Xuất khẩu Trung Quốc sẽ lập kỷ lục vì nỗi lo thuế quan từ Trump?
Bóng đen chiến tranh thương mại đang thúc đẩy xuất khẩu Trung Quốc hướng tới một kỷ lục mới.
Theo khảo sát mới nhất từ Bloomberg, các công ty đang đẩy nhanh việc tích trữ hàng hóa trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng 1 tới, qua đó có thể đẩy kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lên mức 3,548 tỷ USD trong năm nay.
Nguyên nhân chủ yếu là do khách hàng đua nhau tích trữ hàng trước khi ông Trump thực hiện các cam kết áp thuế. Với đe dọa tăng thuế lên tới 60%, cao hơn nhiều so với mức 25% trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tăng tốc lên 7% trong quý cuối cùng của năm 2024. Con số này cao hơn đáng kể so với mức 5% được ghi nhận trong tháng 10 trước cuộc bầu cử Mỹ.
"Trong vài tháng tới, xuất khẩu của Trung Quốc có thể hưởng lợi từ việc các công ty nước ngoài tích trữ hàng hóa theo kiểu hoảng loạn", Erica Tay, nhà kinh tế tại Maybank Investment Banking Group, nói. "Bóng ma chiến tranh thương mại có thể khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải dựa nhiều hơn vào các biện pháp kích thích tiêu dùng trong năm tới".
Thực tế, dấu hiệu của làn sóng tích trữ đã xuất hiện ngay từ đầu quý 4, khi xuất khẩu tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 7/2022. Điều này đang đưa Trung Quốc tiến gần tới cột mốc thặng dư thương mại 1 ngàn tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, đằng sau những con số ấn tượng là một thực tế đáng lo ngại: Nhu cầu nội địa vẫn yếu, buộc Bắc Kinh phải tiếp tục dựa vào thị trường nước ngoài.
Trong chiến dịch tranh cử, Trump đe dọa sẽ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên mức cao tới 60%, một mức mà Bloomberg Economics dự đoán sẽ phá hủy thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump đã áp thuế lên tới 25% đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc - kích hoạt sự trả đũa từ Bắc Kinh - và Tổng thống Joe Biden phần lớn vẫn giữ nguyên các mức thuế này.
Bloomberg Economics nhận định: "Gần đây Trung Quốc đã chuyển hướng sang thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, một cuộc chiến thương mại với Mỹ vào năm 2025 đe dọa triển vọng này. Thách thức đối với Bắc Kinh là biến các kế hoạch kích thích thành động lực tăng trưởng và bảo vệ nền kinh tế khỏi một đợt thuế quan mới từ Trump".
Trái ngược với xuất khẩu bùng nổ, tăng trưởng nhập khẩu của Trung Quốc đã đi ngang do nền kinh tế trong nước khó khăn trong việc phục hồi, gây ra phản ứng dữ dội từ các quốc gia lo ngại về làn sóng hàng hóa Trung Quốc giá rẻ.
GDP của Trung Quốc được dự báo tăng 4.9% trong quý 4, nhưng con số này có thể bị ảnh hưởng nặng nề trong năm tới, theo khảo sát của Bloomberg.
Các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát dự đoán Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) nhiều khả năng sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 25-50 điểm cơ bản vào cuối năm nay, trong khi giữ nguyên các lãi suất chính sách chủ chốt như lãi suất repo 7 ngày cho đến năm sau. Kỳ vọng này không thay đổi so với khảo sát tháng 10.
Trước đó, PBOC đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào tháng 9, ngay sau khi Thống đốc Pan Gongsheng công bố một loạt biện pháp quyết liệt nhằm vực dậy tăng trưởng của Trung Quốc. Tháng trước, ông Pan nhắc lại rằng PBOC có thể giảm tỷ lệ này thêm 25-50 điểm cơ bản vào cuối năm tùy thuộc vào điều kiện thanh khoản trên thị trường.
"Cú sốc thuế quan lần này có thể còn lớn hơn giai đoạn 2018-2019", theo Arjen van Dijkhuizen của ABN Amro Bank NV. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng Trung Quốc đã chuẩn bị tốt hơn với kịch bản đối phó - bao gồm cả việc phá giá đồng Nhân dân tệ - và sẵn sàng tăng cường kích thích kinh tế.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|