Thứ Hai, 30/12/2024 09:53

Giải mã các quyết định can thiệp của Ngân hàng Nhà nước

Trong các phiên họp chất vấn của Quốc hội tháng vừa rồi, các câu hỏi về việc điều hành chính sách tiền tệ và quản lý hệ thống ngân hàng dành cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là trọng tâm được theo dõi. Tuy nhiên, những câu hỏi của các đại biểu cho thấy vẫn đang có sự chênh lệch lớn trong cách hiểu về cơ chế vận hành đặc thù của hệ thống ngân hàng.

Thị trường vàng tại Việt Nam là một ví dụ điển hình cho cách tiếp cận hành chính. Ảnh: LÊ VŨ

Chính sách điều hành ngân hàng tại Việt Nam mang tính định hướng với sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong các hoạt động như quản lý vàng, ngoại hối và lãi suất. Việc kết hợp chính sách linh hoạt giúp Việt Nam duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát và bảo vệ giá trị tiền đồng. Chiến lược này phù hợp với cấu trúc nền kinh tế Việt Nam và mục tiêu phát triển dài hạn của quốc gia.

Trong khi các quốc gia phát triển chủ yếu dựa vào cơ chế thị trường tự do để điều hành kinh tế, Việt Nam đã lựa chọn một hướng đi khác. Các chính sách như kiểm soát vàng, áp trần lãi suất huy động, hay cơ chế tỷ giá trung tâm đã tạo nên sự ổn định vĩ mô, giúp Việt Nam vượt qua nhiều thách thức từ thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, liệu đây có phải là sự lựa chọn phù hợp và bền vững trong dài hạn? Để trả lời, chúng ta cần nhìn sâu vào những yếu tố tạo nên sự khác biệt này.

Định hướng từ chính sách điều hành kinh tế của NHNN

Trong hai năm gần đây, nhiều biến động trên thị trường quốc tế và trong nước đã ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch Covid-19. NHNN đã thực thi nhiều quyết định quan trọng có tính định hướng và ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, trước vai trò chi phối của NHNN, chúng ta liệu có thật sự hiểu bản chất đằng sau các quyết định này, hay chúng ta chỉ tiếp cận xem đó như những biện pháp mệnh lệnh hành chính phi thị trường. Trong năm 2024, ba quyết định nổi bật của NHNN nhằm quản lý thị trường vàng, ngoại hối và chi phí huy động tiền gửi đã được các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi. Việc đánh giá lại các quyết định này sẽ giúp chúng ta có góc nhìn đầy đủ hơn về nguyên nhân - tác động của nó đến nền kinh tế.

Thị trường vàng tại Việt Nam là một ví dụ điển hình cho cách tiếp cận hành chính. Việc NHNN cung vàng ra thị trường nhằm ứng phó với nhu cầu tăng cao và điều chỉnh giá vàng về mức hợp lý. Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, người dân có xu hướng chuyển sang đầu tư vàng, làm giá vàng leo thang. Bằng cách tăng cung vàng, NHNN giảm bớt áp lực giá và hạn chế hiện tượng đầu cơ nắm giữ vàng. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng vàng hóa vốn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Mặt khác, NHNN thực hiện chính sách cung vàng nhưng không mua vàng cũng tránh được các rủi ro về chất lượng và giá trị định giá tài sản, đặc biệt khi chưa có hệ thống giám định chuyên sâu. Hơn nữa, nếu NHNN hoặc ngân hàng thương mại (NHTM) mua lại vàng nhưng chuyên viên lại không đủ chuyên môn để giám định vàng thì các rủi ro vận hành sẽ xảy ra, thiệt hại tài sản công, sẽ đặt ra vấn đề trách nhiệm. Với mục tiêu ổn định thị trường, việc chỉ thực hiện một chiều là cung vàng và không mua lại vàng của NHNN cho thấy vai trò điều tiết thay vì tham gia giao dịch và tích trữ.

Đối với vấn đề ngoại hối, NHNN quy định lãi suất huy động đô la Mỹ ở mức 0%. Trước phiên họp của Quốc hội, câu hỏi “Tại sao NHNN không tăng lãi suất để huy động đô la Mỹ, từ đó ổn định tỷ giá” được đặt ra. Một trong những thành tựu lớn của NHNN là chính sách giữ lãi suất huy động đô la Mỹ ở mức 0% từ năm 2015, tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ đã duy trì ổn định trong suốt giai đoạn 2015-2021, ngay cả khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất. Mục tiêu của chính sách này là giảm thiểu hiện tượng đô la hóa, từng là một vấn đề lớn của nền kinh tế Việt Nam. Đây cũng là giai đoạn mà dự trữ ngoại hối của Việt Nam gia tăng ổn định và liên tục. Nếu tăng lãi suất huy động đô la Mỹ, cộng thêm mức tăng của tỷ giá hàng năm là 3%, vậy nắm giữ đô la có thể mang lại mức sinh lời hấp dẫn, sẽ dẫn đến hiện tượng tăng nắm giữ đô la thay vì gửi tiết kiệm bằng tiền đồng. Điều gì sẽ xảy ra khi người dân không gửi tiền ở ngân hàng mà găm giữ đô la hay vàng?

Ngoài việc điều tiết thị trường vàng và ngoại hối, chính sách áp trần lãi suất huy động 4,75%/năm cho các kỳ hạn ngắn từ 1-6 tháng là một biện pháp khác thể hiện rõ sự can thiệp từ NHNN. Việc áp trần này không chỉ giúp duy trì lãi suất thực dương để bảo vệ giá trị tiền gửi, mà còn là biện pháp để điều tiết thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Ví dụ, trong những thời điểm căng thẳng thanh khoản, việc áp trần lãi suất đã ngăn chặn nguy cơ các ngân hàng nhỏ tung ra mức lãi suất quá cao để hút tiền gửi, từ đó giúp ngăn chặn các cuộc đua lãi suất không lành mạnh giữa các ngân hàng, ổn định thị trường tài chính. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tiền gửi ngắn hạn chiếm phần lớn trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, với hơn 85% tiền gửi của hệ thống có kỳ hạn dưới 12 tháng và 70% trong số đó có kỳ hạn từ 1-6 tháng. Đó là lý do tại sao trần lãi suất huy động chỉ áp dụng với tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống.

Biểu đồ 2 cho thấy, khi mức lạm phát tăng cao trong cuối năm 2022 và đầu năm 2023 thì trần lãi suất cũng được nhấc lên tương ứng. Chính sách điều hành lãi suất linh hoạt giúp bảo đảm lãi suất thực dương. Hay trong bối cảnh hiện nay, với chính sách duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn, trần lãi suất đóng vai trò là công cụ định hướng, giúp việc thực thi chính sách trở nên khả thi.

Sự can thiệp của Nhà nước vào vĩ mô

Những phân tích ở trên cho chúng ta một góc nhìn riêng lẻ về tác động của từng chính sách để duy trì sự ổn định. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra thì chúng ta sẽ thấy điểm chung của các chính sách trên đều là nhằm ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng, cụ thể ở đây là vấn đề tiền gửi. Một vấn đề nữa mà các đại biểu Quốc hội cũng hay chất vấn đó là vấn đề cần đẩy nhanh bãi bỏ “room tín dụng”. Đây lại là một khía cạnh khác trong hoạt động chính của ngành ngân hàng. Rõ ràng, các chính sách của NHNN luôn hướng đến việc duy trì ổn định cho hoạt động cung cấp tín dụng và ổn định nguồn tiền gửi của hệ thống ngân hàng trong một nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn ngân hàng.

Cấu trúc nền kinh tế và hệ thống tài chính của các nền kinh tế phương Tây rất khác so với cách vận hành của nền kinh tế Việt Nam. Nhìn về quá khứ thì các nền kinh tế châu Á phát triển hiện tại như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore... đều điều hành nền kinh tế trong giai đoạn đầu phát triển giống như cách làm của chúng ta hiện tại. Ở đó, các chính sách của chính phủ, đặc biệt là vai trò của ngân hàng trung ương, đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế và phát triển theo định hướng.

Đặc biệt trong hai năm nhiều biến động vừa qua, NHNN đã tác động đến thị trường tiền gửi bằng các quyết định về trần lãi suất tiền gửi. Một yếu tố quan trọng tại Việt Nam là quy mô lớn của tiền gửi nhàn rỗi của dân cư. Theo số liệu thống kê, gần 14 triệu tỉ đồng đang nằm trong hệ thống ngân hàng, trong đó phần lớn là tiền gửi kỳ hạn ngắn. Trong bối cảnh các kênh đầu tư như bất động sản và chứng khoán gặp khó khăn, vàng và ngoại tệ trở thành lựa chọn an toàn cho nhiều người dân. Nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ từ NHNN, hiện tượng vàng hóa và đô la hóa sẽ trở lại, gây bất ổn lớn cho nền kinh tế.

Hơn nữa, xuất khẩu - động lực tăng trưởng chính của Việt Nam - phụ thuộc rất lớn vào tỷ giá ổn định. Sự biến động mạnh của tỷ giá không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu mà còn làm mất sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Do đó, việc duy trì tỷ giá ổn định và việc duy trì nguồn lực điều tiết thị trường ngoại hối khi cần thiết luôn đóng vai trò rất quan trọng.

Các chính sách này đã giúp Việt Nam duy trì được sự ổn định vĩ mô, một điều mà các nền kinh tế mới nổi khác khó có thể đạt được nếu chỉ dựa vào cơ chế thị trường.

Lê Hoài Ân - Nguyễn Thị Ngọc An

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Các cổ phiếu ngân hàng phá kỷ lục giá 11 lần trong 3 phiên cuối tuần (30/12/2024)

>   Đồng USD tăng giá nhẹ (29/12/2024)

>   Cuối năm, coi chừng thủ đoạn đánh cắp thông tin thẻ khi rút tiền ở máy ATM (28/12/2024)

>   Ngân hàng không được gửi đường link thông tin cho khách từ 1/1/2025 (28/12/2024)

>   Sacombank Pay phiên bản mới với nhiều tính năng nổi bật  (27/12/2024)

>   Hơn 700.000 người Việt đang làm việc ở nước ngoài, gửi về 4 tỷ USD/năm (27/12/2024)

>   Loạt công nghệ đi đầu bảo chứng cho vị thế ngân hàng số hàng đầu của TPBank (27/12/2024)

>   Loạt công nghệ đi đầu bảo chứng cho vị thế ngân hàng số hàng đầu của TPBank (27/12/2024)

>   Tỷ giá ngoại tệ ngày 27/12: Đồng yen Nhật giảm giá (27/12/2024)

>   Tỷ giá lại biến động mạnh – thách thức điều hành tỷ giá trong năm 2025 (27/12/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật