Nhìn lại phiên tăng gần 30 điểm, liệu khởi sắc hay chỉ là một phiên cảm xúc?
Trong buổi Livestream báo cáo vĩ mô và chiến lược thị trường tháng 12/2024, ông Nguyễn Vũ Thạnh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng, phiên tăng mạnh 05/12 chưa khẳng định thị trường có thể bứt phá lên các mốc cao hơn.
VN-Index tăng mạnh trong phiên 05/12
Nguồn: VietstockFinance
|
Theo chuyên gia đến từ TPS, để thị trường bước vào xu thế tăng bắt buộc phải có hai yếu tố: Thứ nhất là tính ổn định vĩ mô về thị trường tài chính trong nước và thế giới và thứ hai là sự đồng pha của dòng tiền khối nội và khối ngoại. Hiện tại, cả hai yếu tố này đều chưa thỏa mãn.
Phiên giao dịch ngày 05/12 chứng kiến mức tăng 27.12 điểm kèm theo sự bùng nổ về thanh khoản, tuy nhiên, thị trường cần phải xác nhận thêm 3 - 5 phiên nữa với thanh khoản tiếp tục duy trì 15 - 20 ngàn tỷ đồng, khi đó thị trường có thể bứt phá qua vùng 1,300 điểm hoặc cao hơn.
Trong kịch bản yếu tố thanh khoản mạnh mẽ không tiếp tục được duy trì, thị trường sẽ khó vượt 1,300 điểm và sẽ trở lại mức độ trung tính.
Mốc điểm số nào cho thị trường cuối năm 2024 và năm 2025?
Gần một năm qua, TTCK Việt Nam đã tăng khoảng 11-12%, nằm ở mức độ trung bình so với các TTCK thế giới. Nhìn về cuối năm 2024, ông Thạnh thiên về kịch bản thị trường tiến lên vùng 1,290-1,300 điểm.
Cho năm 2025, chuyên gia TPS đặt ra hai kịch bản: Thứ nhất là các bất ổn liên quan đến khu vực Trung Đông, chiến tranh Nga - Ukraine lắng xuống, chiến tranh thương mại ở mức độ vừa phải, cộng với tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam tích cực, qua đó kỳ vọng VN-Index sẽ vượt mốc 1,300 điểm, hướng đến 1,380 điểm, cao hơn nữa là 1,480 điểm và 1,530 điểm.
Khi đó, nhà đầu tư có thể hướng đến các nhóm cổ phiếu có beta cao như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng và một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Kịch bản thứ hai có xác suất xảy ra thấp hơn là khi chiến tranh thương mại căng thẳng hơn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, có thể VN-Index sẽ tiếp tục đi ngang trong vùng 1,250 điểm, thậm chí có lúc xuống dưới 1,200 điểm. Lúc này, nhà đầu tư nên hướng dòng tiền đến các nhóm phòng thủ như điện, nước, dược, công nghệ.
Liệu Fed có tiếp tục giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 12?
Cũng chia sẻ tại buổi Livestream, bà Phan Thị Liên - Kinh tế trưởng Trung tâm phân tích TPS đã có những nhận định về tình hình vĩ mô trong và ngoài nước.
Vừa qua, dữ liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ được Bộ Lao động công bố vào ngày 06/12 có tác động rất lớn tới quyết định cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỷ (Fed) trong kỳ họp ngày 18-19/12/2024. Theo khảo sát của Bloomberg, số lượng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ dự đoán tăng thêm 200 ngàn việc làm trong tháng 11/2024 và tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên mức 4.1%.
Dữ liệu từ CME Group cho thấy, giới chuyên gia dự báo có khoảng 74% khả năng Fed sẽ giảm lãi suất thêm 0.25 điểm phần trăm trong kỳ họp vào tháng 12. Tuy nhiên, do Fed chưa thành công trong việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% và rủi ro tăng lạm phát với chính sách của Trump có thể làm chậm lại tốc độ cắt giảm lãi suất của Fed trong năm 2025 so với kỳ vọng trước đây.
Theo đại diện Trung tâm phân tích TPS, Trump là nhân vật quan tâm tới kinh tế nên có thể không để chính sách của mình ảnh hưởng quá mạnh tới lạm phát và sẽ tiến hành đánh thuế từ từ. Do đó, tiến trình hạ lãi suất sẽ không quá chậm so với kỳ vọng trước đây.
Dự báo kinh tế Việt Nam năm 2024, bà Liên cho rằng việc kinh tế Mỹ mạnh hơn sẽ tác động tích cực tới xuất khẩu của Việt Nam, dự báo tăng trưởng GDP cả năm trong khoảng 6.5 - 7.3%.
Cho năm 2025, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực và diễn biến tỷ giá dự báo khá phức tạp, do đó NHNN có thể chưa vội nới lỏng chính sách tiền tệ.
Huy Khải
FILI
|