Thứ Sáu, 06/12/2024 13:32

Việt Nam cần làm gì để ứng phó với thách thức từ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch?

Để giảm thiểu tác động tiêu cực từ chính sách bảo hộ mậu dịch, Việt Nam cần nhanh chóng đa dạng hóa thị trường, mở rộng các thị trường xuất khẩu mới, đặc biệt là vào các khu vực đang phát triển nhanh như châu Phi và Mỹ Latinh. 

Tín hiệu lo ngại

Sau khi tăng 5.1% trong tháng 10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11 bất ngờ giảm trở lại 4.1% so với tháng trước, khi chỉ đạt 66.4 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 5.3% xuống còn 33.73 tỷ USD, còn kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 2.8% xuống 32.67 tỷ USD, theo đó xuất siêu sơ bộ tháng 11 là 1.06 tỷ USD, giảm mạnh so với mức xuất siêu 2.03 tỷ USD của tháng 10.

Dù tổng thể 11 tháng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn tăng 15.4% so với cùng kỳ năm trước, khi đạt 715.55 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tăng 14.4% và nhập khẩu tăng 16.4%. Nền kinh tế vẫn ghi nhận thặng dư thương mại hàng hóa lũy kế 11 tháng lên đến 24.31 tỷ USD, nhưng sự đảo chiều sụt giảm trong tháng 11 vừa qua phát đi những tín hiệu đáng lo ngại, nhất là khi các hoạt động thương mại của Việt Nam dự kiến sẽ đối mặt thêm nhiều thách thức trong giai đoạn tới.

Việc ông Donald Trump – một người theo chủ nghĩa bảo hộ thương mại, một lần nữa đắc cử Tổng thống đang khiến các đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ e ngại. Sau khi tuyên bố sẽ đánh thuế 10-20% với tất cả hàng hóa nhập vào nước này trong giai đoạn tranh cử, mới đây ông Trump lại đe dọa sẽ áp mức thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm từ Mexico và Canada kể từ ngày đầu tiên nhậm chức (20/1/2025) và 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

Cũng cần biết rằng Trung Quốc, Mexico và Canada là 3 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ và cũng là 3 nước mà Mỹ đang chịu thâm hụt thương mại lớn nhất. Trong năm 2023, các công ty Mỹ đã nhập khẩu hơn 1.2 nghìn tỷ USD hàng hóa từ 3 nước này, do đó việc áp thuế đối với cả ba quốc gia này về cơ bản là đang đánh thuế hầu hết lượng hàng đang nhập vào Mỹ.

Cụ thể, Canada hiện xuất khẩu chính các sản phẩm dầu thô và khí đốt sang Mỹ, Mexico đã trở thành một nhà xuất khẩu lớn về ô tô và linh kiện ô tô trong những năm gần, còn Trung Quốc là nhà xuất khẩu chính các sản phẩm điện tử, như điện thoại và máy tính xách tay vào Mỹ. Đặc biệt, nếu như Trung Quốc là đối thủ trong cuộc chiến thương mại từ năm 2018 trong nhiệm kỳ 1 của ông Trump, ngược lại Mexico và Canada lại là 2 quốc gia thuộc Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) mà ông Trump đã ký vào năm 2020 và hiện vẫn tiếp tục được duy trì hoạt động miễn thuế giữa ba nước.

Đáng lưu ý, Việt Nam là quốc gia xuất siêu lớn thứ 4 vào Mỹ sau 3 nước nói trên. Sau khi xuất siêu 83 tỷ USD sang Mỹ trong năm 2023, 11 tháng năm nay Việt Nam tiếp tục xuất siêu 95.4 tỷ USD sang nước này, tăng 26.7% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, rủi ro nằm trong tầm ngắm áp thuế dưới chính quyền Trump trong thời gian tới là rất khó lường, nhất là nếu không ngăn chặn được tình trạng gian lận thương mại và giả mạo xuất xứ hàng hóa, khiến Việt Nam trở thành nơi trung chuyển hàng hóa của các nước khác để xuất khẩu vào Hoa Kỳ nhằm né các hàng rào thuế quan mà nước này đã dựng lên.

Thách thức phía trước và ứng phó ra sao?

Là nền kinh tế mở và phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, kinh tế Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức đáng kể trong giai đoạn tới, khi thế giới chứng kiến sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, đặc biệt là từ các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ và các nước châu Âu, cũng như nguy cơ hàng hóa từ Trung Quốc khi bị các nước khác đánh thuế qua cao sẽ đổ bộ ồ ạt sang Việt Nam.

Nếu các hàng rào thuế qua cao được áp đặt sẽ làm giảm khối lượng thương mại giữa Việt Nam và các đối tác lớn, tác động đến cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam vốn đang phụ thuộc lớn vào thặng dư cán cân thương mại hàng hóa. Điều này cũng ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là những ngành như dệt may, đồ điện tử, và đồ gỗ, nơi Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ngoài thuế quan, các rào cản phi thuế quan như quy định về an toàn sản phẩm, môi trường và lao động cũng được thắt chặt, làm khó khăn cho các sản phẩm từ Việt Nam khi muốn tiếp cận các thị trường khó tính như châu Âu và Hoa Kỳ. Số liệu công bố gần đây cho thấy hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 263 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường. Trong đó, đứng đầu là các vụ việc điều tra chống bán phá giá (144 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (53 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (38 vụ việc) và chống trợ cấp (28 vụ việc).

Trong bối cảnh các nước phát triển tăng cường chính sách bảo hộ, các tập đoàn đa quốc gia có thể xem xét chuyển dịch chuỗi cung ứng về các thị trường nội địa hoặc sang các quốc gia có chính sách thân thiện hơn, với những giải pháp nổi trội để hỗ trợ doanh nghiệp cả về tài chính lẫn phi tài chính. Điều này sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam, nơi đang là một điểm đến hấp dẫn cho việc sản xuất gián tiếp nhằm xuất khẩu vào các thị trường này.

Cũng cần lưu ý ông Trump trong giai đoạn tranh cử cũng đã đưa ra một loạt đề xuất ưu đãi để khuyến khích các công ty nước ngoài chuyển đến Mỹ và cam kết thành lập các khu sản xuất đặc biệt trên lãnh thổ nước này. Theo kế hoạch, ông Donald Trump muốn các tập đoàn đa quốc gia quay trở lại và xây dựng nhà máy sản xuất tại Mỹ, trọng tâm là các công ty sản xuất ô tô và đồ điện tử, nhằm tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc.

Theo đó, chính sách bảo hộ mậu dịch cũng có thể làm giảm sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi các quy định mới về thương mại làm tăng chi phí hoạt động và giảm lợi nhuận kỳ vọng của họ. Số liệu 11 tháng vừa công bố cũng cho thấy tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/11/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31.38 tỷ USD, chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh các nước phát triển tăng cường chính sách bảo hộ, các tập đoàn đa quốc gia có thể xem xét chuyển dịch chuỗi cung ứng về các thị trường nội địa hoặc sang các quốc gia có chính sách thân thiện hơn, với những giải pháp nổi trội để hỗ trợ doanh nghiệp cả về tài chính lẫn phi tài chính. Điều này sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam, nơi đang là một điểm đến hấp dẫn cho việc sản xuất gián tiếp nhằm xuất khẩu vào các thị trường này.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực từ chính sách bảo hộ mậu dịch, Việt Nam cần nhanh chóng đa dạng hóa thị trường, mở rộng các thị trường xuất khẩu mới, đặc biệt là vào các khu vực đang phát triển nhanh như châu Phi và Mỹ Latinh. Việc liên tục nâng cấp quan hệ với các nước trong thời gian gần đây là một nỗ lực nằm trong kế hoạch này. Ngoài ra, cần nhanh chóng nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường đầu tư vào công nghệ và quy trình sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn của các thị trường phát triển, để hạn chế các hàng rào phi thuế quan.

Cần thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng nội địa, phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Song song đó, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải cách thuế và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Việc thực hiện những chiến lược này sẽ giúp Việt Nam không chỉ ứng phó hiệu quả với chính sách bảo hộ mậu dịch mà còn tăng cường sức bền vững của nền kinh tế trong dài hạn.

Phan Thụy

FILI

Các tin tức khác

>   Trung ương và Quốc hội sẽ họp bàn về tinh gọn bộ máy vào tháng 2/2025 (06/12/2024)

>   CPI tháng 11/2024 tăng 0.13% so với tháng trước (06/12/2024)

>   Phấn đấu GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 4,900 USD (06/12/2024)

>   Hà Nội sắp xếp 109 đơn vị hành chính cấp xã thành 56 đơn vị hành chính cấp xã mới (06/12/2024)

>   Chuyên gia Cấn Văn Lực nói về bối cảnh mới của thị trường bất động sản (05/12/2024)

>   Quốc hội ban hành nhiều Nghị quyết về phát triển KTXH và sắp xếp đơn vị hành chính (05/12/2024)

>   Thủ tướng: Thể chế là 'đột phá của đột phá' để khơi thông mọi nguồn lực phát triển (05/12/2024)

>   TPHCM tinh gọn bộ máy, giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính (04/12/2024)

>   Tổng Bí thư: Đất nước đang đứng trước ngưỡng cửa của một giai đoạn lịch sử (04/12/2024)

>   Bộ máy Chính phủ sẽ tinh gọn thế nào sau sắp xếp, hợp nhất bộ ngành? (04/12/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật