Doanh nghiệp Việt tăng tốc với thương mại điện tử xuyên biên giới
Chỉ trong vòng 5 năm (2019-2023), lượng sản phẩm từ các đối tác bán hàng Việt Nam được tiêu thụ trên Amazon đã tăng hơn 300%, đồng thời số doanh nghiệp đạt doanh thu 1 triệu USD/năm cũng tăng gấp 10 lần. Số liệu được ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, tiết lộ trong cuộc trao đổi gần đây với người viết.
“Sự phát triển liên tục này không chỉ ở quy mô mà còn là sự đa dạng danh mục sản phẩm và thương hiệu ở nhiều ngành hàng”, ông Gijae Seong cho biết và thêm rằng, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt biết cách tận dụng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới để tiếp cận thị trường toàn cầu.
Ông Gijae Seong - CEO Amazon Global Selling Việt Nam
|
Một trong những bước chuyển mình rõ nét nhất chính là sự chú trọng vào chất lượng và chiến lược dài hạn. Theo đại diện Amazon, các nhà bán hàng Việt Nam không còn chỉ tập trung vào các sản phẩm đơn giản nhằm thu lợi nhanh chóng, mà đang tích cực đầu tư vào chất lượng, phát triển thương hiệu và đa dạng hóa ngành hàng.
Dữ liệu từ Amazon cũng minh chứng cho xu hướng này: số lượng doanh nghiệp Việt tham gia chương trình Đăng ký Thương hiệu (Brand Registry) tăng gấp 35 lần trong 5 năm qua, với các ngành hàng tăng trưởng mạnh bao gồm sức khỏe & chăm sóc cá nhân, nhà cửa, nhà bếp, may mặc và làm đẹp.
Động lực thúc đẩy cho sự chuyển biến này đến từ một loạt yếu tố. Việt Nam sở hữu một cộng đồng doanh nhân trẻ và năng động, có kinh nghiệm kinh doanh xuyên biên giới không chỉ trên Amazon mà còn nhiều nền tảng khác. Các nhà máy và nhà cung cấp tại Việt Nam có bề dày kinh nghiệm xuất khẩu, cùng với năng lực sản xuất của các doanh nghiệp ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, sự hiện diện của các thương hiệu lớn đầu tư vào Việt Nam đã giúp nâng cao tiêu chuẩn sản xuất và mở rộng chuỗi cung ứng trong nước.
Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, vai trò của Chính phủ trong việc thúc đẩy TMĐT cũng không thể phủ nhận. Theo ông Gijae Seong, Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã tạo động lực lớn cho các doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào TMĐT xuyên biên giới. "Điều này cho phép chúng tôi khai thác tối đa tiềm năng phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực này", ông nhìn nhận.
Thách thức lớn: chi phí và sản phẩm
TMĐT đang mở toang cánh cửa để đưa hàng hóa mang thương hiệu Việt đến với toàn cầu. Một khảo sát của Access Partnership cho thấy, có đến 93% doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) thừa nhận rằng họ không thể xuất khẩu nếu không có TMĐT.
Điều này cũng đồng nghĩa người bán sẽ phải đối mặt nhiều vấn đề hơn nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh. Các rào cản lớn được Access Partnership dẫn ra bao gồm: thiếu kiến thức về thị trường mục tiêu, chi phí xuất nhập khẩu lớn, thiếu hụt nhân lực để tiếp cận khách hàng nước ngoài, các yêu cầu pháp lý quá phức tạp…
Ông Gijae Seong nhận định sản phẩm và chi phí là 2 thách thức lớn nhất. Để chọn được sản phẩm phù hợp, doanh nghiệp không chỉ cần linh hoạt để hiểu nhu cầu thị trường mà còn phải đảm bảo sản phẩm tuân thủ quy định của từng khu vực.
“Các nhà bán hàng cần linh hoạt, nhanh chóng đọc vị thị trường để đáp ứng những nhu cầu mới nhất của khách hàng” ông khuyến nghị, “Đây là một phần quan trọng, đồng thời là thách thức lớn đối với nhiều người bán chưa quen với tốc độ của TMĐT xuyên biên giới nói riêng và TMĐT toàn cầu nói chung”.
Chi phí vận hành cũng là một trở ngại không nhỏ. Việc bán hàng từ Việt Nam sang Mỹ đòi hỏi chi phí cao cho logistics, vận chuyển và quản lý tồn kho. Dù Amazon đã cung cấp nhiều công cụ hỗ trợ như dịch vụ hoàn thiện đơn hàng (Fulfillment by Amazon - FBA), doanh nghiệp vẫn cần biết cách tận dụng hiệu quả để tối ưu hóa quy trình. Đại diện Amazon khuyến khích doanh nghiệp đàm phán với nhà cung cấp, thiết kế chuỗi cung ứng hợp lý để cải thiện cấu trúc chi phí.
Amazon hỗ trợ người bán thông qua dịch vụ hoàn thiện đơn hàng (Fulfillment by Amazon - FBA)
|
MSMEs gặp thời nhờ công nghệ
Trong bối cảnh hiện nay, MSMEs của Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội nhờ sự hỗ trợ của công nghệ. Báo cáo của Access Partnership nhận định, công nghệ đang xóa bỏ những rào cản truyền thống, cho phép ngay cả các doanh nghiệp nhỏ nhất cũng có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Sự thay đổi hành vi tiêu dùng sau đại dịch COVID-19 cũng tạo động lực lớn cho sự phát triển này.
Dự báo của Access Partnership cho thấy, nếu giữ vững tốc độ hiện tại, doanh thu xuất khẩu TMĐT của Việt Nam sẽ đạt 6.1 tỷ USD vào năm 2028, tăng 1.7 lần so với năm 2023. Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản dự kiến vẫn là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất.
Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp của các doanh nghiệp quy mô nhỏ trong tổng doanh thu TMĐT xuất khẩu có thể giảm từ 26% (năm 2023) xuống 25% vào năm 2028, ngược với xu hướng tăng trưởng chung của khu vực Đông Nam Á.
Access Partnership không chia sẻ cụ thể quan điểm về dự báo trên, nhưng cho rằng để khai thác hết tiềm năng của TMĐT xuyên biên giới, Việt Nam sẽ phải cần thêm các sáng kiến hỗ trợ từ Chính phủ, cũng như sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các nền tảng TMĐT. Những chính sách như Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia là bước khởi đầu quan trọng, nhưng để tạo đột phá, cần có sự hỗ trợ sâu hơn trong việc giảm chi phí, tối ưu hóa logistics và mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế.
Tử Kính
FILI - 10:00:00 30/01/2025
|