Điều gì xảy ra khi ngân hàng dừng cơ cấu nợ?
Theo các chuyên gia, việc dừng cơ cấu trả nợ cho khách hàng sẽ khiến một số ngân hàng đối mặt với nợ xấu khi có các khoản nợ tái cơ cấu liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
Gần 250.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý
Từ tháng 1/2025, các ngân hàng sẽ không còn áp dụng Thông tư 02 sau khi hết hiệu lực vào cuối tháng 12/2024. Thông tư này, được triển khai từ tháng 5/2023, giúp các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng gặp khó khăn tài chính trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 10, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng ở mức 1,96% tổng dư nợ. Con số này không bao gồm các ngân hàng kiểm soát đặc biệt. Đã có gần 250.000 tỷ đồng nợ xấu được các ngân hàng xử lý trong 10 tháng năm 2024, chủ yếu bằng hình thức khách hàng trả nợ và sử dụng dự phòng rủi ro. Qua Công ty Quản lý tài sản (VAMC), mới mua nợ theo giá trị thị trường được 149 tỷ đồng dư nợ gốc.
Theo các chuyên gia từ Công ty CP Đầu tư Xếp hạng tín nhiệm Việt nam (VIS Rating), trong ba quý đầu năm 2024, tốc độ hình thành nợ quá hạn tại các ngân hàng đã chậm lại, cho thấy dòng tiền của khách hàng đang có sự cải thiện rõ rệt.
Khi Thông tư 02 hết hiệu lực vào cuối năm 2024, các ngân hàng sẽ phải hạch toán toàn bộ chi phí tín dụng đối với các khoản nợ tái cơ cấu. Nhóm chuyên gia đánh giá rằng, các ngân hàng lớn, đặc biệt là những đơn vị có tỷ lệ nợ tái cơ cấu thấp, sẽ kiểm soát tốt tác động này đối với kết quả kinh doanh.
Năm 2025 các ngân hàng thêm khó khăn vì nợ xấu.
|
Tuy nhiên, một số ngân hàng với tỷ lệ nợ tái cơ cấu cao có nguy cơ phải đối mặt với rủi ro tài sản lớn hơn, đặc biệt liên quan đến các khoản vay trong lĩnh vực bất động sản và các khách hàng lớn. Trong khi đó, thị trường bất động sản vẫn đang bị kìm hãm bởi các vướng mắc pháp lý và nhu cầu yếu đối với nhiều dự án mới, khiến áp lực đè nặng lên những ngân hàng này.
Ngoài ra, các ngân hàng này cũng chịu thêm gánh nặng từ chi phí tín dụng tăng cao, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Một số ngân hàng nhỏ đã chủ động giảm rủi ro cho vay để cải thiện chất lượng tài sản, nhưng điều này đồng thời tạo áp lực lên biên lãi ròng trong thời gian tới.
Nợ xấu là "bài toán" khó
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng có nhiều giải pháp để giảm áp lực nợ xấu. Một trong những giải pháp chính là trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu bằng nguồn tự lực của các ngân hàng. Đồng thời, đẩy mạnh thu hồi nợ, xử lý các loại tài sản đảm bảo với các khoản nợ không có khả năng thu hồi…
Tuy nhiên, theo ông Hùng, trong bối cảnh thị trường bất động sản có lúc trầm lắng, dù đã có dấu hiệu chuyển động thời gian vừa qua nhưng giá cao nên vấn đề xử lý phát mại tài sản đảm bảo cũng như tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn.
Ông Hùng nhận định, trong năm 2025, nợ xấu vẫn là một "bài toán" khó với các ngân hàng, đặc biệt khi các doanh nghiệp còn đang rất khó khăn, vừa mới trải qua giai đoạn dài ảnh hưởng bởi COVID-19, tiếp tục gánh chịu hậu quả từ thiên tai như bão Yagi.
Hiện tại, cơ cấu nợ, thời hạn nợ được điều chỉnh nhưng bản chất nó vẫn là nợ xấu. Vì vậy khi cho vay mới, ngân hàng luôn phải xem xét các khoản nợ cũ, xem doanh nghiệp, khách hàng có khả năng trả nợ hay không.
“Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống chưa đến 3%. Tôi nghĩ đây là con số rất ấn tượng. Tuy nhiên, áp lực nợ xấu vẫn kéo dài sang năm 2025 khi Thông tư 02 hết hiệu lực thì tất cả các khoản cơ cấu nợ sẽ là một áp lực với các tổ chức tín dụng”, ông Hùng nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng đang có phục hồi nhưng còn rất chậm. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới thanh khoản nhất là trong bối cảnh giá bất động sản tăng cao khiến người dân càng mang tâm lý dè chừng.
Ông Hiếu đánh giá, tình trạng các ngân hàng rao bán tài sản đảm bảo dồn dập vào những tháng cuối năm 2024 vì khi kết thúc quý 3, tỷ lệ nợ xấu của nhiều ngân hàng đang có xu hướng tăng.
Ngọc Mai
Tiền Phong
|