 2016, ngay trước nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump.
Athanasios Vamvakidis, giám đốc chiến lược ngoại hối ở ngân hàng Bank of America nhận định, thuế quan sắp tới của chính phủ Mỹ và sự thận trọng của Fed về việc cắt giảm lãi suất sẽ thúc đẩy đồng đô la trong những tháng đầu năm. Thế nhưng sau đó, ông dự kiến đồng tiền này sẽ giảm giá dù ông Trump có thể thực hiện đầy đủ chương trình nghị sự kinh tế hay không.
Vamvakidis cho rằng, nếu ông Trump có thể thúc đẩy Quốc hội thông qua toàn bộ chính sách về thuế quan, cắt giảm thuế doanh nghiệp và siết chặt nhập cư, lạm phát có khả năng tăng cao hơn dự đoán của thị trường. Điều đó ban đầu có thể kich thích đô la tăng giá vì Fed có buộc phải tạm dừng giảm lãi suất hoặc thậm chí tăng lãi suất trở lại. Nhưng động thái này rốt cục sẽ kìm hãm nền kinh tế và gây áp lực giảm giá lên đồng đô la.
Mặt khác, nếu các chính sách của ông Trump cuối cùng bị làm loãng, tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng của chúng cũng sẽ yếu đi và nền kinh tế của Mỹ sẽ không còn duy trì hiệu suất vượt trội.
Bài học lịch sử từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump
Nhà đầu tư cũng có thể xem xét lịch sử để rút ra bài học về quỹ đạo của đô la. Đồng bạc xanh tăng giá sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 với chiến thắng thuộc về ông Trump. Giá đô la đạt đỉnh ngay trước lễ nhậm chức của ông, rồi sau đó giảm 7,5% vào năm 2017, năm đầu tiên ông làm tổng thống. Đó là năm tồi tệ nhất đối với chỉ số đô la của Wall Street Journal kể.
“Nhà đầu tư đã cố gắng định giá đô la trong một tháng tới, thậm chí trong 4 năm tới ngay cả khi ông Trump chưa bắt đầu thực hiện các chính sách kinh tế dự kiến. Bài học rút ra từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, chương trình nghị sự kinh tế không giống như một đường thẳng. Ở một số lĩnh vực, ông đã có những tuyên bố thay đổi mạnh mẽ nhưng sau đó, đưa ra những giải pháp thực dụng hơn”, Vamvakidis nói.
Một rủi ro khác là những đám mây đen bao trùm các nền kinh tế nước ngoài bắt đầu tan. Đồng euro đã giảm giá khoảng 6% trong năm qua so với đô la khi châu Âu trên bờ vực suy thoái và tình hình bất ổn chính trị đè nặng lên hai nền kinh tế lớn nhất của châu Âu là Đức và Pháp. Tuy nhiên, ngay cả những cải thiện nhỏ trong triển vọng kinh tế châu Âu cũng có thể hỗ trợ đồng euro, theo Steve Englander, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngoại hối của ngân hàng Standard Chartered.
“Nền kinh tế châu Âu trông có vẻ yếu ớt, đó là điều mà ai cũng nhận thấy. Chỉ cần niềm tin của người dân và doanh nghiệp trong khu vực bất ngờ cải thiện đôi chút, euro sẽ tăng giá”, Englander nói.
Chánh Tài (Theo WSJ)
TBKTSG
|