Giá gạo Việt sắp ‘chạm đáy’, hàng Thái Lan chiếm ngôi đắt đỏ nhất thế giới
Giảm mạnh trong nhiều phiên liên tiếp, giá gạo Việt rơi gần về "đáy” 2 năm. Trong khi giá gạo Thái Lan giữ ổn định, đồng thời chiếm ngôi đắt đỏ nhất trong các quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới.
Từ đầu năm 2025 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào đà giảm mạnh, mất mốc 500 USD/tấn đối với gạo 5% và 25% tấm. Kể cả một số loại gạo thơm giá cũng rơi khỏi mốc 600 USD/tấn. Đây là con số thấp nhất trong vòng 2 năm qua, khiến người nông dân lo lắng.
Theo dữ liệu Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cập nhật đến ngày 8/1, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giảm thêm 7 USD/tấn, về mức 460 USD/tấn. Mức giá này đã gần “chạm đáy” 2 năm. Giá gạo 25% tấm cũng giảm 5 USD/tấn, còn 432 USD/tấn.
So với hàng cùng loại của Thái Lan, gạo 5% tấm của Việt Nam giá đang thấp hơn 30 USD/tấn, giá gạo 25% tấm thấp hơn 15 USD/tấn.
Đáng chú ý, gạo Thái Lan trong những ngày qua giữ giá ổn định hoặc chỉ giảm nhẹ. Thế nên, với mức 490 USD/tấn gạo 5% tấm và 447 USD/tấn với gạo 25% tấm, giá gạo Thái Lan bỏ xa Việt Nam để chiếm ngôi đắt đỏ nhất trong top các quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới.
Lý giải về đà giảm mạnh của giá gạo Việt trong những ngày qua, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho rằng, giá gạo xuất khẩu cũng như chứng khoán, có lúc lên, lúc xuống, lúc tăng, lúc giảm. Theo ông, giá gạo không thể nào tăng mãi, khi đã lên đến đỉnh thì sẽ phải giảm. Đây là điều hết sức bình thường.
Chưa kể, giá gạo giảm theo xu hướng của thế giới trong bối cảnh Ấn Độ (kho gạo của thế giới) dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo cũng như bỏ thuế xuất khẩu, bán “xả hàng” tạo ra sức ép trên thị trường.
Ngoài ra, sản lượng gạo trên toàn cầu dồi dào sẽ tác động đến giá gạo của thế giới, trong đó có Thái Lan, Pakistan chứ không riêng Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho hay.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Hải cho rằng doanh nghiệp và người nông dân sản xuất lúa gạo cần trợ lực từ nhiều bên. Đơn cử, những lúc giá gạo xuống thấp, ngân hàng có thể hỗ trợ vốn vay để doanh nghiệp, thương nhân tăng cường mua gạo tích trữ, giúp bình ổn thị trường trong nước; hoặc ngành tài chính nhanh chóng hoàn tất thủ tục hoàn thuế VAT để doanh nghiệp có điều kiện xoay vòng vốn mua gạo.
Tâm An
VietNamNet
|