Sẽ quản bán hàng online qua VneID
Có thể định danh người bán hàng trên sàn thương mại điện tử thông qua VneID khi hạ tầng công nghệ đã hoàn thiện.
Theo Nghị quyết Hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2024, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử (TMĐT) để định danh người bán trên sàn thông qua VneID.
Đòi hỏi từ thực tế
Trước đó, cuối tháng 11-2024, Thủ tướng đã ban hành công điện nêu rõ Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thúc đẩy triển khai cung cấp dịch vụ xác thực điện tử cho các sàn TMĐT. Mục tiêu là bảo đảm các tổ chức, doanh nghiệp (DN), cá nhân đều được xác thực danh tính khi tham gia cung cấp, trao đổi hàng hóa trên các sàn TMĐT, tránh thất thu thuế và các hành vi gian lận khác.
Theo Bộ Công Thương, năm 2024, quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam vượt mốc 25 tỉ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023. Mô hình TMĐT phát triển ngày càng đa dạng, phức tạp và chưa có quy định điều chỉnh riêng biệt. Chẳng hạn, hoạt động đang là xu hướng hiện nay là livestream bán hàng mới chỉ được điều chỉnh theo quy định chung về TMĐT mà chưa có quy định riêng về chủ thể tham gia (chủ tài khoản, người tham gia livestream), các trường thông tin tối thiểu phải cung cấp cho người xem, trình độ chuyên môn của người thực hiện livestream, kiểm soát thông tin khi phát livestream... Chưa kể, nhiều hoạt động bán hàng trên các ứng dụng mạng xã hội chưa được quản lý và thống kê nên số liệu tiêu thụ hàng hóa được công bố có thể chưa phản ánh đúng sức mua thực tế.
Vì thế, các cơ quan quản lý xác định việc định danh người bán hàng online là cần thiết. Thực tế, một số sàn TMĐT ở Việt Nam đã thực hiện xác thực tài khoản người bán bằng CCCD, thay vì chỉ cần email hoặc tài khoản trên mạng xã hội như trước đây. Có sàn TMĐT lớn thậm chí yêu cầu người bán phải có CCCD gắn chip, giấy phép kinh doanh, mã số thuế...
Ông Nguyễn Bình Minh, Trưởng Ban Phát triển nguồn lực Hiệp hội TMĐT Việt Nam, cho hay trước đây, để tạo điều kiện cho TMĐT phát triển, cơ quan quản lý và các sàn chỉ đòi hỏi người bán có địa chỉ email, khai báo tên cửa hàng, loại hàng hóa là có thể giao dịch. Điều này dẫn tới nhiều người sử dụng tài khoản với nhân thân "ảo" mở nhiều gian hàng nhằm chia nhỏ đơn hàng để né thuế, livestream bán hàng mà không bị kiểm soát thuế hoặc bán hàng giả, hàng kém chất lượng... "Nếu không sớm định danh người bán hàng online, người mua hàng sẽ nghi ngại khi giao dịch trên sàn, dẫn đến tốc độ tăng trưởng TMĐT sẽ giảm" - ông Minh cảnh báo.
Hạ tầng công nghệ đã sẵn sàng để định danh người bán hàng online thông qua VneID. Trong ảnh: Các streamer tại Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP HCM và các tỉnh, thành năm 2024Ảnh: LÊ TỈNH
|
Có cơ sở để triển khai
Theo các chuyên gia, việc xác thực danh tính cá nhân có thể thực hiện thông qua 2 công cụ là CCCD gắn chip và ứng dụng VneID cấp độ 2. Việc này hoàn toàn có thể triển khai sớm khi hạ tầng công nghệ đã hoàn thiện.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, chuyên gia TMĐT, dẫn ví dụ Trung Quốc đã triển khai thành công việc chia sẻ, liên thông cơ sở dữ liệu về mã định danh công dân, mã số DN. Tại nền kinh tế lớn này, sàn TMĐT Alibaba yêu cầu người bán hàng phải cung cấp các thông tin đăng ký kinh doanh, thông tin về thuế... để xác minh đang hoạt động. Nếu không hoạt động thường xuyên cũng vẫn phải định danh thông qua CCCD, đồng thời hàng hóa phải được kiểm tra xuất xứ, chất lượng, sở hữu trí tuệ...
Với Việt Nam, ông Nguyễn Bình Minh cho rằng việc thực hiện cần có lộ trình để không gây quá tải cho hạ tầng công nghệ, chẳng hạn yêu cầu định danh trước với người bán có doanh số lớn. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần chia sẻ dữ liệu với nhau - bao gồm dữ liệu thanh toán ngân hàng, dữ liệu về thuế... - cùng với sự phối hợp của đơn vị giao nhận hàng.
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương, thông tin bộ đã chia sẻ dữ liệu về hơn 1.000 chủ thể sở hữu nền tảng TMĐT ở hình thức website, ứng dụng; dự kiến sẽ chia sẻ dữ liệu của khoảng 50.000 chủ thể sở hữu website TMĐT. Qua đó tiến tới kết nối, đồng bộ hóa dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước để tăng hiệu quả quản lý, giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục cho DN.
Bộ Công Thương cũng đề xuất tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu nền tảng số/nền tảng số trung gian, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội; xác định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian hỗ trợ hoạt động TMĐT như logistics, tiếp thị liên kết... Đồng thời, cần có quy định quản lý mạng xã hội có hoạt động cung cấp dịch vụ TMĐT; quản lý các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cung cấp dịch vụ TMĐT tại Việt Nam...
Nêu thêm giải pháp, bà Vũ Thị Minh Ngọc, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường, cho hay tổng cục đã có kế hoạch định danh sản phẩm hàng hóa trên thị trường để hỗ trợ người dân nhận biết, trước mắt là với các mặt hàng do Bộ Công Thương quản lý.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý
Ông Lưu Thanh Phương, chuyên gia TMĐT, góp ý do hoạt động mua bán trên môi trường trực tuyến diễn ra rất phức tạp nên ngoài yêu cầu nhà bán hàng định danh thông qua VneID, còn cần thêm giải pháp khác. Chẳng hạn, yêu cầu sàn TMĐT xây dựng chính sách, áp dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý, kiểm duyệt nhà bán hàng, nhất là trong trường hợp người bán có dấu hiệu né tránh nghĩa vụ thuế, bán hàng không rõ nguồn gốc, hàng giá rẻ bất ngờ...
L.Tỉnh
|
Thùy Linh
Người lao động
|