Chuyên gia VPBankS: Thị trường chờ đợi tín hiệu kích thích thanh khoản
Trong kịch bản tích cực, VN-Index kiểm chứng lại vùng 1,250 - 1,255, xây nền và tích lũy kèm thanh khoản tăng, xác nhận tín hiệu phục hồi cuối năm. Khi chỉ số DXY hạ nhiệt thêm và khối ngoại mua ròng mạnh mẽ hơn, thanh khoản lúc đó mới tăng trở lại.
Chia sẻ tại chương trình Khớp lệnh ngày 02/12/2024, chuyên gia Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) chỉ ra rằng, VN-Index đã tăng hơn 40 điểm từ đáy 1,200 nhưng thanh khoản vẫn không có dấu hiệu phục hồi, do đó, đây vẫn là nhịp hồi ngắn hạn.
Nhìn lại câu chuyện tỷ giá, điểm tích cực nhất là trong tuần vừa qua (25 - 29/11/2024), khi ông Donald Trump chọn ông Scott Bessent dự kiến làm Bộ trưởng Bộ Tài chính mới, ngay lập tức USD có dấu hiệu hạ nhiệt, lợi suất Trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm trở lại, từ đó dòng tiền khối ngoại có dấu hiệu trở lại thị trường Việt Nam.
Theo ông Sơn, hành động của khối ngoại bám rất sát xu hướng của thị trường tài chính quốc tế, xu hướng dòng vốn quốc tế và sức mạnh của USD.
Cụ thể, xu hướng dòng vốn quốc tế đã quay lại Việt Nam tương đối rõ, bên cạnh Ấn Độ, trong cả một khu vực đang bị rút ròng mạnh là câu chuyện tương đối hiếm. Về USD, tuần vừa qua đồng tiền này đã giảm hơn 1% từ đỉnh.
Nhìn lại quá khứ, mỗi lần chỉ số DXY tạo đỉnh và đi xuống thì VN-Index thường có dấu hiệu tạo đáy và đi lên.
Nguồn: VTV Money
|
Trong bối cảnh thị trường hồi phục, VN-Index đang chạm kháng cự mạnh 1,255 - 1,265 nhưng không kèm theo thanh khoản tốt, ông Sơn kỳ vọng thị trường có thể tạo nhịp cân bằng hơn trong ngắn hạn khi tỷ giá tạm thời ổn định trở lại, thậm chí hạ nhiệt trong thời gian tới.
Kịch bản tích cực là chỉ số kiểm chứng lại vùng 1,250 - 1,255, chỉ số xây nền và tích lũy kèm thanh khoản tăng, xác nhận tín hiệu tiếp tục phục hồi vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, việc vượt được ngưỡng 1,300 ngay trong tháng cuối năm vẫn là khó.
Nhà đầu tư nước ngoài đã giảm bán và quay lại mua ròng trong tuần vừa qua, trong khi dòng tiền nội vẫn tương đối thận trọng. Do đó, khi chỉ số DXY hạ nhiệt thêm và tín hiệu mua ròng của khối ngoại mạnh mẽ hơn, thanh khoản lúc đó mới tăng trở lại.
Nhìn về năm 2025, ông Sơn cho rằng thị trường Việt Nam còn rất nhiều câu chuyện để kỳ vọng, như thay đổi hệ thống giao dịch, nâng hạng, tăng trưởng GDP tích cực, vì vậy các nhịp điều chỉnh là cơ hội để mua.
Nguồn: VTV Money
|
Ông Sơn đánh giá, không phải lúc nào khối ngoại bán ròng mạnh thì thị trường cũng giảm, điển hình là bán ròng hơn 2 tỷ USD trong giai đoạn tiền rẻ 2020 - 2021, nhưng gần như thị trường lại đi lên đỉnh mới.
Về cơ cấu dòng tiền, rất nhiều giai đoạn nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong năm 2023 và 2024 phần lớn được cá nhân trong nước mua lại. Đến tuần vừa qua, khi khối ngoại mua ròng trở lại, đồng thời cá nhân và tổ chức trong nước cũng mua ròng, cho thấy sức hút của thị trường ở mức chiết khấu hợp lý.
Ông Sơn kỳ vọng, dòng tiền nội sẽ là động lực hỗ trợ thị trường không giảm quá sâu trong năm 2024 và có thể ổn định, tích lũy dẫn để đi lên trong năm 2025.
Huy Khải
FILI
|