Việt Nam cần khu thương mại tự do để bứt phá kinh tế?
Khu thương mại tự do (FTZ - Free Trade Zone) đã trở thành mô hình phát triển kinh tế phổ biến trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu và tạo động lực tăng trưởng cho các nền kinh tế.
Dẫn chứng trong báo cáo của Bộ Công Thương về logistics cho thấy, từ các quốc gia phát triển như UAE, Singapore, Hàn Quốc đến Trung Quốc, FTZ đã chứng minh là công cụ hiệu quả để tăng cường sức mạnh thương mại và vị thế quốc gia trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Với những lợi thế sẵn có, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để tận dụng mô hình này nhằm bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Hiện tại, Việt Nam chưa có khu thương mại tự do chính thức, dù hệ thống pháp luật và các mô hình tương tự như khu chế xuất, khu phi thuế quan đã được triển khai. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2023, cả nước có 414 khu công nghiệp, trong đó 4 khu chế xuất hoạt động với một số tính năng giống FTZ nhưng vẫn chưa phát huy tối đa tiềm năng. Mô hình FTZ - nơi áp dụng các chính sách thuế linh hoạt, thủ tục tối giản và cơ chế vận hành hiện đại - hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam cạnh tranh hiệu quả hơn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy xuất nhập khẩu.
Bài học từ thế giới
Tại UAE, khu thương mại tự do Jebel Ali (JAFZA) được coi là hình mẫu lý tưởng. Thành lập từ năm 1985, khu này nằm cạnh cảng Jebel Ali, một trong những cảng container lớn nhất thế giới. Với hơn 8,600 doanh nghiệp từ 140 quốc gia hoạt động, JAFZA đã mang lại giá trị hàng hóa luân chuyển lên tới 168 tỷ USD vào năm 2023. Chính phủ UAE áp dụng các chính sách ưu đãi vượt trội tại đây, bao gồm miễn thuế hoàn toàn đối với thu nhập doanh nghiệp và cá nhân, không hạn ngạch xuất nhập khẩu, tự do chuyển vốn, và giảm tối đa các thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, FTZ ở UAE còn cho phép doanh nghiệp thuê lao động nước ngoài mà không bị hạn chế, giá thuê đất hợp lý và được gia hạn dài hạn. Các ưu đãi này không chỉ thu hút đầu tư mà còn giúp JAFZA trở thành một trung tâm logistics và sản xuất hàng đầu khu vực Trung Đông.
Tại châu Á, Singapore nổi lên như một trung tâm logistics toàn cầu nhờ sự phát triển sớm và có chiến lược của các FTZ. Chỉ một năm sau khi độc lập, Singapore đã ban hành luật về khu thương mại tự do và thành lập FTZ đầu tiên vào năm 1969. Từ đó, 9 FTZ được xây dựng khắp cả nước, đóng vai trò trung tâm xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.
Điểm nổi bật trong chính sách của Singapore là ưu đãi thuế GST (thuế hàng hóa và dịch vụ). Các doanh nghiệp nhập hàng vào FTZ không phải nộp thuế GST (7%) nếu hàng hóa được tái xuất khẩu, chỉ phải nộp thuế khi hàng hóa tiêu thụ trong nước. Điều này không chỉ giảm chi phí mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại đây.
Hàn Quốc cũng là một ví dụ thành công trong việc phát triển khu kinh tế tự do (FEZ). Tại các khu vực như Incheon, Busan-Jinhae, các doanh nghiệp được hưởng những ưu đãi thuế vượt trội, thủ tục hành chính tinh gọn và hỗ trợ từ chính phủ trong xây dựng hạ tầng. Hệ thống này giúp Hàn Quốc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, y tế và logistics, đưa nền kinh tế nước này vươn lên top 10 thế giới.
Ở Trung Quốc, FTZ Thượng Hải đóng vai trò như "phòng thí nghiệm" thử nghiệm chính sách kinh tế mới. Thành lập từ năm 2013, FTZ này giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 15%, đơn giản hóa thủ tục cấp phép và tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn quốc tế lưu thông. Đây cũng là nơi thử nghiệm các biện pháp cải cách tài chính, thương mại trước khi nhân rộng ra toàn quốc.
Khu thương mại tự do liệu có góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam?
|
Tiềm năng của Việt Nam
Việt Nam sở hữu vị trí địa lý chiến lược tại trung tâm Đông Nam Á, gần các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, thuận lợi để phát triển các FTZ. Với đường bờ biển dài 3,260km và các cảng biển hiện đại như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cái Mép - Thị Vải, Việt Nam có thể trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa khu vực, kết nối với các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng giao thông và logistics đang được nâng cấp mạnh mẽ. Theo số liệu từ Bộ Giao thông Vận tải, hệ thống cảng biển Việt Nam có 286 bến cảng vào năm 2023, cùng với 10 sân bay quốc tế và hàng loạt tuyến đường bộ, đường sắt đang mở rộng. Hạ tầng này không chỉ hỗ trợ xuất nhập khẩu mà còn tạo nền tảng quan trọng cho việc phát triển các FTZ trong tương lai.
Một yếu tố thuận lợi khác là Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm các hiệp định quan trọng như CPTPP và EVFTA. Những FTA này tạo ra thị trường xuất khẩu rộng lớn, giảm thuế quan và mở cửa cơ hội hợp tác đầu tư.
Để phát triển FTZ, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng các chính sách minh bạch và hiệu quả nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Chính phủ có thể tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia thành công như UAE, Singapore, và Trung Quốc để đưa ra các chính sách ưu đãi phù hợp, bao gồm miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tự do chuyển vốn, và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Đồng thời, đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là yếu tố then chốt. Việt Nam cần chú trọng vào các ngành công nghệ cao, sản xuất thân thiện với môi trường và dịch vụ tài chính để tăng sức hấp dẫn cho các khu thương mại tự do.
Việc phát triển FTZ không chỉ giúp Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh, mà còn mở ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, thu hút FDI và đưa nền kinh tế lên một tầm cao mới. Điều này càng đặc biệt hơn trong giai đoạn Chính phủ kỳ vọng về mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số. Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, đây là thời điểm phù hợp để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu này.
Tử Kính
FILI - 08:20:36 13/01/2025
|