Các cổ phiếu ngân hàng phá kỷ lục giá 11 lần trong 3 phiên cuối tuần
Sau 8 phiên giao dịch không có mã nào phá kỷ lục giá đóng cửa, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có 11 lần làm được điều này chỉ trong 3 phiên giao dịch cuối tuần vừa qua.
Cổ phiếu ngân hàng đã có 11 lần phá kỷ lục giá trong tuần qua
Chỉ số VN-Index sau 2 tuần giảm điểm liên tiếp đã tăng điểm trở lại trong tuần qua (24-27/12) với thành tích tổng là tăng 17.64 điểm, tương đương +1.4%. Đáng chú ý hơn, trong các phiên cuối tuần, thị trường đã ghi nhận một đợt sóng cổ phiếu ngân hàng với nhiều mã phá kỷ lục giá đóng cửa.
Cụ thể, HDB, LPB, CTG, STB là 4 cổ phiếu đã phá kỷ lục giá đóng cửa tổng cộng 11 lần. HDB, STB cùng CTG đã phá kỷ lục giá đóng cửa trong 3/5 phiên giao dịch còn LPB phá kỷ lục giá đóng cửa trong 2/5 phiên.
Sức mạnh giá của cổ phiếu Ngân hàng sau phiên giao dịch 27/12.
|
Với kết quả này, LPB vẫn củng cố vị trí ngân hàng tăng giá mạnh nhất của năm 2024 và cũng đang đứng trước cơ hội vào rổ VN30 thay thế cho POW ngay trong tháng 1/2025. Đây cũng dự báo đang được hàng loạt các CTCK đưa ra trong một vài tuần giao dịch trở lại đây.
Tính từ đầu năm 2024, các cổ phiếu ngân hàng đang phá kỷ lục giá đóng cửa tổng cộng 145 lần. Đáng chú ý, cổ phiếu HDB (34 lần) đã vươn lên trở thành mã có số lần phá kỷ lục nhiều nhất, vượt qua LPB (33 lần).
Lan tỏa sự tích cực tới nhiều cổ phiếu cùng ngành
Ngoài 4 cổ phiếu ấn tượng trên, sóng ngành ngân hàng thực tế cũng đang có sự mở rộng khá tích cực. Các mã VIB (+5.8%), TPB (+5.35%), MBB (+4.37%), NAB (+3.55%), MSB (+3.54%), NVB (+3.49%), TCB (+3.36%), ACB (+3.02%) đã tăng được trên 3% trong tuần vừa qua.
Thông tin giúp cho cổ phiếu VIB hòa nhập khẩn trương vào sóng cuối năm còn đến từ các giao dịch mua vào của các lãnh đạo ngân hàng thời gian gần đây. Mới nhất, ngày 26/12, ông Hồ Văn Long – Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Ban Dịch vụ Tài chính đăng ký mua thêm 12 triệu cổ phiếu VIB.
Đáng chú ý, cổ đông ngoại Commonwealth Bank (CBA) đã thoái hết vốn khỏi VIB từ cuối tháng 10/2024. Thống kê cho thấy, CBA đã rút vốn thành công hơn 8,000 tỷ đồng.
Dù vậy, trên thị trường chứng khoán VIB vẫn đang ở năm tăng giá thứ 2 liên tiếp. Hiệu suất sinh lời của VIB đã được nâng lên gần 27% sau các phiên giao dịch vừa qua.
Có 15/27 mã ngân hàng đã chiến thắng chỉ số VN-Index sau phiên 27/12.
|
Còn cổ phiếu Ngân hàng TPBank (TPB) tăng gần 19% từ đầu năm 2024.
Trong khi với trường hợp MBB, thông tin hỗ trợ đến từ thông báo chia cổ tức bằng cổ phiếu. Theo đó, MBB sẽ trả cổ tức 15% bằng cổ phiếu, ngày đăng ký cuối cùng vào 8/1/2025. Đợt trả cổ tức bằng cổ phiếu này sẽ giúp giúp vốn điều lệ của Ngân hàng MB tăng thêm 7,959 tỷ đồng lên khoảng 61,022 tỷ đồng.
Thống kê, sóng tăng ngắn hạn đã xuất hiện ở 74% mã cổ phiếu ngân hàng trên cả 3 sàn. Trong 27 mã ngân hàng, hiện đang có 15 mã đánh bại chỉ số VN-Index (+12.9%) sau phiên giao dịch 27/12.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán MB (MBS) cho biết mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 14-15% là khả thi trong năm 2024 nhờ tốc độ giải ngân đầu tư công mạnh mẽ và nhu cầu tín dụng cao quý cuối năm.
Cùng với đó, MBS cũng dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 20 điểm cơ bản vào cuối năm, dao động trong khoảng 5.1%-5.2% do tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh gần gấp đôi so với huy động vốn.
Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay trong 6-9 tháng tới để hỗ trợ khách hàng vì nhu cầu tín dụng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Việc phục hồi chậm của các khoản vay mua nhà, do nguồn cung bất động sản bị hạn chế, chủ yếu đã làm chậm lại hoạt động vay bán lẻ vào năm 2024 và xu hướng này có thể kéo dài trong sáu tháng tới, làm giảm thêm lợi suất tài sản của các ngân hàng vào năm 2025.
Quân Mai
FILI
|