Chủ Nhật, 12/01/2025 08:15

Nhu cầu suy yếu, giá gạo Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống còn 460 USD/tấn, từ mức 481 USD/tấn của tuần trước. Thị trường dự kiến tiếp tục trầm lắng trong vài tuần tới khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc đầu tháng 2.

Sản phẩm gạo xuất khẩu của Công ty TNHH gạo Vinh Phát (An Giang). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN).

Thị trường gạo châu Á

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm qua do nhu cầu toàn cầu suy yếu, trong khi giá gạo Ấn Độ vẫn ổn định gần mức thấp nhất trong 17 tháng.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống còn 460 USD/tấn, từ mức 481 USD/tấn của tuần trước. Đây là mức giá thấp nhất kể từ cuối tháng 3/2023.

Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các hoạt động giao dịch trong tuần này diễn ra ảm đạm do nhu cầu yếu. Thị trường dự kiến sẽ tiếp tục trầm lắng trong vài tuần tới khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc vào đầu tháng sau.

Bộ Công Thương Việt Nam cho biết giá gạo giảm trong tuần qua là do nhu cầu từ Indonesia và Philippines giảm, cùng với việc Ấn Độ nối lại xuất khẩu gạo.

Trong khi đó, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 436-442 USD/tấn, không đổi so với tuần trước. Giá gạo Ấn Độ duy trì gần mức thấp nhất trong 17 tháng do nhu cầu cải thiện và đồng rupee suy yếu. Giá gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 440-449 USD/tấn.

Một đại lý có trụ sở tại Kolkata cho biết nhiều người mua đã hỏi hàng trong tuần này vì gạo Ấn Độ rẻ hơn so với nguồn cung từ các nước khác.

Đồng rupee Ấn Độ đã chạm mức thấp kỷ lục so với đồng USD trong tuần này, giúp tăng lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu.

Theo một thương nhân tại Bangkok, việc giá gạo Việt Nam và Ấn Độ giảm đã gây áp lực lên giá gạo Thái Lan. Ông cho biết thêm rằng nhu cầu từ Indonesia được dự báo sẽ giảm trong năm 2025.

Đồng baht của Thái Lan cũng đang suy giảm trong hơn một tuần qua. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã giảm xuống còn 485 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023, so với mức 490-502 USD/tấn của tuần trước.

Thị trường nông sản Mỹ

Giá đậu tương và ngô kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đã tăng vọt trong phiên giao dịch 10/1 sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng của Mỹ thấp hơn dự kiến do mùa vụ không thuận lợi vì yếu tố thời tiết.

Báo cáo cung và cầu tháng 1/2025 của Chính phủ Mỹ cho thấy nguồn cung ngô và đậu tương thắt chặt, đẩy giá lên mức cao nhất trong nhiều tháng.

Giá đậu tương kỳ hạn trên sàn CBOT đã tăng 26,25 xu lên 10,25 USD/bushel, đạt mức cao nhất kể từ ngày 11/11.

Giá ngô tăng 14,50 xu lên 4,70 USD/bushel sau khi đạt đỉnh cao nhất kể từ ngày 15/5. Tuy nhiên, giá lúa mì trên sàn CBOT giảm 3,25 xu xuống 5,30 USD/bushel khi USDA ước tính diện tích trồng lúa mì vụ Đông cao hơn so với kỳ vọng của thị trường (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2kg; 1 bushel ngô = 25,4kg).

Nông dân thu hoạch đậu tương tại một trang trại ở Scribber, bang Nebraska, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Bộ Nông nghiệp Mỹ báo cáo sản lượng đậu tương đạt 4,366 tỷ bushel, thấp hơn so với dự báo của các nhà phân tích là 4,453 tỷ bushel.

Cơ quan này cũng đã cắt giảm dự báo tồn kho cuối vụ xuống 380 triệu bushel, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường là 457 triệu bushel.

Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính sản lượng ngô đạt 14,867 tỷ bushel, cũng thấp hơn so với dự báo của các nhà phân tích là 15,095 tỷ bushel, với tồn kho cuối vụ ở mức 1,54 tỷ bushel, thấp hơn kỳ vọng là 1,675 tỷ bushel.

Giá nông sản tăng sẽ giúp ích cho nông dân đang phải đối mặt với nguồn cung đậu tương toàn cầu ở mức cao kỷ lục do vụ mùa bội thu ở Brazil. Các cảnh báo thuế quan từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể dẫn tới phản ứng mạnh mẽ từ các nhà nhập khẩu.

Giá ngô và đậu tương tăng vọt diễn ra khi giá dầu đậu tương kỳ hạn tại Chicago tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong bảy tuần do kỳ vọng chính phủ sắp mãn nhiệm của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đưa ra hướng dẫn ngắn hạn về các khoản tín dụng thuế nhiên liệu sạch, có thể thúc đẩy nhu cầu dầu đậu tương trong nước.

Thị trường càphê thế giới

Giá càphê thế giới biến động trái chiều trong phiên 11/1. Còn thị trường càphê trong nước giảm 500 đồng, giao dịch về giá 118.300-119.000 đ/kg.

Cụ thể, giá càphê Robusta trên sàn London giao tháng 3/2025 giảm nhẹ 13 USD (0,26%) về mức 4.966 USD/tấn. Và giá càphê Robusta giao tháng 5/2025 quay đầu giảm 12 USD (tương đương 0,25%) xuống 4.879 USD/tấn.

Còn trên sàn New York, giá càphê Arabica giao tháng 3/2025 tăng 5,35 xu (1,68%) lên 323,85 xu/lb. Và giá càphê Arabica giao tháng 5/2025 tăng thêm 5,1 xu (1,62%) lên 319,80 xu/lb (1lb=0,45kg).

(Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN).

Tính đến 11h30 ngày 11/1, thị trường càphê trong nước đảo chiều giảm nhẹ, trung bình giảm 500 đồng/kg mỗi phiên, hiện giá thu mua dao động trong khoảng 118.300-119.000 đồng/kg. Giá thu mua càphê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay là 118.900 đồng/kg.

Phiên giao dịch cuối tuần chứng kiến 2 sàn càphê thế giới diễn biến ngược chiều. Robusta quay đầu giảm nhẹ trong khi Arabica giữ được đà tăng. Nguyên nhân là do tồn kho trên sàn London tăng mạnh và mưa giảm bớt tại các vùng trồng càphê trọng điểm của Brazil.

Lượng càphê xuất khẩu từ Việt Nam đang cải thiện đáng kể trong tháng 1/2025 so với thời điểm này của năm 2024, tạm thời ngăn giá tăng vọt trong quý đầu tiên của năm 2025.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo năm 2025, xuất khẩu càphê của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khi nguồn cung tăng và nhu cầu tiêu dùng của các nước trên thế giới gia tăng.

Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng càphê toàn cầu dự kiến phục hồi trong niên vụ 2024-2025, chủ yếu nhờ sản lượng tăng lên ở Việt Nam và Indonesia.

Trong khi đó, với mức tiêu thụ đang tăng, lượng càphê tồn kho toàn cầu vào cuối năm 2024 sẽ giảm hơn nữa, xuống còn 20,9 triệu bao./.

Minh Hằng

(TTXVN/Vietnam+) - 06:20:00 12/01/2025

Các tin tức khác

>   CNBC: Việt Nam chính thức trở thành “vua sầu riêng” thế giới (11/01/2025)

>   Giá gạo Việt sắp ‘chạm đáy’, hàng Thái Lan chiếm ngôi đắt đỏ nhất thế giới (09/01/2025)

>   Sầu riêng chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả (09/01/2025)

>   "Thủ phủ chăn nuôi" cầu cứu Chính phủ, hiến kế tăng nhập nông sản Mỹ (06/01/2025)

>   Thị trường nông sản tuần qua: Gạo Ấn Độ giảm giá 3 tuần liên tiếp (05/01/2025)

>   Quy định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo (04/01/2025)

>   Xuất khẩu thủy sản hướng đến mục tiêu 14-16 tỉ USD (03/01/2025)

>   Đâu là mặt hàng tăng giá mạnh nhất, giảm giá mạnh nhất toàn cầu 2024? (02/01/2025)

>   Cơ hội và thách thức cho ngành hàng xuất khẩu gạo năm 2025 (01/01/2025)

>   Vì sao giá thịt heo tăng sốc 30% chỉ trong 1 tuần? (30/12/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật