10 Khẩu quyết phân tích kỹ thuật (Kỳ 3): Head & Shoulders – Mẫu hình cấm bỏ qua!
Mẫu hình Head & Shoulders là gương mặt khá quen thuộc của các nhà đầu tư và các chuyên gia phân tích kỹ thuật. Lý do khiến mẫu hình Head & Shoulders này trở nên phổ biến vì nó thường cho tín hiệu đảo chiều xu hướng khá chính xác.
Đặc điểm của mẫu hình Head & Shoulders
Mẫu hình Head & Shoulders hay còn gọi là Vai-Đầu-Vai là mẫu hình đáng tin cậy và thường xuất hiện nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Lý do khiến mẫu hình Head & Shoulders này rất phổ biến vì nó thường cho tín hiệu đảo chiều xu hướng khá chính xác. Và sau đây là những dấu hiệu để nhận diện mẫu hình tiềm năng này:
Thứ nhất, quá trình hình thành và phát triển mẫu hình này thường xảy ra trong cuối giai đoạn của một xu hướng tăng hoặc giảm của thị trường. Trong một xu hướng tăng, mẫu hình Head & Shoulders được gọi là mẫu hình Vai-Đầu-Vai thuận. Phiên bản đảo ngược của nó là Inverse Head & Shoulders còn được gọi là mẫu hình Vai-Đầu-Vai ngược.
Thứ hai, Head & Shoulders là một biến thể của mẫu hình Ba đỉnh hoặc Ba đáy (Triple Top or Triple Bottom) với đỉnh số 2 (Đầu của mẫu hình) cao hơn các đỉnh còn lại (Đỉnh của vai trái và phải). Tên gọi của mẫu hình xuất phát từ sự tương tự của mẫu hình với hình tượng đầu và hai vai của con người.
Thứ ba, khối lượng giao dịch tại các vùng đỉnh này thường tăng đột biến. Điều đó cho thấy quá trình phân phối đang được tiến hành mạnh mẽ khi một lượng lớn cổ phiếu của các tổ chức, nhà đầu tư kỳ cựu được bán sang tay cho các nhà đầu tư F0 và sự thiếu kinh nghiệm trên thị trường tài chính này đã khiến cho các nhà đầu tư “yếu nghề” hoảng loạn bán ra khi xuất hiện các phiên xác nhận tạo các đỉnh của mẫu hình Vai-Đầu-Vai thuận.
Trái lại, ở mẫu hình Vai-Đầu-Vai ngược quá trình ép bán, gom hàng của tổ chức và các nhà đầu tư giá trị tại các vùng này sẽ được diễn ra mạnh mẽ hơn khi đa số các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã quá chán nản khi phải tiếp tục gồng lỗ trong một nhịp downtrend trung và dài hạn.
Ngoài ra, khối lượng giao dịch trong quá trình hình thành vai phải sẽ có xu hướng sụt giảm đáng kể so với hai giai đoạn trước đó của mẫu hình Head & Shoulders. Điều này cho thấy quá trình phân phối/gom hàng đang dần đi đến hồi kết và khi khối lượng giao dịch tăng trở lại tại điểm phá vỡ (Breaking point) thì mẫu hình Head & Shoulders chính thức được hoàn thành.
Cuối cùng, mẫu hình Vai-Đầu-Vai thuận hoàn thiện và được xem là hợp lệ khi giá phá vỡ xuống dưới (Downward Breakouts) đường viền cổ (Neckline) đồng thời đóng cửa dưới đường này. Ngược lại, ở mẫu hình Vai-Đầu-Vai ngược hoàn thiện khi giá phá vỡ lên trên (Upwarnd Breakouts) đường viền cổ (Neckline) đồng thời đóng cửa trên đường này.
Tóm tắt đặc điểm nhận diện của mẫu hình Head & Shoulders

Cách đo mục tiêu giá (Target Price)
Để có thể đo mục tiêu giá của mẫu hình Vai-Đầu-Vai thuận, trước hết chúng ta cần xác nhận đường viền cổ (Neckline). Đường này được vẽ khi nối các đáy của mẫu hình lại với nhau. Sau đó, tính chiều cao (ký hiệu: H) của mẫu hình từ mức thấp nhất của đáy đến đỉnh cao nhất hay còn gọi là phần Đầu của mẫu hình, rồi chúng ta dùng mức giá ở điểm phá vỡ (Breaking point) ở Neckline cộng thêm kết quả vừa tính được để có giá mục tiêu tối thiểu (Min. Target) của mẫu hình. Cách tính tương tự được áp dụng cho trường hợp Vai-Đầu-Vai ngược.
Biểu đồ giá của cổ phiếu HPG giai đoạn năm 2020-2024

Nguồn: https://stockchart.vietstock.vn/
Theo khung đồ thị tuần, HPG tạo đáy vào tháng 3/2024 và bước vào xu hướng tăng dài hạn. Vai trái của mẫu hình Head & Shoulders hình thành khi xuất hiện các phiên giảm mạnh kèm theo khối lượng lớn cho thấy sự hoảng loạn của đa số các nhà đầu tư. Sự phục hồi mạnh mẽ sau đó đã giúp cho giá cổ phiếu tăng mạnh và quá trình tạo đỉnh 52 tuần mới cũng diễn ra tương tự giai đoạn trước đó vào giai đoạn giữa tháng 11/2021.
Trải qua nhịp điều chỉnh ngắn hạn và phục hồi, khối lượng giao dịch tại Vai phải của mẫu hình Head & Shoulders có phần sụt giảm đáng kể so với các giai đoạn trước đó. Điều này cho thấy quá trình phân phối đang dần đến hồi kết khi các tổ chức và các nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm đã trao tay gần hết lượng hàng còn lại cho các “tay mơ F0”.
Mẫu hình Vai-Đầu-Vai thuận chính thức được hoàn thành sau khi giá cổ phiếu phá vỡ xuống dưới (Downward breakouts) đường viền cổ (Neckline) vào đầu tháng 5/2022. Ngay sau đó, xu hướng giảm trung hạn diễn ra ngay sau đó và chính thức tạo đáy, phục hồi sau khi giá cổ phiếu rơi về vùng giá mục tiêu (price target) tiềm năng của mẫu hình này vào tháng 11/2022.
Tăng xác suất thành công khi giao dịch với mẫu hình Head & Shoulders
Chúng ta có thể sử dụng kết hợp các mẫu hình nến như Black Marubozu, White Marubozu, Rising Window, Falling Window, Hammer, Inverted Hammer… kèm theo sự đột phá về khối lượng để gia tăng xác suất thành công.
Ngoài ra, nên chú ý các chỉ báo kỹ thuật thuộc nhóm chỉ báo dao động (Oscillators) như: Stochastic Oscillator, Relative Strength Index (RSI)… Cụ thể, ta có thể kết hợp sử dụng các tín hiệu bán (Sell Signal) trong vùng quá mua (overbought), tín hiệu mua (Buy Signal) trong vùng quá bán (oversold) hoặc phân kỳ giá giảm (Bearish Divergence), phân kỳ giá tăng (Bullish Divergence) để xác nhận xu hướng đảo chiều tốt hơn.
Thêm vào đó, việc quản lý rủi ro chặt chẽ là không thể thiếu trong bất kỳ chiến lược giao dịch nào. Mẫu hình Head & Shoulders không phải lúc nào cũng chính xác. Do đó, nhà đầu tư cần quản lý rủi ro chặt chẽ bằng cách đặt điểm dừng lỗ (stop loss) hợp lý.
Đón đọc: 10 Khẩu quyết phân tích kỹ thuật (Kỳ 4): Phân tích Khối lượng - Chìa khóa để hiểu Thị trường Chứng khoán Việt Nam
Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|