Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc bị yêu cầu phá sản, Công ty liên doanh giữa Ô-man và Việt Nam kêu cứu
Ngày 12/12, CTCP Đầu tư Việt Nam Ô-man (VOI) đã gửi thư đến Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang để cầu cứu liên quan đến quyết định mở thủ tục phá sản CTCP Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc tại Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh An Giang.
Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc, tỉnh An Giang
|
Được biết, CTCP Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc là chủ đầu tư của Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc. VOI cho rằng “đang đứng trước nguy cơ mất toàn bộ khoản đầu tư vào Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc và tỉnh An giang cũng mất đi một bệnh viện lớn tiêu chuẩn quốc tế do việc áp dụng sai pháp luật của TAND tỉnh An Giang”.
Theo VOI, xuất phát từ việc ông Trần Văn Tưởng (cựu nhân viên kế toán thủ quỹ bệnh viện) nộp đơn yêu cầu TAND tỉnh An Giang mở thủ tục tuyên bố phá sản đối với bệnh viện, yêu cầu bệnh viện thanh toán 1.42 tỷ đồng bao gồm 1 tỷ đồng nợ gốc và 420 triệu đồng tiền lãi.
Từ đó, TAND tỉnh An Giang đã ban hành quyết định mở thủ tục phá sản ngày 08/04/2024 theo yêu cầu từ ông Tưởng. Tuy nhiên, VOI cho rằng việc này không đúng quy định pháp luật vì khoản tiền này bệnh viện chưa thanh toán do là khoản có tranh chấp đang được thụ lý tại TAND TP Long Xuyên (thụ lý ngày 04/10/2023) và chưa có căn cứ pháp luật xác định đây là nghĩa vụ nợ của bệnh viện hay nghĩa vụ nợ riêng của cá nhân bà Lư Bích Nguyên (thời điểm đó là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật bệnh viện).
Tài liệu và chứng cứ mà ông Tưởng nộp cho TAND tỉnh An Giang bao gồm “Hợp đồng cùng Thịnh Vượng” do bà Lư Bích Nguyên lấy tư cách người đại diện theo pháp luật bệnh viện ký đóng dấu và phiếu thu tiền ngày 17/03/2021 về khoản tiền 1 tỷ đồng mà ông Trần Văn Tưởng nộp cho bệnh viện. Tuy nhiên, khoản tiền này bà Lư Bích Nguyên không nộp vào bệnh viện, không hạch toán vào sổ sách và không được ghi nhận trong BCTC kiểm toán năm 2021 và 2022 của bệnh viện. Chi phí lãi cho khoản nợ này từ năm 2021 tới đầu năm 2023 không được thanh toán từ tài khoản bệnh viện.
Bà Võ Thái Thảo Vi - Kế toán trưởng hiện tại cũng có văn bản xác nhận khoản tiền nêu trên của ông Tưởng không có trong sổ sách kế toán và không phải là khoản nợ của bệnh viện.
Bà Nguyên cũng đã gửi văn bản tới TAND tỉnh An Giang thừa nhận khoản nợ này là khoản nợ cá nhân của mình, không liên quan tới bệnh viện.
“Chúng tôi thấy rằng TAND tỉnh An Giang thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của ông Tưởng và ra Quyết định mở thủ tục phá sản đối với bệnh viện khi chưa xác định được rõ ràng đây là khoản nợ của bệnh viện hay của cá nhân bà Lư Bích Nguyên và không có căn cứ xác định bệnh viện mất khả năng thanh toán là vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về phá sản”, VOI nêu.
Theo VOI, việc TAND tỉnh An Giang ra quyết định mở thủ tục phá sản gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với người dân địa phương; việc làm và thu nhập của cán bộ công nhân viên và tập thể y bác sĩ; gián đoạn chuỗi cung ứng thuốc, vật tư y tế, dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; làm mất đi nguồn thu thuế cho ngân sách địa phương; thiệt hại trực tiếp về tài chính đối với 2 quỹ đầu tư nước ngoài (VOI và ResponsAbility AG); ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư nước ngoài.
Dẫn chứng nhiều sai phạm của bà Lư Bích Nguyên trong quá khứ
Trong thư gửi Bí thư tỉnh ủy An Giang, VOI cũng dẫn chứng nhiều sai phạm của bà Lư Bích Nguyên trong quá khứ.
Cụ thể, VOI cho rằng bà Nguyên lạm dụng chức vụ là người đại diện pháp luật, dùng tư cách pháp nhân, con dấu của bệnh viện để lập hợp đồng vay tiền của hàng trăm cá nhân, tổ chức tại An Giang, Cần Thơ và TPHCM bằng mẫu “Hợp đồng cùng Thịnh Vượng” cho mục đích cá nhân; thực hiện rút ruột tiền từ bệnh viện bằng cách tạo ra các giao dịch giả; hay việc lợi dụng chức vụ Chủ tịch HĐQT, quyền quản lý để yêu cầu 292 cán bộ nhân viên y bác sĩ làm việc tại bệnh viện ký hợp đồng vay tín chấp với Ngân hàng TMCP Á châu (HOSE: ACB) nhưng sau đó yêu cầu đưa lại tiền cho bà Nguyên.
“Bà Lư Bích Nguyên thực chất đang tìm cách tận dụng việc phá sản bệnh viện để xoá hết các khoản nợ cá nhân không có đảm bảo mả bà lạm dụng chức vụ và uy tín bệnh viện để vay”, VOI cho biết thêm.
Theo tìm hiểu, Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc tọa lạc tại số 234, Trần Hưng Đạo, Mỹ Thới, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang được UBND tỉnh An Giang quyết định chủ trương đầu tư cho CTCP Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc ngày 18/01/2016, sau đó được điều chỉnh chủ trương đầu tư vào ngày 02/08/2016, 13/09/2017 và 02/01/2019.
Theo quyết định điều chỉnh mới nhất, bệnh viên có diện tích đất sử dụng khoảng 22,771m2, công suất thiết kế 480 giường bệnh. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 912 tỷ đồng, trong đó vốn góp của CTCP Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc gần 354 tỷ đồng bằng tiền mặt, chiếm 38.75% vốn góp. Theo kế hoạch, tiến độ xây dựng cơ bản từ tháng 3/2008 đến tháng 12/2023, đưa vào hoạt động từ tháng 12/2023.
Tại ngày 31/12/2023, Công ty có vốn điều lệ 350 tỷ đồng, tổng tài sản 1,178 tỷ đồng. Doanh thu hiện tại khoảng 20 tỷ đồng mỗi tháng cho hơn 15.1 ngàn lượt khám ngoại trú và gần 1.1 ngàn lượt khám nội trú. Bà Lư Bích Nguyên vẫn đang là Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật doanh nghiệp theo giấy phép kinh doanh cập nhật gần nhất (vào tháng 4/2021).
Về phần CTCP Đầu tư Việt Nam Ô-man (VOI), đây là liên doanh giữa Ủy ban Đầu tư Vương quốc Ô-man thuộc Chính phủ Ô-man và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước Việt Nam, thành lập năm 2008. VOI đại diện để quản lý các khoản đầu tư của Ủy ban Đầu tư Vương quốc Ô-man tại Việt Nam thông qua Quỹ VIAC No. 1 Limited Partnership.
VOI cho biết, quỹ này đã giải ngân xấp xỉ 500 triệu USD vốn đầu tư vào nhiều lĩnh vực trọng điểm của Việt Nam bao gồm y tế, giáo dục, nước sạch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, thực phẩm, hạ tầng, cầu đường... Tại Đồng bằng sông Cửu Long, quỹ đầu tư thông qua CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (HOSE: CII) xây cầu Rạch Miễu 1, Rạch Miễu 2, cao tốc Toàn Mỹ 14, cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận, dự án điện mặt trời BCG Long An 1 và BCG Long An 2 với tổng công suất 140MW. Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc tại An Giang cũng là một trong những hạng mục đầu tư trọng điểm của VOI tại Việt Nam.
Huy Khải
FILI
|