Bất ngờ trước sự tăng vọt cung tiền trong quý 4
Sau giai đoạn trì trệ nửa đầu năm, cung tiền trong nền kinh tế đã mở rộng nhanh hơn trong nửa cuối năm, đặc biệt tăng đột biến trong quý 4 vừa qua. Dù cung tiền tăng nhanh hơn nhưng thanh khoản hệ thống vẫn đối mặt áp lực. Vì sao lại như vậy?
Chậm đầu năm, cuối năm tăng tốc
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO) công bố, tổng phương tiện thanh toán tính (PTTT) đến ngày 25/12/2024 tăng 9.42% so với cuối năm 2023. Đây là diễn biến khá bất ngờ, khi trước đó báo cáo quý 3 của GSO cho thấy tổng PTTT đến ngày 27/9/2024 chỉ mới tăng 5.1% so với cuối năm 2023. Như vậy, chỉ trong vòng gần 3 tháng cuối năm, tổng PTTT đã tăng thêm 4.3%.
Nếu xét theo số tuyệt đối, tổng PTTT đến 25/12/2024 tăng 1,507 nghìn tỷ đồng, trong khi tính đén 27/9/2024 mới tăng gần 816 nghìn tỷ đồng, theo đó chỉ chưa đầy 3 tháng đã tăng thêm hơn 691 nghìn tr đồng, chiếm gần 46% tổng mức tăng của cả năm 2024. Đây là tốc độ tăng khá nhanh, như một số dự báo đã đưa ra trước đó. Đặc biệt, nếu nhìn lại giai đoạn những tháng đầu năm nay, mới thấy cung tiền đã mở rộng với tốc độ đột biến ra sao trong những tháng cuối năm.
Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm nay, tổng PTTT vẫn còn đang ghi nhận sụt giảm 0.53%, đến hết quý 1/2024 có tăng trưởng dương trở lại so với cuối năm 2023 nhưng mức tăng chỉ vỏn vẹn 0.09%; kết thúc 6 tháng đầu năm tăng được 3.21%; trong tháng 7 đột ngột sụt giảm khi tốc độ tăng so với cuối năm 2023 chỉ còn 2.52%. Theo đó, tốc độ tăng của cả năm 2024 dồn chủ yếu vào trong 5 tháng cuối năm, đặc biệt là 3 tháng của quý 4. Xu hướng này khá tương đồng với cùng kỳ năm ngoái, khi cung tiền cũng tăng tập trung trong quý 4/2023, đặc biệt là tháng cuối năm.
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang nỗ lực kiềm chế đà tăng của tỷ giá USD/VNĐ bằng cách bán ròng ngoại tệ trong thời gian qua, đồng thời tăng cường hút tiền trên thị trường mở, nhưng cung tiền càng về cuối năm vẫn tăng vọt là điều đáng chú ý. Theo ước tính gần đây của CTCK Rồng Việt, trong năm 2024 nhà điều hành đã bán ra khoảng 9.4 tỷ USD, tương đương khoảng 235,000 tỷ đồng, trong đó riêng giai đoạn tháng 9 đến tháng 12 đã bán ra khoảng 2.8 tỷ USD, còn trước đó từ tháng 4 đến tháng 7 bán ra khoảng 6.5 tỷ USD.
Ngoài ra, trong tháng 11 cuối năm 2024, Chính phủ cũng đã phải thanh toán 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế kỳ hạn 10 năm đã đến hạn. Về cơ bản, việc trả nợ nước ngoài sẽ ảnh hưởng làm thu hẹp cung tiền. Trong khi đó, trên thị trường mở, NHNN đã hút ròng hơn 46,600 tỷ đồng trong quý 4 năm 2024, chủ yếu là hút ròng trên thị trường tín phiếu, khi cơ quan này đã bắt đầu phát hành tín phiếu trở lại từ ngày 18/10/2024 sau giai đoạn tạm ngưng khoảng 1 tháng rưỡi.
Đặc biệt, dù cung tiền có mở rộng nhanh hơn, nhưng thanh khoản của hệ thống dường như vẫn chịu không ít áp lực, thể hiện qua lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn cao, với lãi suất qua đêm bình quân trong quý 4 vẫn trên mốc 4%, thậm chí có lúc tăng mạnh lên mốc gần 5.9% vào giữa tháng 11. Còn trên thị trường 1, giai đoạn quý 4 cũng chứng kiến nhiều nhà băng liên tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm để lôi kéo khách hàng.
Vì sao lại như vậy?
Diễn biến trên cho thấy sự mở rộng nhanh hơn của cung tiền có lẽ không phải đến từ các hoạt động bơm tiền của nhà điều hành. Nếu nhìn vào tốc độ tăng song hành của 3 chỉ tiêu tổng PTTT, huy động vốn và tín dụng trong 3 tháng cuối năm sẽ thấy sự liên hệ khá chặt chẽ, cho thấy chính diễn biến tăng trưởng tín dụng đột biến trong những tháng cuối năm đã góp phần đẩy cung tiền lẫn huy động vốn của toàn hệ thống cũng tăng tốc nhanh hơn.
Với số liệu công bố mới đây cho thấy tín dụng của năm 2024 đã về đích với mức tăng mạnh lên đến 15.08%, tức chỉ trong vòng 6 ngày cuối năm đã kịp tăng thêm 1.26%, tương ứng gần 171,000 tỷ đồng, theo đó số dư huy động vốn của toàn hệ thống và cung tiền có lẽ cũng đã mở rộng lớn hơn trong cùng khoảng thời gian. |
Trong 9 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 27/9 theo dữ liệu của GSO), tổng PTTT và huy động vốn toàn hệ thống tăng trưởng khá tương thích với tốc độ lần lượt là 5.1% và 4.8% so với cuối năm 2023, tương ứng số tuyệt đối là gần 816,000 tỷ đồng 698,000 tỷ đồng. Chỉ riêng tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ hơn là 8.5%, tương ứng số tuyệt đối hơn 1,157 ngàn tỷ đồng.
Nhưng trong 3 tháng cuối năm (tính đến 25/12), mức tăng tuyệt đối của cả 3 chỉ tiêu này không còn chênh lệch quá lớn, với tổng PTTT tăng hơn 691,000 tỷ đồng, huy động vốn tăng hơn 622,000 tỷ đồng và dư nợ tín dụng tăng gần 718,000 tỷ đồng. Xu hướng này có thể phản ánh sự vận động của dòng vốn, khi các ngân hàng tăng tốc tín dụng cuối năm để sử dụng hết hạn mức được giao, lượng vốn giải ngân thực tế vẫn có thể luân chuyển trong hệ thống ngân hàng và tiếp tục làm tăng số dư huy động vốn của toàn hệ thống, từ đó cũng đẩy cung tiền mở rộng nhanh hơn, nhưng về thực tế lượng thanh khoản mới bơm vào hệ thống là không đáng kể hoặc thậm chí còn thu hẹp.
Cần biết rằng, công thức tính tổng PTTT theo định nghĩa của GSO là bao gồm tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng; các khoản tiền gửi (gồm không kỳ hạn, có kỳ hạn và tiết kiệm) tại các tổ chức tín dụng (TCTD) và các loại giấy tờ có giá (GTCG) do các TCTD phát hành. Theo đó, ngoài số dư huy động vốn đã tăng mạnh theo dư nợ tín dụng giúp kéo tăng tổng PTTT, việc nhiều ngân hàng tăng cường phát hành GTCG trong những tháng cuối năm có lẽ cũng đã góp phần làm tăng cung tiền M2.
Các số liệu công bố cho thấy các ngân hàng đã phát hành xấp xỉ gần 306,000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2024, trong tổng số hơn 443,400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành. Riêng quý 4 cuối năm các nhà băng đã phát hành hơn 106,200 tỷ đồng, chiếm gần 35% tổng giá trị phát hành của nhóm ngân hàng trong cả năm 2024, trong đó chỉ trong tháng 12 cuối năm đã phát hành hơn 36,000 tỷ đồng.
Đặc biệt, với số liệu công bố mới đây cho thấy tín dụng của năm 2024 đã về đích với mức tăng mạnh lên đến 15.08%, tức chỉ trong vòng 6 ngày cuối năm đã kịp tăng thêm 1.26%, tương ứng gần 171,000 tỷ đồng, theo đó số dư huy động vốn của toàn hệ thống và cung tiền có lẽ cũng đã mở rộng lớn hơn trong cùng khoảng thời gian.
Cuối cùng, ngoài ảnh hưởng của hoạt động tín dụng và phát hành GTCG của các nhà băng, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân mạnh mẽ, giá trị xuất siêu lớn và kiều hối đổ về trong giai đoạn cuối năm cũng đã góp phần mở rộng cung tiền nhanh hơn. Cụ thể, trong quý 4 vừa qua, giá trị FDI thực hiện là hơn 8 tỷ USD, chiếm gần 32% tổng giá trị thực hiện của cả năm 2024; xuất siêu hàng hóa là gần 4 tỷ USD, chiếm 16% tổng giá trị xuất siêu cả năm.
Thụy Nhiên
FILI
|