Xuất khẩu vẫn là điều kiện quan trọng và cần thiết nhất cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Ông Pyon Young Hwan đánh giá tình hình kinh tế hiện tại là cơ hội để Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu và nâng tầm thành một quốc gia lớn ở châu Á. Việt Nam phải tập trung vào cơ hội hiện tại và không bao giờ được bỏ lỡ.
Số liệu từ Tổng Cục thống kê vừa công bố cho thấy tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 369.93 tỷ USD, tăng 14.4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 103.88 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 28.1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 266.05 tỷ USD, tăng 12.4%, chiếm 71.9%. Trong 11 tháng năm 2024, có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94.1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66.5%).
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 345.62 tỷ USD, tăng 16.4% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 126.05 tỷ USD, tăng 18.5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 219.57 tỷ USD, tăng 15.2%.
Tính chung 11 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 24.31 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 26.2 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22.17 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 46.48 tỷ USD.
Ông Pyon Young Hwan - Giám đốc phụ trách mảng giao dịch ngoại hối và phái sinh, Ngân hàng Shinhan Việt Nam
|
Ông Pyon Young Hwan - Giám đốc phụ trách mảng giao dịch ngoại hối và phái sinh, Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho biết cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đã chuyển dịch theo hướng hiện đại hoá và đạt được những bước tiến mới. Việt Nam đã trở thành một quốc gia chủ động và có nhiều hơn các cơ hội tiếp cận, đáp ứng các nhu cầu của các nước phát triển trên thế giới.
Trong 40 năm qua, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trung bình 17%/năm và tính đến hiện tại, tăng trưởng xuất khẩu năm 2024 đã vượt hơn 15% cùng kỳ năm trước.
Điều này chứng tỏ Việt Nam đã trở thành một đối tác hấp dẫn đối với thị trường Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và châu Âu, đây là minh chứng cho thấy vị thế của Việt Nam đã cải thiện đáng kể trong thời gian qua.
Nói cách khác, Việt Nam đã tăng cường được năng lực đàm phán để đưa ra các điều kiện thuận lợi hơn với nhiều quốc gia phát triển.
Có sự khác biệt lớn về cơ cấu xuất khẩu nếu so sánh giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Hàn Quốc và Việt Nam đều là những nước có sự phụ thuộc cao vào xuất khẩu, nhưng với trường hợp của Hàn Quốc, phần lớn doanh thu xuất khẩu đến từ các công ty Hàn Quốc. Tuy nhiên, hơn 70% doanh thu xuất khẩu của Việt Nam đến từ các công ty nước ngoài. Vì lý do này, tôi hiểu rằng ngay cả trong nội bộ Việt Nam cũng đang hy vọng và chuẩn bị cho sự phát triển mạnh mẽ của các công ty xuất khẩu là công ty của Việt Nam, giống như công ty Samsung của Hàn Quốc.
“Nhưng tôi chắc chắn rằng chúng ta cần nhiều thời gian hơn nữa. Tôi tin rằng hành động tốt nhất mà Chính phủ Việt Nam có thể làm ngay bây giờ là tăng cường hỗ trợ các công ty nước ngoài trong hoạt động xuất khẩu mà Việt Nam hiện đang làm rất tốt và có lợi thế để trở nên chủ động hơn", chuyên gia khẳng định.
Đặc biệt, Việt Nam cần chủ động gia tăng những lợi ích có thể đạt được từ xung đột thương mại Mỹ - Trung bằng cách tận dụng những điểm mạnh và sức hút của Việt Nam.
Xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng quan trọng với kinh tế Việt Nam
Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu như hiện nay, ông Pyon Young Hwan đánh giá trừ khi Việt Nam trở thành một trong những quốc gia phát triển lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản hay châu Âu, thì với các điều kiện hiện tại, xuất khẩu vẫn sẽ là động lực tăng trưởng cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.
Hàn Quốc cũng không có thị trường nội địa và tiêu dùng mạnh mẽ như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản hay châu Âu.
Dân số Việt Nam hiện đã vượt mốc 100 triệu dân, đây là một điều kiện cơ bản rất tích cực. Tuy nhiên, khi mức thu nhập tăng lên, sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức để thị trường nội địa của Việt Nam chiếm một phần lớn trong GDP.
Cho đến khi đó, xuất khẩu vẫn là điều kiện quan trọng và cần thiết nhất cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Có 3 yếu tố được cho là mối đe doạ tăng trưởng thương mại toàn cầu hiện nay, bao gồm: Căng thẳng leo thang trong xung đột thương mại Mỹ - Trung, rủi ro từ các xung đột địa chính trị và chiến tranh, và ưu tiên của các nước phát triển là đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Chủ nghĩa bảo hộ đang ngày càng mạnh mẽ trên toàn thế giới sẽ dẫn đến sự suy giảm khối lượng thương mại toàn cầu. Điều này có thể khiến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam giảm sút.
Tất nhiên, các nước khác cũng phải cạnh tranh dưới cùng một điều kiện. Do vậy, đó không phải là điều kiện gây bất lợi đối với riêng Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần đàm phán với các nước lớn linh hoạt hơn trong bối cảnh sự cô lập trong thương mại toàn cầu đang gia tăng.
Việt Nam cần có một tư duy và chính sách mở cửa để có thể đáp ứng nhanh chóng yêu cầu của các nước lớn và tham gia vào nhóm mà không chỉ Mỹ mà còn cả Trung Quốc, châu Âu, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản đang cố gắng tạo ra.
“Căng thẳng thế giới hiện tại là cơ hội để Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu và nâng tầm thành một quốc gia lớn ở châu Á. Việt Nam phải tập trung vào cơ hội hiện tại và không bao giờ được bỏ lỡ”, ông Pyon Young Hwan nói thêm .
Cát Lam
FILI
|