10 Khẩu quyết phân tích kỹ thuật (Kỳ 1): Kháng cự/Hỗ trợ - "Bí kíp" vượt thời gian
Giữa "ma trận" thông tin và biến động khó lường của thị trường chứng khoán, đâu là "kim chỉ nam" cho nhà đầu tư? Các nghiên cứu của Ralph Nelson Elliott - cha đẻ của Lý thuyết sóng Elliott - đã chỉ ra rằng tâm lý đám đông với sự tham lam và sợ hãi xen lẫn được biểu hiện qua những mô hình sóng lặp đi lặp lại đã tạo ra các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự, đây là những "điểm tựa" cho hành trình của giá cổ phiếu. Nắm vững kiến thức về các ngưỡng này sẽ giúp nhà đầu tư "đọc vị" được tâm lý thị trường đưa ra quyết định giao dịch thông minh hơn.
Nhận diện chính xác, hành động hiệu quả
Tuy là những khái niệm "cổ điển", nhưng kháng cự/hỗ trợ chưa bao giờ lỗi thời. Nói một cách đơn giản, ngưỡng Kháng cự là điểm cao nhất trong một đợt tăng giá, nơi lực bán mạnh mẽ ngăn chặn đà tăng. Ngược lại, ngưỡng Hỗ trợ là điểm thấp nhất trong một đợt giảm giá, nơi lực mua đủ mạnh để ngăn giá giảm thêm.
Các ngưỡng này thường mang ý nghĩa tâm lý, giúp xác định rào cản giá trong tương lai. Khi bị phá vỡ, hỗ trợ sẽ trở thành kháng cự và ngược lại, kháng cự sẽ trở thành hỗ trợ. Hiện tượng chuyển hóa giữa các ngưỡng này có thể đến từ sự thay đổi kỳ vọng của nhà đầu tư, biến động kinh tế vĩ mô hoặc sự xuất hiện của những thông tin bất ngờ.
Nguồn: https://stockchart.vietstock.vn/
Chính sự tồn tại của kháng cự và hỗ trợ đã thách thức giả thuyết thị trường hiệu quả (Efficient Market Hypothesis - EMH), một lý thuyết cho rằng giá cả di chuyển một cách ngẫu nhiên và phản ánh mọi thông tin có sẵn. Trong khi, nhiều nhà phân tích kỹ thuật tin rằng giá cả chịu ảnh hưởng bởi tâm lý thị trường và hành vi của nhà đầu tư, tạo ra các mô hình và xu hướng có thể dự đoán được.
Hiệu quả của Hỗ trợ/Kháng cự tại thị trường Việt Nam
Trong phân tích kỹ thuật có rất nhiều trong công cụ được sử dụng trong quá trình xác định các ngưỡng đảo chiều tiềm năng từ các vùng hỗ trợ và kháng cự như:
Đầu tiên phải kể đến là sử dụng các vùng đỉnh/đáy cũ: Hãy nhìn lại lịch sử, những vùng đỉnh/đáy cũ chính là những "dấu chân" của giá, và thường trở thành kháng cự/hỗ trợ trong tương lai.
Biểu đồ giá của cổ phiếu VNM trong giai đoạn 2015-2024
Nguồn: https://stockchart.vietstock.vn/
Ví dụ, trong giai đoạn từ 2015 -2024, cổ phiếu VNM đã được hỗ trợ khá tốt và bật tăng trở lại vào các thời điểm tháng 3/2020 và tháng 6/2022 do vùng hỗ trợ dài hạn 54,900-57,900 hình thành từ đáy cũ tháng 6/2016. Cũng trong giai đoạn đó, đỉnh tháng 6/2018 cũng hình thành nên vùng kháng cự mạnh 95,300- 99,500 đã dẫn đến sự đảo chiều giảm vào thời điểm tháng 2/2019 và tháng 1/2021 sau đó.
Bên cạnh đó, thì yếu tố về khối lượng giao dịch luôn được đề cao trong quá trình phân tích. Giá và khối lượng biến động cùng chiều thì xu hướng sẽ được duy trì tốt và mạnh mẽ. Nếu hai đại lượng này có biểu hiện ngược chiều nhau thì xu hướng hiện hành sẽ dễ bị đảo ngược. Điều này lại càng mang ý nghĩa quan trọng tại các điểm breakout. Nếu giá phá vỡ một ngưỡng kháng cự để đi lên nhưng khối lượng lại sụt giảm mạnh thì nguy cơ thất bại của điểm breakout đó là rất lớn. Mặt khác, cũng cần phải lưu ý là nếu hướng breakout của giá ngược với xu hướng dài hạn thì nên thận trọng. Như trong ví dụ của cổ phiếu VNM, khối lượng giao dịch ở tuần đầu tiên trong tháng 11/2017 đã gia tăng hơn gấp 2 lần so với mức trung bình 20 phiên để xác nhận điểm phá vỡ thành công ngưỡng kháng cự được hình thành từ đỉnh tháng 9/2016 (tương đương vùng giá 73,500-78,600) để tiếp tục xu hướng tăng trung hạn trước đó và sau đó vùng này đã trở thành ngưỡng hỗ trợ khá hiệu quả trong trung hạn khi giá bật tăng vào thời điểm tháng 11/2018 sau nhịp điều chỉnh trung hạn.
Công cụ phổ biến thứ 2 phải kể đến là Đường xu hướng (Trendline): Giống như những "con đường mòn" trên bản đồ, đường xu hướng tăng/giảm sẽ dẫn dắt bạn đến những ngưỡng kháng cự/hỗ trợ tiềm năng. Đây là một công cụ áp dụng khá hiệu quả khi giá cổ phiếu bước vào xu hướng tăng/giảm mạnh trong dài hạn.
Cổ phiếu MSN trong giai đoạn năm 2022-2023 đã hình thành một xu hướng giảm dài hạn và giá đã có những nhịp phục hồi kỹ thuật không thành công khi liên tục đảo chiều giảm khi test lại đường xu hướng. Đến tháng 3/2024, xu hướng giảm này chính thức bị phá vỡ thành công kèm theo đó là sự gia tăng đột phá gấp hơn 3 lần về khối lượng giao dịch so với giai đoạn giảm trước đó xác nhận xu hướng phục hồi đã quay trở lại.
Biểu đồ giá của cổ phiếu MSN & FPT trong giai đoạn 2020-2024
Nguồn: https://stockchart.vietstock.vn/
Đối với FPT, đây là một ví dụ điển hình cho các vùng hỗ trợ động hình thành từ đường xu hướng tăng khi giá đã có những nhịp điều chỉnh giảm ngắn hạn về kiểm tra lại các trendline tăng này và sau đó bật tăng trở lại kèm theo sự thay đổi về độ dốc của các đường xu hướng cho thấy sự tăng tốc giá trong suốt giai đoạn 2020-2024.
Ngoài ra, trong bộ các công cụ xác định hỗ trợ kháng cự, không thể thiếu chỉ báo Đường trung bình động (Moving Average) hiệu quả với các đường SMA phổ biến như 20 phiên, 50 phiên hoặc 200 phiên đóng vai trò như những đường biên hỗ trợ/kháng cự động quan trọng.
Trong suốt giai đoạn từ năm 2022 đến 2024, giá cổ phiếu HSG luôn xuất hiện điểm đảo chiều khi chạm đến các đường SMA 100 ngày và SMA 200 ngày. Hơn thế nữa, các điểm đảo chiều này lại có xác suất thành công hơn khi sử dụng kết hợp với chỉ báo dao động như Stochastic Oscillator. Cụ thể, vào tháng 3/2022, cổ phiếu HSG đã xuất hiện một điểm đảo chiều sau nhịp tăng ngắn hạn trước đó và phá vỡ thất bại (fail breakout) nhóm đường SMA 100 & 200 ngày kèm theo tín hiệu bán tại vùng quá mua (overbought) của chỉ báo Stochastic Oscillator đã củng cố thêm cho kịch bản không mấy tích cực. Thực tế, xu hướng giảm sau đó đã xuất hiện và kéo dài đến tháng 11/2022 khiến HSG giảm hơn 77%.
Biểu đồ giá của cổ phiếu HSG trong giai đoạn 2022-2024
Nguồn: https://stockchart.vietstock.vn/
Tương tự, sau khi HSG đã vượt thành công đường SMA 200 ngày vào tháng 2/2023, chấm dứt xu hướng giảm dài hạn trước đó thì đường trung bình động này đã trở thành ngưỡng hỗ trợ mới cho nhịp điều chỉnh ngắn hạn vào tháng 4/2023, giúp cổ phiếu này phục hồi và quay lại xu hướng tăng dài sau đó.
Kết luận
Có thể thấy Kháng cự/Hỗ trợ là các công cụ phân tích kỹ thuật "kinh điển" và có phần rất đơn giản nhưng đúng với trích dẫn khá nổi tiếng của danh họa Leonardo da Vinci:“Simplicity is the ultimate sophistication”(Tạm dịch: Sự đơn giản là đỉnh cao của sự phức tạp), công cụ này vẫn luôn giữ vững giá trị trong thị trường tài chính hiện đại với những ưu điểm như dễ hiểu, dễ áp dụng, có thể sử dụng linh hoạt ở bất kỳ thị trường tài chính nào như cổ phiếu, hàng hóa, phái sinh… và ở bất kỳ khung thời gian ngắn/trung/dài hạn.
Tuy nhiên, việc xác định các ngưỡng kháng cự/hỗ trợ đôi khi mang tính chủ quan, phụ thuộc vào kinh nghiệm và góc nhìn của mỗi nhà đầu tư. Do đó, để nâng cao hiệu quả, nhà đầu tư cần kết hợp cùng các công cụ và phương pháp phân tích khác để gia tăng xác suất thành công cho hệ thống giao dịch của mình.
Đón đọc: 10 Khẩu quyết phân tích kỹ thuật (Kỳ 2): Tính chất chu kỳ - Đừng đến khi tiệc tàn!
Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|