Thứ Hai, 25/11/2024 08:07

Kịch bản nào cho kinh tế thế giới khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng

Ông Donald Trump sẽ chính thức quay trở lại nắm quyền tại Nhà Trắng vào đầu năm 2025 - một sự kiện chính trị được dự báo có khả năng gây ra những tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Donald Trump đã đưa ra nhiều cam kết đáng chú ý về kinh tế, bao gồm tăng thuế quan, cắt giảm thuế doanh nghiệp, bãi bỏ bớt các quy định... Các nhà phân tích cho biết rất khó để xác định ông Trump sẽ tìm cách thực hiện các biện pháp này đến mức độ nào trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Tuy nhiên, bất kỳ chính sách nào được triển khai cũng sẽ có tác động lớn đến kinh tế toàn cầu.

Thuế quan - từ yêu thích của ông Donald Trump

“Với tôi, từ đẹp nhất trong từ điển là thuế quan”, ông Trump đã phát biểu như vậy tại Chicago vào tháng 10-2024. Căn cứ vào nhiệm kỳ đầu của ông Trump tại Nhà Trắng, cũng như những tuyên bố ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử lần này, nhiều nhà kinh tế đã dự đoán về khả năng chính phủ mới của Mỹ sẽ áp mức thuế quan ít nhất 10% đối với sản phẩm từ một số quốc gia và ít nhất 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

Một mục đích thường được công khai đằng sau các kế hoạch áp thuế trước đây của ông Trump là nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước. Tuy nhiên, theo bà Federica Ghiretti, một chuyên gia về an ninh kinh tế tại Rand, thuế quan của ông Trump đối với Trung Quốc không mang lại nhiều hoạt động sản xuất về nước Mỹ, mà chỉ dịch chuyển sang các quốc gia khác.

Trong khi đó, người tiêu dùng ở Trung Quốc và Mỹ là những người chịu thiệt nhiều hơn cả trong cuộc chiến thương mại bùng nổ vào năm 2018 giữa hai nước. Bà Ghiretti cho biết, “trong một số trường hợp, cuộc chiến thương mại còn mang lại cơ hội cho các nước thứ ba tiếp cận và chiếm giữ những khu vực trong chuỗi cung ứng bị bỏ trống, hoặc bị hạn chế bởi Mỹ hay Trung Quốc”.

Một điều khác mà thị trường tài chính toàn cầu không thích là sự khó lường, và đây là điều nhiều khả năng sẽ xảy ra. Giáo sư Sébastien Jean nói: “Nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump sẽ mở ra một kỷ nguyên bất ổn gia tăng, và điều đó luôn khá tệ đối với thương mại”.

Các nước Liên minh châu Âu (EU) có nhiều lý do để cảm thấy lo ngại về nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump. Trước đó, trong chiến dịch tranh cử của mình, ông từng nhiều lần nói rằng khối 27 quốc gia này sẽ phải trả “giá đắt” vì không mua đủ hàng xuất khẩu của Mỹ.

Theo Viện Kinh tế thế giới Kiel của Đức, các biện pháp thuế quan của ông Trump có thể gây ra “tổn thất kinh tế sâu sắc”, khiến GDP của EU suy giảm tới 0,5%, trong khi GDP của Đức giảm 3,2%. Một phân tích từ Viện Kinh tế Đức ước tính, một cuộc chiến thương mại mới có thể khiến Đức thiệt hại tới 180 tỉ euro trong bốn năm.

Trả lời phỏng vấn Reuters, ông Carsten Brzeski, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng ING, tỏ ra lo ngại: “Liệu châu Âu có thực sự dành thời gian để chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump không? Thật không may, câu trả lời là không. Châu Âu sẽ phản ứng thế nào với các biện pháp bảo hộ mới của Washington hay việc bãi bỏ quy định đối với lĩnh vực tài chính tại Mỹ? Chúng ta vẫn chưa biết gì cả”.

Trong khi đó, châu Á, đặc biệt là Trung Quốc cũng được dự báo sẽ đối mặt với áp lực lớn về thuế quan. Các nhà phân tích tại trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London dự đoán rằng thuế quan của ông Trump sẽ dẫn đến mức giảm 0,68% trong GDP của Trung Quốc và mức giảm GDP lần lượt là 0,03% và 0,06% đối với Ấn Độ và Indonesia.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích tại Macquarie Group, khác với sự bị động tại châu Âu, các quốc gia châu Á nhìn chung “đã có sự chuẩn bị tốt hơn” so với năm 2016, khi ông Trump mới chuyển đến Nhà Trắng.

Tác động tới lợi nhuận doanh nghiệp và thị trường chứng khoán

Những cam kết của ông Donald Trump về mức thuế doanh nghiệp thấp hơn và việc nới lỏng các quy định tại Mỹ, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Mỹ có thể gia tăng lợi nhuận của mình. Đó cũng là lý do khiến giá cổ phiếu tại Mỹ đã liên tục tăng mạnh sau khi kết quả bầu cử được công bố.

Goldman Sachs ước tính các doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ có thể ghi nhận ​​mức tăng lợi nhuận 4% nếu thuế suất thuế doanh nghiệp được cắt giảm. Những công ty có triển vọng lợi nhuận trong tương lai cao hơn sẽ thu hút các nhà đầu tư mua cổ phiếu của công ty đó, qua đó góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn đối với những công ty hoạt động trong các ngành ngân hàng, tiền điện tử, công nghệ, quốc phòng và nhiên liệu hóa thạch.

Chuyên gia Carsten Brzeski tại Ngân hàng ING đánh giá “nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump sẽ là tin tức tốt cho kinh tế Mỹ trong thời gian tới. Việc cắt giảm thuế, giảm bớt các quy định sẽ giúp thúc đẩy kinh tế Mỹ, ít nhất là trong ngắn hạn”.

Nhưng trên toàn thế giới, bên cạnh những công ty đạt được lợi nhuận, sẽ luôn có những công ty khác bị thua lỗ vì các chính sách thương mại của ông Trump, đặc biệt là các doanh nghiệp phụ thuộc vào sản phẩm hoặc vật liệu nhập khẩu, bán hàng cho người mua ở nước ngoài hoặc ở vị trí trung gian trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chuyên gia Emmanuel Cau từ Ngân hàng Anh Barclays đã cảnh báo rằng một phần lớn lợi nhuận từ các công ty châu Âu có thể bị xóa sổ vào năm tới. Theo nghiên cứu của Barclays, các công ty sản xuất ô tô, đồ uống và hóa chất có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì họ phụ thuộc chặt chẽ vào thương mại với Mỹ.

“Giá cổ phiếu của những công ty đó đang phải chịu thiệt hại”, ông Stephen Woolcock, chuyên gia về chính sách thương mại quốc tế tại trường Kinh tế London, cho biết. “Đây là một mạng lưới chuỗi cung ứng khá phức tạp và việc Mỹ tăng thuế quan có thể dẫn đến sự trả đũa của các cường quốc thương mại lớn khác, phá vỡ các chuỗi cung ứng hiện có, dẫn đến sự bất ổn, tăng chi phí và ảnh hưởng lớn đến các công ty”.

Lạm phát nóng trở lại, gây áp lực cho các ngân hàng trung ương

Ông Antonio Fatás, Giáo sư kinh tế tại INSEAD, một trường kinh doanh có trụ sở chính tại Pháp, lo ngại các chính sách kinh tế do ông Trump đề xuất - bao gồm trục xuất người nhập cư, áp thuế quan toàn diện và gia tăng ảnh hưởng chính trị đối với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), nếu được thực hiện đầy đủ, “có khả năng dẫn đến sự sụt giảm đáng kể” trong sản lượng kinh tế của Mỹ và “lạm phát tăng mạnh”.

Chia sẻ quan điểm trên, bà Susannah Streeter, Giám đốc tiền tệ và thị trường tại nền tảng đầu tư Hargreaves Lansdown, cho biết việc đồng đô la Mỹ mạnh hơn sau khi có kết quả bầu cử Mỹ đã phản ánh kỳ vọng rằng ông Trump sẽ cắt giảm thuế doanh nghiệp, tăng thuế quan và siết chặt nhập cư. Tất cả các biện pháp này đều gây ra lạm phát và có khả năng dẫn đến lãi suất tăng cao hơn trong những năm tới.

“Các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho thuế quan… điều này sẽ đẩy giá hàng hóa nhập khẩu lên cao đối với người mua sắm ở Mỹ”, bà Streeter nói thêm. “Cam kết của ông Trump về việc trục xuất những người nhập cư cũng có thể gây ra hậu quả thiếu hụt lao động, làm tăng hóa đơn tiền lương của các công ty”.

Sự gia tăng áp lực lạm phát sẽ không chỉ giới hạn ở Mỹ, mà còn lan rộng ra toàn thế giới, khi các đối tác thương mại của Mỹ quyết định dùng thuế quan để đáp trả thuế quan. “Lạm phát toàn cầu sẽ tăng đáng kể, trong khi những đứt gãy trong thương mại thế giới sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế”, các nhà kinh tế trưởng Philip Shaw và Ellie Henderson của Investec cho biết.

Bên cạnh đó, việc đồng đô la mạnh hơn cũng có thể gây áp lực tăng lạm phát trên toàn cầu. Chuyên gia Streeter dự báo: “Khi đồng đô la Mỹ tăng, các quốc gia nhập khẩu hàng hóa được định giá bằng đô la cũng có thể đối mặt với tình trạng ​​giá tăng. Các công ty sẽ buộc phải hấp thụ mức tăng này hoặc chuyển sang phía khách hàng”.

Việc lạm phát có nguy cơ gia tăng trở lại cũng sẽ ảnh hưởng đến triển vọng cắt giảm lãi suất của Fed. Giám đốc chiến lược David Kelly tại JPMorgan Asset Management từng nhận định, việc cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, kéo theo các chính sách tài khóa mở rộng thúc đẩy lạm phát tăng cao hơn, sẽ có thể buộc Fed phải tạm dừng chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 12.

Trên thực tế, mặc dù vừa đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tháng 11 mới đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn tỏ ra thận trọng. Một mặt, ông cho biết, chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử sẽ không có bất kỳ tác động tức thời nào đến chính sách của ngân hàng trung ương, nhưng đồng thời cũng thừa nhận, các chính sách của chính quyền mới có thể tác động đến kinh tế, ảnh hưởng đến nhiệm vụ kép của Fed là giữ vững thị trường việc làm và ổn định giá cả.

Lạc Diệp (Nguồn: CNBC, NPR, CNN Business, Oxford Economics, Financial Times, Reuters, Politico, Al Jazeera)

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Chân dung tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Cộng sự của Stanley Druckenmiller, từng mang về 10 tỷ USD cho George Soros (23/11/2024)

>   Nhật Bản sắp tung gói kích thích 140 tỷ USD (22/11/2024)

>   Trung Quốc có khả năng giải quyết, chống chịu tác động từ thuế quan (22/11/2024)

>   Mỹ gia tăng biện pháp hạn chế ngành công nghệ Trung Quốc (22/11/2024)

>   Malaysia được coi như cửa ngõ tiến vào thị trường Đông Nam Á (22/11/2024)

>   Chính sách Trung Quốc của Mỹ (21/11/2024)

>   ECB cảnh báo rủi ro nợ công ngày càng tăng của eurozone (21/11/2024)

>   COP29: Các quốc gia giàu có cam kết không xây mới nhà máy điện than (20/11/2024)

>   Doanh nghiệp Mỹ đua nhau nhập hàng trước khi Trump áp thuế (20/11/2024)

>   Thuế quan của Trump sẽ ghìm cương tăng trưởng kinh tế Mỹ? (20/11/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật