Ngành cơ khí Việt Nam: Dư địa lớn nhưng chưa nhiều "sếu đầu đàn"
Ngành cơ khí-máy móc và thiết bị đã từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp, kinh tế khác phát triển, trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho đối tác nước ngoài. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
|
Thời gian qua, ngành cơ khí Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước làm chủ công nghệ, mở rộng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và tỷ lệ nội địa hóa cũng như phát triển thị trường.
Mặc dù dư địa phát triển còn rất lớn, song theo các chuyên gia, việc đa dạng và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn hết sức khó khăn do vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài, cộng thêm năng lực cạnh tranh còn thấp, chưa xây dựng được thương hiệu và "hút" được các khách hàng tiềm năng…
Dư địa thị trường còn rất lớn
Đánh giá của các chuyên gia cho thấy từ nay đến năm 2030, nhu cầu thị trường cơ khí khoảng 310 tỷ USD, riêng nhu cầu thị trường ôtô là 120 tỷ USD nhưng hiện Việt Nam mới đáp ứng 1/3.
Tiến sỹ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) cho biết trong lĩnh vực sản xuất ôtô, xe máy, nhiều năm trước, các dây chuyền lắp ráp ôtô, xe máy hầu hết là do các đơn vị nước ngoài đảm nhận, nhưng từ năm 2012, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã cử một đoàn kỹ sư đi học hỏi, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các đơn vị của Nhật, Hàn Quốc và đến thời điểm này, Viện đã tự chủ trong việc thiết kế, chế tạo các dây chuyền lắp ráp ôtô.
Hay trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đơn vị này đã thành công trong việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ thực hiện hệ thống phao nổi và neo cho các dự án điện Mặt Trời. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp trong nước đã hoàn toàn tự lực, tự cường từ khâu thiết kế đến khâu gia công, chế tạo đến khâu thực hiện các dịch vụ kỹ thuật mà cụ thể là các dự án thủy điện Sơn La 2.400 MW, dự án thủy điện Lai Châu là 1.200 MW và góp phần đưa dự án thủy điện Sơn La vào vận hành sớm 3 năm và thủy điện Lai Châu vận hành sớm là 1 năm.
Tuy vậy, theo ông Phong, việc đáp ứng thị trường cơ khí trong nước và xuất khẩu vẫn còn rất khiêm tốn, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết bị toàn bộ, ví dụ như các nhà máy về nhiệt điện, thủy điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, xi măng hoặc sản xuất nguyên liệu… doanh nghiệp trong nước mới đáp ứng chưa đến 30% giá trị nhu cầu thiết bị.
“Nguyên nhân chưa đáp ứng được nhiều là do chưa có nhiều doanh nghiệp 'sếu đầu đàn' để sở hữu các công nghệ nguồn, đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các dự án trọn gói,” tiến sỹ Phan Đăng Phong cho hay.
Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho đối tác nước ngoài. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
|
Còn theo ông Nguyễn Đức Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, trong lĩnh vực gia công chế tạo máy, tỷ trọng doanh nghiệp FDI đang tham gia hoạt động sản xuất tại Việt Nam chiếm tỷ lệ rất lớn, trong đó các doanh nghiệp Việt đa phần là sản xuất linh, phụ kiện chi tiết để cung cấp ngược lại cho các doanh nghiệp FDI.
Trong khi đó, để sản xuất ra một sản phẩm, thông thường doanh nghiệp trong nước (chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ) sẽ mất thời gian gấp 1,5 lần doanh nghiệp ngoại, bởi khu vực FDI vượt trội về công nghệ, do vậy khâu con người và kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng như đo đạc đều được tự động hóa.
“Nhiều khó khăn nội tại, kéo theo tình trạng chi phí quản lý, chi phí sản xuất tăng cao và từ đó dẫn tới những yếu tố cạnh tranh về giá,” ông nói.
Thay đổi để bứt phá
Theo Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam. Ngành cơ khí-máy móc và thiết bị trong nước đã từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
Hiện nay cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành chính, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ và ôtô và phụ tùng ôtô. Doanh thu toàn ngành đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động.
Đến nay, linh kiện kim loại sản xuất trong nước hiện đã đáp ứng được 85- 90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15-40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ôtô; khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ; khoảng 40-60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng; cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.
Cụ thể, cơ khí chế tạo trong nước hiện nay cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85-95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, trong đó, phải kể đến một số doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực ô tô như: Vinfast, Thành Công, Thaco…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cơ khí đang đứng trước cơ hội lớn khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Các hiệp định này có hiệu lực sẽ giúp doanh nghiệp cơ khí có ưu thế hơn khi xuất khẩu, mở rộng thị trường, cũng như đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài.
Khâu tự động hóa là yếu tố quan trọng nâng cao sức cạnh tranh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
|
Ông Cao Văn Hùng, Giám đốc phát triển thị trường quốc tế, Công ty Cổ phần cơ khí chính xác Smart Việt Nam cho biết những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang được hưởng lợi rất nhiều từ làn sóng chuyển dịch từ các thị trường quốc tế. Dẫn chứng từ Smart, theo ông Hùng, trong năm 2024, doanh thu ước tính của doanh nghiệp tăng 260-280%.
Kết quả trên là nhờ nhu cầu tăng đột biến của các khách hàng hiện có cộng thêm những khách hàng mới đến từ các thị trường trọng điểm. Do đó, để đón đầu các cơ hội thị trường, Smart đã đầu tư rất mạnh cho đội ngũ Sale và đội ngũ nghiên cứu phát triển (R&D), trong đó, đội ngũ Sale với những người thực sự có năng lực để có thể giao dịch và làm việc với các đối tác tại các quốc gia khác nhau và mang được những dự án từ nước ngoài về.
“Chỉ cần khách hàng có ý tưởng và có mẫu thì Smart sẽ triển khai và giúp khách hàng xây dựng một sản phẩm hoàn chỉnh tại Việt Nam, nhờ vậy doanh nghiệp cũng gặt hái không ít thành công trong giai đoạn vừa rồi,” ông Hùng chia sẻ.
Tuy vậy, để nâng cao tính cạnh tranh về chất lượng, đại diện Smart cho rằng doanh nghiệp phải đầu tư, từ nguyên, vật liệu; máy móc cho việc tự động hóa các khâu sản xuất; quy trình quản lý chất lượng của quốc tế và cuối cùng là đội ngũ nhân sự chất lượng cao.
“Doanh nghiệp mong muốn các bộ, ban, ngành sẽ có nhiều chương trình xúc tiến thương mại tại nước ngoài để hỗ trợ thêm việc kết nối khách hàng. Ngoài ra, với doanh nghiệp đang muốn trở thành “sếu đầu đàn” thì cần nguồn lực rất lớn, do vậy các chính sách nên tập trung vào khâu nghiên cứu phát triển,” ông Hùng kiến nghị.
Nhấn mạnh thêm góc độ này, Tiến sỹ Phan Đăng Phong cho rằng hàng năm, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các thương vụ nước ngoài tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại ở các nước sở tại, vì vậy, các doanh nghiệp cần có những liên hệ với Cục Xúc tiến thương mại để có được kế hoạch, đưa catalogue sản phẩm của mình để quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu các thông tin của một số doanh nghiệp đã thành công ở thị trường đó để lấy đó làm kinh nghiệm để khi vào thị trường mới mình tránh được rủi ro.
“Về nội tại các doanh nghiệp cần đầu tư hơn nữa về nguồn nhân lực, trang thiết bị cũng như đầu tư công nghệ để có thể sở hữu các công nghệ của riêng mình, để có thể thay đổi theo yêu cầu của khách hàng, đồng thời, dây chuyền sản xuất cần hiện đại hóa, đầu tư tốt hơn khi đó giá thành mới cạnh tranh, chất lượng đảm bảo, từ đó tạo ra được sự bền vững cho sản phẩm của mình trong chuỗi sản phẩm toàn cầu,” Tiến sỹ Phan Đăng Phong lưu ý thêm.
Đức Duy
Vietnamplus
|