Thứ Năm, 16/01/2025 13:02

Những cái bắt tay mở đường cho làn sóng xe hơi Trung Quốc đến Việt Nam

Thị trường xe hơi Việt Nam 2 năm qua chứng kiến sự đổ bộ mạnh mẽ của các hãng xe Trung Quốc, từ những bước thăm dò ban đầu đến các kế hoạch sản xuất quy mô lớn.

Khi “giá rẻ và cỡ nhỏ” lên ngôi

Cuối tháng 12/2024, TMT Motors (HOSE: TMT) công bố hợp tác với liên doanh SGMW để mang đến thị trường Việt Nam thêm 3 mẫu xe Baojun và 4 mẫu xe Wuling, dưới hình thức nhập khẩu hoặc lắp ráp tại nhà máy Hưng Yên. Xe điện - mảng kinh doanh được kỳ vọng sẽ bùng nổ trong những năm tới đây khi yếu tố thân thiện môi trường ngày càng được người ta nhắc đến nhiều hơn.

Liên doanh SGMW được xem là "gã khổng lồ" của ngành ô tô bởi sự góp mặt của các nhà sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới như General Motors (Mỹ, 44%), SAIC Motor (Trung Quốc, 50.1%) và Wuling Motors (Trung Quốc, 5.9%). Theo thỏa thuận, SGMW sẽ cung cấp linh kiện và ủy quyền cho TMT Motors độc quyền lắp ráp, phân phối xe điện Wuling tại Việt Nam.

Kinh tế khó khăn, cạnh tranh giá cả trở nên gay gắt khiến lợi nhuận mảng xe tải cốt lõi của TMT Motors không còn được đảm bảo và việc đa dạng sản phẩm kinh doanh là điều bắt buộc. Công ty này chọn bán các dòng xe điện cỡ nhỏ, dễ di chuyển ở những nơi đường sá chật hẹp và mật độ phương tiện cao như Việt Nam. Điểm cộng khác là giá rẻ, đặc biệt khi Wuling là mẫu xe điện cỡ nhỏ bán chạy top đầu thế giới.

Các đơn vị buôn xe khác, đặc biệt là xe sang như Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, HOSE: HAX) cũng không ngoại lệ trong thời buổi này. Từng tạo nên danh tiếng nhờ thương hiệu cao cấp của Đức, Mercedes-Benz, Haxaco giờ đây cũng phải thay đổi chiến lược để hướng tới phân khúc giá phổ thông hơn.

Công ty vừa qua đã trở thành một trong những nhà phân phối lớn nhất dòng xe MG tại Việt Nam, và có thể vẫn sẽ duy trì trong những năm tiếp theo sau cái bắt tay với SAIC Motor trong buổi lễ ký kết hợp tác chiến lược hồi tháng 10/2024. Với giá thành hợp lý, MG - một thương hiệu xe có gốc Anh nhưng về tay người Trung Quốc cách đây hơn 20 năm - được kỳ vọng sẽ giúp Haxaco tăng trưởng doanh số giữa lúc những chiếc Mercedes-Benz khó bán.

Một số mẫu xe Baojun và Wuling mà TMT Motors dự kiến phân phối tại Việt Nam

Tham vọng mở rộng lên “thượng nguồn”

Không chỉ tập trung vào phân khúc giá rẻ, một số doanh nghiệp Việt đang nhắm đến phân khúc cao cấp với sự hỗ trợ của các đối tác Trung Quốc. Điển hình là cái bắt tay giữa Tasco (HNX: HUT) và Tập đoàn Geely, mang lại cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam cho Lynk & Co, Zeekr và Volvo - 3 thương hiệu được định vị cao cấp, khác so với Wuling hay MG.

Nhưng tham vọng của Tasco là mở rộng lên “thượng nguồn” trong chuỗi giá trị ngành xe hơi. Sự hợp tác giữa Tasco và Geely vừa qua đã mở ra một liên doanh xây dựng nhà máy lắp ráp xe CKD (Completely Knocked Down: lắp ráp trong nước với linh kiện được nhập khẩu) tại tỉnh Thái Bình, ước tính cần khoảng 168 triệu USD vốn đầu tư. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ góp 64% vốn trong liên doanh này.

Giai đoạn đầu của nhà máy sẽ sản xuất các dòng xe của Lynk & Co và Geely Auto, dự kiến đi vào vận hành từ cuối năm 2025, giúp Tasco cung cấp 75,000 xe mỗi năm ra thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Tương tự, Tập đoàn Geleximco bắt tay với một "gã khổng lồ" khác từ Trung Quốc là Tập đoàn Chery, ban đầu phân phối các thương hiệu như Omoda & Jaecoo tại Việt Nam, song song đó là xây dựng cơ sở lắp ráp. Liên doanh này vừa qua cũng được trao giấy chứng nhận đầu tư nhà máy sản xuất lắp ráp xe ô tô ở Thái Bình, với tổng kinh phí có thể lên đến 800 triệu USD, gấp gần 5 lần dự án của Tasco. Nhà máy có công suất 50,000 xe/năm dự kiến hoàn thành giai đoạn đầu vào năm 2026.

Cái bắt tay giữa Tasco và Geely mở đường cho các thương hiệu của Trung Quốc vào Việt Nam. Nguồn: Tasco

Đòn bẩy hậu mãi để đập tan e ngại

Dù tiềm năng thị trường xe hơi Việt Nam vẫn rất lớn, khi tỷ lệ sở hữu còn thấp nếu so với các quốc gia phát triển, nhưng các thương hiệu mới vẫn phải đối mặt với thách thức không nhỏ. Một trong những rào cản lớn nhất là tâm lý e ngại chất lượng xe Trung Quốc của người tiêu dùng Việt.

Điều đó chưa thể xóa bỏ một sớm một chiều”, ông Trần Nam Thắng - Phó Tổng giám đốc SAIC Motor Việt Nam từng chia sẻ, nhưng cũng khẳng định Việt Nam vẫn sẽ là thị trường trọng điểm của xe MG.

Các hãng như MG, Wuling hay Omoda & Jaecoo đang tập trung vào chính sách hậu mãi để xóa bỏ những định kiến kiểu này. Chẳng hạn, MG triển khai dịch vụ bảo hành 5 năm không giới hạn số kilomét, kết hợp với trung tâm mua bán xe cũ nhằm tăng giá trị bán lại của xe. Wuling Mini EV bảo hành pin xe 7 năm hoặc 150,000km, xe được bảo hành 3 năm hoặc 150,000 km tùy điều kiện nào đến trước. Trong khi Omoda & Jaecoo tung chính sách bảo hành động cơ 10 năm hoặc 1 triệu km - đều là những con số hiếm thấy ngay cả với các thương hiệu lâu đời.

Giá cả hợp lý và chế độ bảo hành 5 năm không giới hạn kilomét, dịch vụ cứu hộ 24/7, mua xe cũ. Không có gì phải lo cả”, ông Thắng tự tin.

Năm 2025 đầy hứa hẹn?

Bức tranh ngành xe hơi Việt Nam năm 2025 đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết, đặc biệt đối với các doanh nghiệp đang niêm yết. TMT Motors mới đây công bố mục tiêu năm nay dự kiến đạt doanh thu hơn 3,800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 297 tỷ đồng, đều là những con số kỷ lục nhưng không phải không thực tế.

Cuối năm ngoái, một hãng taxi có tên Let’s Go Taxi, sau khi thí điểm dịch vụ taxi giá rẻ ở tỉnh Phú Yên, đã đặt cọc mua thêm 1,000 xe Wuling từ TMT Motors, với ý định mở rộng sang các tỉnh Bình Định và Gia Lai. Trước đó, Tập đoàn TOGO - một đơn vị cung cấp dịch vụ đưa đón khách đến các quán ăn, nhà hàng… tại TPHCM - đã ký hợp đồng để đặt mua 2,000 xe Wuling Mini EV.

Một trong những lý do khiến hãng taxi chọn xe điện Wuling là vốn đầu tư ban đầu rất thấp, theo lời ông Trần Lưu Văn - Tổng Giám đốc CTCP Let’s Go An Bình. Phát biểu tại lễ ký kết với TMT Motors, ông Văn cho biết, xe này có chi phí bảo hành và bảo dưỡng thấp so với mẫu xe cùng phân khúc. Chi phí vận hành được lãnh đạo này tính ra chỉ hết 250 đồng/km và thậm chí thấp hơn cả xe máy. Giá cước mà Let’s Go Taxi đưa ra chỉ 8,000 đồng/km - khoảng một nửa mức trung bình phổ biến trên thị trường.

Trong khi đó, Haxaco dù tập trung vào xe xăng thay vì điện, vẫn kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận nhờ doanh số mạnh mẽ từ dòng xe MG, như từng gặt hái trong quý 3/2024. Người đứng đầu Công ty - Chủ tịch Đỗ Tiến Dũng - nhận định năm 2025 sẽ rất đáng chờ đợi đối với thị trường xe hơi.

Chắc chắn là trong năm 2025, thị trường xe hơi nói chung sẽ khởi sắc hơn”, ông Dũng nói tại sự kiện Vietnam Motor Show 2024 hồi tháng 10, “Bằng chứng là chúng ta có những bước tiến bộ rất tốt cuối năm 2024. Hy vọng là đầu năm sau sẽ còn những chuyển biến tốt hơn nữa, đặc biệt là về giải ngân vốn đầu tư công và tiêu dùng”.

Dàn xe Wuling tại nhà máy của TMT Motors ở tỉnh Hưng Yên. Nguồn: TMT Motors

Tử Kính

FILI - 12:00:00 16/01/2025

Các tin tức khác

>   Lâm Đồng sắp đấu giá 36 điểm mỏ khoáng sản hơn 300 tỷ (14/01/2025)

>   Trung tâm tài chính của Việt Nam cần cơ chế, chính sách vượt trội gì? (14/01/2025)

>   Giá trị xuất khẩu cá tra GTGT Việt Nam sang Mỹ cao nhất 10 năm (14/01/2025)

>   Các bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân lĩnh án (13/01/2025)

>   Hé lộ cơ chế để EVN thoát lỗ, lãi khủng hơn 18 nghìn tỷ (13/01/2025)

>   Đầu tư tư nhân là động lực tăng trưởng của năm 2025 (13/01/2025)

>   Cục CSGT bác bỏ thông tin sai về hiệu lực Nghị định 168/2024 (13/01/2025)

>   Thủ tướng: Kỷ luật những trường hợp thờ ơ, vô cảm trong hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát (13/01/2025)

>   Kinh nghiệm cải cách logistics của Ấn Độ (15/01/2025)

>   Việt Nam cần khu thương mại tự do để bứt phá kinh tế? (13/01/2025)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật