Nền kinh tế Mỹ có nguy cơ suy thoái do các chính sách mới
Chuyên gia kinh tế cảnh báo kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái nếu tổng thống đắc cử Trump hiện thực hóa những cam kết đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
Cảng hàng hóa Long Beach, bang California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
|
Nhà kinh tế Paul Mortimer-Lee thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia Anh (NIESR) đã cảnh báo rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái nếu ông thực hiện đúng những cam kết đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
Ông Mortimer-Lee cho rằng sự kết hợp “thiếu cân nhắc, vội vàng và gây tổn hại” của việc tăng thuế quan, trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp, cắt giảm thuế và cắt giảm chi tiêu có khả năng khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Theo ông Mortimer-Lee, trong trường hợp xấu nhất, khi số lượng người nhập cư bị trục xuất rất lớn, thuế quan tăng ngay lập tức và sự đáp trả diễn ra nhanh chóng và hiệu quả, tăng trưởng GDP có thể giảm từ 2 điểm phần trăm đến 3 điểm phần trăm.
Đây sẽ là sự sụt giảm lớn khi so sánh với mức tăng trưởng 2,8% mà kinh tế Mỹ đạt được trong năm nay theo ước tính của NIESR. Đó cũng sẽ là một thách thức đáng kể đối với ông Trump, người đã cam kết thúc đẩy nền kinh tế và giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong chiến dịch tranh cử.
Một cuộc suy thoái ở nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ gây ra tác động trên toàn cầu, khi Trung Quốc, Mexico, Canada và Đức đều có thể gặp khó khăn do mối liên kết kinh tế chặt chẽ với Mỹ.
Ông Trump đã vận động tranh cử với cam kết áp thuế cao đối với hàng nhập khẩu, trong đó có mức thuế lên tới 60% đối với hàng hóa của Trung Quốc, kiểm soát biên giới và cắt giảm thuế, đồng thời cắt giảm chi tiêu của chính phủ.
Ông Trump đã nhấn mạnh đến việc tăng thuế quan kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng trước và bổ nhiệm tỷ phú Elon Musk vào Bộ Hiệu quả Chính phủ mới được thành lập. Tỷ phú cho biết ông hy vọng sẽ cắt giảm 2.000 tỷ USD chi tiêu.
Theo ông Mortimer-Lee, các chính sách nhập cư của ông Trump sẽ gây thiệt hại lớn nhất do nhóm này đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Mỹ. Việc trục xuất 5 triệu lao động có thể làm giảm GDP gần 2,5%. Vì việc trục xuất sẽ tiếp tục trong nhiều năm nên tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ kéo dài, khác với cú sốc chỉ xảy ra một lần như thuế quan.
Tình trạng thiếu lao động, đặc biệt là trong các ngành sử dụng nhiều lao động nhập cư như nông nghiệp, bán lẻ và xây dựng, có thể khiến tiền lương tăng vọt và gây ra lạm phát. Ông Mortimer-Lee cũng cảnh báo rằng thuế quan cũng sẽ thúc đẩy lạm phát.
Cục Dự trữ liên bang (Fed) thường được cho là sẽ tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát nhưng ông Trump có thể gây áp lực thành công cho các quan chức Fed để giữ chi phí vay ở mức thấp, khi ông từng nói rằng ông muốn Tổng thống có vai trò lớn hơn trong vấn đề lãi suất.
Lạm phát có thể tăng lên 7% hoặc 8% vào năm 2027, đặc biệt nếu suy thoái kinh tế đi kèm với thâm hụt ngân sách. Ông Mortimer-Lee cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ miễn cưỡng cho Mỹ vay nếu tính độc lập trong hoạt động của Fed bị suy yếu, dẫn đến chi phí vay của chính phủ cao hơn.
Lê Minh
Vietnamplus
|