Kinh nghiệm cải cách logistics của Ấn Độ
Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ hai châu Á, đang từng bước tạo nên cuộc cách mạng trong lĩnh vực logistics - một ngành giữ vai trò huyết mạch cho thương mại và sản xuất. Những kinh nghiệm quý báu từ Ấn Độ có thể trở thành bài học tham khảo thiết thực cho Việt Nam trong nỗ lực phát triển logistics và gia tăng giá trị xuất khẩu.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Công Thương, chi phí logistics của Ấn Độ dao động từ 14-16% GDP - mức cao so với 8% của Trung Quốc và các nước phát triển như châu Âu hay Mỹ. Để giảm gánh nặng này, Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu đầy tham vọng: đưa chi phí logistics xuống 9% trong vòng 2-3 năm tới, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Kế hoạch tổng thể quốc gia Gati Shakti (PMGS-NMP) và Chính sách Hậu cần Quốc gia (NLP) là những sáng kiến đã được lãnh đạo nước này triển khai, bao gồm tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng, chuẩn hóa quy trình và thúc đẩy số hóa. Những nỗ lực này không chỉ giảm chi phí mà còn tạo nên chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao giá trị xuất khẩu.
Thực tế trong năm tài chính 2023-2024 đã cho thấy sự chuyển biến rõ nét. Hạ tầng được nâng cấp mạnh mẽ với các dự án đường cao tốc lớn, giúp thời gian vận chuyển giữa các trung tâm kinh tế giảm đáng kể. Chẳng hạn, hành trình từ Delhi đến Mumbai chỉ mất 12 giờ, hay từ Chennai đến Bengaluru chỉ mất 2 giờ.
Cùng với đó, khoản vay trị giá 350 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã hỗ trợ Ấn Độ hiện đại hóa hệ thống logistics, từ cấp độ liên bang đến các thành phố, khuyến khích đầu tư tư nhân và cải thiện hiệu quả hoạt động.
Nhờ những cải tiến này, xuất khẩu nông sản - một lĩnh vực thế mạnh của Ấn Độ - đã ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Trong năm tài chính 2023-2024, giá trị xuất khẩu trái cây và rau quả đạt 1.8 tỷ USD, tăng 11%, dù khối lượng giảm 10%. Xuất khẩu hoa tăng 8% về giá trị lên 208 triệu USD. Đặc biệt, hệ thống logistics sân bay đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị hàng hóa. Ví dụ, sân bay quốc tế Hyderabad ghi nhận tăng trưởng 25% trong xuất khẩu trái cây và rau quả chỉ trong nửa đầu năm tài chính 2024-2025.
Chính phủ Ấn Độ không dừng lại ở đó. Với "Tầm nhìn Hàng hải Ấn Độ đến năm 2030", Ấn Độ đặt mục tiêu trở thành cường quốc hàng hải toàn cầu thông qua việc triển khai 150 sáng kiến chiến lược, bao gồm phát triển cảng biển, tối ưu hóa vận tải ven biển và đường thủy, và thúc đẩy đổi mới công nghệ. "Đây là những sáng kiến mà Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình phát triển lĩnh vực hàng hải", Bộ Công Thương chỉ ra.
Trong 3 năm qua, công suất cảng chính quốc gia này đã tăng từ 1,598 triệu tấn lên 1,630 triệu tấn; thời gian quay vòng tàu giảm từ 53 giờ xuống còn 48 giờ; và sản lượng hàng hóa trong ngày neo tàu tăng từ 16,000 tấn lên 18,900 tấn. Đáng chú ý, 2 cảng biển của Ấn Độ đã góp mặt trong nhóm 30 cảng hàng đầu thế giới, và thứ hạng của Ấn Độ trên Chỉ số hiệu suất logistics của Ngân hàng Thế giới (WB) đã tăng từ vị trí 44 (năm 2018) lên 22 (năm 2023).
Ngành logistics Việt Nam có thể tham khảo câu chuyện của Ấn Độ. Nguồn: cis.org.vn
|
Có cơ chế giám sát và đánh giá mạnh mẽ
Những thành tựu này có được không chỉ nhờ đầu tư lớn, mà còn từ cách thức tổ chức và giám sát hiệu quả. Bộ Cảng, Vận tải biển và Đường thủy Ấn Độ đã phát triển cổng thông tin Sagarmanthan và được Bộ Công Thương Việt Nam đánh giá là "kinh nghiệm đáng lưu ý".
Cổng này cung cấp khả năng giám sát toàn diện về chi tiêu vốn, lưu lượng giao thông và hiệu suất cảng, cho phép đánh giá đúng tiến độ thực hiện "Tầm nhìn Hàng hải Ấn Độ 2030". Ngoài ra, các đơn vị chức năng như Viksit Bharat Sankalp (ViBhaS) và Neel Arth (NAVIC) được thành lập để theo dõi và thúc đẩy các sáng kiến đổi mới.
Trong khi đó, các nước khác trên thế giới cũng đang triển khai nhiều biện pháp cải cách logistics đầy tham vọng. Tại châu Phi, Hiệp định Thương mại Tự do Lục địa Châu Phi (AfCFTA) đã thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ trong vận tải biển.
Chẳng hạn, Nigeria đã đưa vào hoạt động cảng biển sâu Lekki với khả năng xử lý 2.7 triệu container mỗi năm. Tại Bờ Biển Ngà, cảng Abidjan đang mở rộng quy mô để xử lý nhiều loại hàng hóa hơn. Nhờ AfCFTA, thương mại nội khối châu Phi dự kiến tăng mạnh, với khối lượng hàng hóa vận chuyển đường biển đạt 132 triệu tấn vào năm 2030, gấp đôi so với hiện tại.
Không chỉ dừng lại ở vận tải biển, Kyrgyzstan cũng đang đẩy mạnh cải cách logistics trong lĩnh vực nông nghiệp. Với khoản đầu tư 70 triệu USD từ WB và ADB, nước này đã xây dựng hệ thống lưu kho, bảo quản hiện đại, bao gồm 25 kho lạnh, 22 doanh nghiệp chế biến và 5 trung tâm thương mại lớn. Đây là bước đi quan trọng giúp Kyrgyzstan giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng giá trị xuất khẩu và cải thiện đàm phán giá nông sản trong mùa cao điểm. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ Kyrgyzstan trong việc hình thành các cụm sản xuất và trung tâm logistics nông nghiệp, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu.
Tại Panama, quốc gia này đang tìm cách tăng gấp đôi khối lượng container qua kênh đào Panama nhờ khoản đầu tư 8 tỷ USD. Những cải tiến kỹ thuật, bao gồm giảm lượng nước sử dụng trên mỗi chuyến tàu và tối ưu hóa năng lực vận chuyển, dự kiến sẽ đưa lưu lượng container hàng năm tăng từ 8.3 triệu TEU lên 13 triệu TEU vào năm 2045. Panama cũng hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế như cảng Houston (Mỹ) để giữ vững vị thế trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là LNG.
Nhìn vào những thành công từ Ấn Độ và các quốc gia khác, Việt Nam - với lợi thế về vị trí địa lý chiến lược và nguồn lực xuất khẩu phong phú - hoàn toàn có thể học hỏi để nâng cao hiệu quả ngành logistics. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng hiện đại, số hóa chuỗi cung ứng, đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp sẽ là những yếu tố then chốt giúp Việt Nam cải thiện khả năng cạnh tranh, giảm chi phí logistics và gia tăng giá trị cho hàng hóa xuất khẩu. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ thương mại quốc tế.
Tử Kính
FILI - 16:02:21 15/01/2025
|