Động lực tăng trưởng tín dụng năm 2025 sẽ đến từ đâu?
Nếu năm 2025 cũng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 16%, dư nợ tín dụng của nền kinh tế dự kiến leo lên mức hơn 18.1 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2025, tức tổng dư nợ có thể tăng thêm gần 2.5 triệu tỷ đồng. Vậy đâu là động lực tăng trưởng tín dụng cho năm 2025?
Dự báo lạc quan
Năm 2025, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng dự kiến mục tiêu 16%, cao hơn so với kế hoạch năm 2024. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế được cập nhật gần nhất đến giữa tháng 12 năm 2024 chỉ mới đạt 12.5%, nhưng không ít dự báo cho rằng tín dụng cả năm 2024 vẫn có thể kịp về đích 15%. Điều này đồng nghĩa với dư nợ của hệ thống phải tăng thêm 2.5% chỉ trong vòng nửa tháng cuối năm, tương đương với hơn 339,000 tỷ đồng sẽ được bơm ra nền kinh tế.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại giai đoạn tháng cuối năm 2023, mục tiêu này không phải là bất khả thi, khi dư nợ của hệ thống ngân hàng trong nửa cuối tháng 12 năm 2023 đã kịp tăng ròng thêm hơn 466 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng đến 3.6%. Về cơ bản, các ngân hàng hầu hết đều cố gắng tăng tốc tín dụng trong thời gian cuối năm để hoàn thành kế hoạch đề ra, cũng như tạo nền cao hơn để có được hạn mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn cho năm kế tiếp.
Nếu hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024, dư nợ tín dụng toàn ngành sẽ đạt mức hơn 15.6 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2024. Và nếu năm 2025 cũng hoàn thành mục tiêu đặt ra ở 16%, dư nợ tín dụng của nền kinh tế dự kiến leo lên mức hơn 18.1 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2025, tức tổng dư nợ có thể tăng thêm trong năm 2025 gần 2.5 triệu tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã tiếp tục giao hết hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2025 cho các tổ chức tín dụng (TCTD) ngay từ cuối năm trước đó, tương tự như năm 2024, nhằm thúc đẩy hệ thống phải đẩy mạnh cho vay ngay từ quý 1. Cụ thể trong ngày 30/12/2024, cơ quan này đã có văn bản gửi các TCTD thông báo nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025để các TCTD chủ động triển khai thực hiện.
Không loại trừ khả năng nhà băng nào sớm sử dụng hết hạn mức tín dụng được giao của năm 2025, nhà điều hành có thể tiếp tục nới thêm hạn mức như trong năm 2024, thường diễn ra vào giữa quý 3 và giữa quý 4 trong năm. Thực tế NHNN cũng cho biết sẽ chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để tạo điều kiện cho TCTD cung ứng đủ và kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế mà TCTD không cần có văn bản đề nghị.
Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ và những dự báo lạc quan, một số thách thức có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 là nhu cầu vay từ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể chậm lại, trong trường hợp hoạt động thương mại bị ảnh hưởng nếu Việt Nam rơi vào tầm ngắm áp thuế của chính quyền tổng thống Donald Trump.
Số liệu thống kê cho thấy năm 2025 sẽ có xấp xỉ 250,000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn. Ngoài lượng trái phiếu do chính các ngân hàng phát hành, trong số TPDN còn lại hiện nay các ngân hàng cũng đang nắm giữ lượng không nhỏ. Với những hạn chế và rủi ro của thị trường TPDN, khi lượng trái phiếu trên đáo hạn hoặc các doanh nghiệp tiếp tục mua lại trước hạn, danh mục TPDN mà các ngân hàng đang nắm giữ cũng sẽ giảm dần khi ngân hàng cũng không tái đầu tư mới, từ đó cũng ảnh hưởng lên tốc độ tăng trưởng tín dụng vì TPDN cũng được tín vào dư nợ tín dụng của các ngân hàng.
Ngoài ra, việc các cơ quan quản lý ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động cho vay doanh nghiệp sân sau của các ông chủ nhà băng hay các cổ đông lớn, theo yêu cầu của Chính phủ, cũng sẽ tiếp tục tác động đến cơ chế, chính sách và mục tiêu phát triển tín dụng của không ít tổ chức trong thời gian tới. Các TCTD đang cho vay sân sau, cho vay các doanh nghiệp liên quan đến các cổ đông lớn có thể phải tìm cách thu hồi các khoản vay này và hạn chế cho vay mới các đối tượng này.
Những động lực tăng trưởng chính
Dù vậy, bức tranh tín dụng năm 2025 được kỳ vọng vẫn sẽ khởi sắc với nhiều yếu tố hỗ trợ thuận lợi hơn. Đầu tiên là với tăng trưởng kinh tế năm 2024 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ và có thể vượt kế hoạch đặt ra, năm 2025 Chính phủ đặt mục tiêu tham vọng lên đến 8%, vì vậy niềm tin kinh doanh sẽ lên cao hơn trước triển vọng các hoạt động kinh tế tiếp tục sôi động, doanh nghiệp theo đó cũng sẽ mạnh dạn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và các dự án đầu tư mới. Điều này sẽ giúp tăng trưởng tín dụng bán buôn được duy trì ổn định.
Với tín hiệu thị trường bất động sản đang ấm dần lên, nhu cầu vay mua nhà từ nhóm khách hàng cá nhân cũng được dự báo phục hồi, nhất là khi các dự án bất động sản được gỡ vướng mắc pháp lý sau khi 3 luật liên quan đến thị trường bất động sản đã có hiệu lực. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà đang ở mức thấp cũng sẽ hỗ trợ lực cầu tín dụng bất động sản, cùng với dòng vốn được khuyến khích rót vào các dự án nhà ở xã hội. |
Đáng lưu ý, nếu như mảng tín dụng bán buôn là một trong những động lực tăng trưởng chính của năm 2024, thì năm 2025 kỳ vọng phân khúc bán lẻ sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại và đóng góp lớn hơn vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng, khi niềm tin tiêu dùng cũng sẽ thay đổi tích cực hơn trước triển vọng của nền kinh tế và sự phục hồi của thị trường lao động. Được biết Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt mức 4,900 USD/ người trong năm 2025.
Với tín hiệu thị trường bất động sản đang ấm dần lên, nhu cầu vay mua nhà từ nhóm khách hàng cá nhân cũng được dự báo phục hồi, nhất là khi các dự án bất động sản được gỡ vướng mắc pháp lý sau khi 3 luật liên quan đến thị trường bất động sản đã có hiệu lực. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà đang ở mức thấp cũng sẽ hỗ trợ lực cầu tín dụng bất động sản, cùng với dòng vốn được khuyến khích rót vào các dự án nhà ở xã hội.
Theo thông tin từ NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2024 tiếp tục giảm khoảng 0.96%/năm so với cuối năm 2023. Dù lãi suất huy động đầu vào của các ngân hàng đã bắt đầu đi lên trở lại trong 8 tháng qua, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ vẫn giữ ổn định trong năm 2025, theo như yêu cầu của Chính phủ nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Trong khi đó, giới phân tích cũng cho rằng các ngân hàng cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh dòng chảy tín dụng vào kênh kinh doanh bất động sản, bao gồm cả nguồn vốn dành cho các chủ đầu tư để gia tăng nguồn cung bất động sản trong tương lai, đón đầu một chu kỳ tăng giá mới của thị trường nhà đất. Với những doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp khó khăn về tài chính, nhưng phải đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc nợ khi lượng lớn TPDN đáo hạn vào năm 2025, các TCTD thậm chí có thể dành một phần tín dụng để giải ngân cho các doanh nghiệp này. Khi đó, một phần dư nợ từ TPDN sẽ chuyển sang dư nợ tín dụng tại các ngân hàng.
Động lực tăng trưởng kế tiếp là tín dụng cho lĩnh vực xây dựng cũng sẽ khởi sắc hơn, sau khi đã chậm lại trong năm 2024. Theo số liệu cập nhật gần nhất của NHNN, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực xây dựng tính đến cuối quý 3 năm 2024 chỉ tăng trưởng 5.46%. Yếu tố thúc đẩy chính cho dư nợ lĩnh vực xây dựng trong năm 2025 là dựa vào tiến độ giải ngân cho các dự án đầu tư công, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông, được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh hơn trong năm 2025 theo yêu cầu của Chính phủ.
Cuối cùng, giới phân tích cũng chỉ ra áp lực nợ xấu trong năm 2025 vẫn hiện hữu, với một số ngân hàng có tập khách hàng tái cơ cấu chưa thể phục hồi trong trường hợp Thông tư 02 không được gia hạn sau 31/12/2024. Bên cạnh đó là rủi ro nợ kéo theo trên CIC, đặc biệt với các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng có lượng trái phiếu sắp đến hạn lớn. Vì vậy, ngoài tăng cường xử lý, thu hồi nợ xấu, chính sách đẩy mạnh cho vay cũng là một trong những cách để kiềm giữ tỷ lệ nợ xấu của các nhà băng.
Phan Thụy
FILI
|