Sầu riêng chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã lập kỷ lục 7,2 tỷ USD, cao hơn 1,6 tỷ USD so với năm 2023.
Ngày 8-1, tại hội nghị giới thiệu Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả (HortEx Vietnam 2025) dự kiến diễn ra từ ngày 12 đến 14-3-2025 tại TP HCM, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), khẳng định Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất và xuất khẩu rau quả lớn của khu vực.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã lập kỷ lục 7,2 tỷ USD, cao hơn 1,6 tỷ USD so với năm 2023. Đây là bước nhảy vọt đầy ấn tượng, đánh dấu cột mốc quan trọng trên hành trình hướng tới mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD trong tương lai gần.
Xuất khẩu sầu riêng năm 2024 chiếm ưu thế khi mang về 3,2 tỷ USD, chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả.
|
Trong các mặt hàng xuất khẩu, sầu riêng chiếm ưu thế khi mang về 3,2 tỷ USD, tương đương 45% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Chuối tươi cũng ghi nhận bước tiến lớn, đạt doanh thu 380 triệu USD, tăng trưởng 30%, vượt qua các đối thủ mạnh như Philippines và Ecuador tại thị trường Trung Quốc.
Theo dự báo, năm 2025, xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam có thể đạt mốc 8 tỷ USD và tiến tới 10 tỷ USD vào năm 2030, sánh ngang với kim ngạch xuất khẩu ngành thủy hải sản hiện nay.
Hoa tươi tăng trưởng vượt bậc
Không chỉ rau quả, ngành hoa Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng nhờ điều kiện khí hậu thuận lợi và sự đa dạng về chủng loại. Việt Nam hiện là nguồn cung ứng hoa tươi chất lượng cao cho nhiều quốc gia. Trong giai đoạn 2021-2026, thị trường hoa tươi dự kiến sẽ tăng thêm 283,21 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm (CAGR) đạt 11,5%.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch VINAFRUIT, cho biết thành công của ngành rau quả xuất khẩu không chỉ đến từ việc mở rộng thị trường. Những nỗ lực như xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc vào cuối năm 2022, đưa bưởi vào Mỹ và New Zealand trong năm 2023, hay xuất khẩu dừa sang Trung Quốc vào năm 2024 đã giúp tăng mạnh giá trị kim ngạch.
Bên cạnh đó, ngành rau quả Việt Nam đã thích ứng tốt với các hàng rào kỹ thuật khắt khe từ các thị trường quốc tế. Việc đáp ứng yêu cầu về mã số vùng trồng và mã số nhà máy đóng gói đã mở đường cho rau quả Việt Nam chinh phục nhiều thị trường khó tính, thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún.
Hiện nay, những cánh vườn lớn với sự liên kết vùng chặt chẽ đã trở thành nền tảng vững chắc, không chỉ cung cấp nguyên liệu lớn mà còn tạo ra giá trị gia tăng từ các đặc sản vùng miền, phục vụ xuất khẩu.
Tin-ảnh: Nguyễn Hải
Người lao động
|