Mỹ đang không ngừng gia tăng sức ép lên các ngành công nghệ cao của Trung Quốc bằng các biện pháp hạn chế đầu tư và xuất khẩu. Cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung được dự báo sẽ tiếp tục nóng.
Mỹ siết chặt hạn chế đầu tư công nghệ vào Trung Quốc
Mới đây, Mỹ đã công bố khuôn khổ pháp lý nhằm hạn chế nguồn đầu tư của nước này vào các lĩnh vực công nghệ cao tại Trung Quốc, bao gồm ba lĩnh vực chính: chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) nhất định.
Quy định mới, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 2-1-2025, cấm công dân Mỹ tham gia các giao dịch liên quan đến những công nghệ và sản phẩm có thể gây ra “mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng” đối với an ninh quốc gia. Theo Bộ Tài chính Mỹ, những công nghệ bị hạn chế đầu tư là nền tảng phát triển của các ứng dụng quân sự, giám sát, tình báo và an ninh mạng thế hệ tiếp theo.
Ngoài việc hạn chế đầu tư, Chính phủ Mỹ cũng nỗ lực thắt chặt việc kiểm soát xuất khẩu. Mới đây, GlobalFoundries, nhà sản xuất chip hợp đồng lớn thứ ba thế giới có trụ sở tại New York, đã bị phạt nửa triệu đô la vì vận chuyển chip không có giấy phép cho SJS - một công ty chip Trung Quốc thuộc danh sách đen của Chính phủ Mỹ.
Ông Matthew Axelrod, một quan chức Mỹ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các công ty cần cảnh giác trong hoạt động bán dẫn, đặc biệt là khi giao dịch với các bên bị hạn chế tại Trung Quốc. Ông lưu ý, giới chức Mỹ sẽ đối xử khoan dung hơn với các công ty chủ động tiết lộ các vấn đề trong tuân thủ quy định và có động thái khắc phục.
Trước đó, TSMC - nhà sản xuất chip hàng đầu của Đài Loan, cũng đã đình chỉ việc giao hàng cho một khách hàng tại Trung Quốc đại lục sau khi phát hiện ra chip cung cấp cho khách hàng này cuối cùng lại có trong sản phẩm của Huawei. Hãng đã thông báo cho phía Mỹ về phát hiện này sau khi biết được vụ việc.
Công nghệ Trung Quốc vẫn phát triển mạnh dù chịu nhiều sức ép
Các động thái cứng rắn trên là một phần trong các nỗ lực của Nhà Trắng được thực hiện trong suốt nhiều năm qua nhằm ngăn chặn Trung Quốc tận dụng các công nghệ cao cấp của Mỹ để phát triển những công nghệ tinh vi và thống trị thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, bất chấp các biện pháp thuế quan, kiểm soát xuất khẩu và trừng phạt tài chính của Mỹ, Trung Quốc vẫn đang đạt được những tiến bộ vững chắc trong các ngành công nghiệp của tương lai. Trong số 13 công nghệ chính được các nhà nghiên cứu của Bloomberg theo dõi, Trung Quốc đã đạt được vị trí dẫn đầu toàn cầu ở 5 công nghệ và cũng đạt được nhiều bước tiến mạnh mẽ ở 7 công nghệ khác.
Trung Quốc đã dẫn đầu một cách rõ ràng về xe điện, phần mềm ô tô và công nghệ pin lithium. Ngành đóng tàu LNG và đường sắt cao tốc của Trung Quốc đang trên đà đạt được mục tiêu là vị trí số một thế giới. Nước này cũng sản xuất các tấm pin mặt trời hiệu quả nhất và có chi phí thấp nhất thế giới.
“Sự trỗi dậy về công nghệ của Trung Quốc sẽ không bị cản trở, và thậm chí có thể không bị chậm lại, bởi các hạn chế của Mỹ”, ông Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận định.
Công nghệ bán dẫn là tâm điểm cạnh tranh
Dẫu vậy, trong khi các công ty Trung Quốc đã tràn ngập thế giới về xe điện và tấm pin mặt trời, nước này lại đang bị tụt lại đáng kể trong một số lĩnh vực quan trọng hơn như chất bán dẫn tiên tiến và thiết bị sản xuất chip - nền tảng cho tất cả các công nghệ trong tương lai.
Một quan chức cấp cao giấu tên của Nhà Trắng cho biết, các biện pháp hạn chế công nghệ của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thành công trong việc hạn chế những tiến bộ của Trung Quốc trong việc phát triển chất bán dẫn chất lượng cao, cho phép Mỹ và các đồng minh duy trì những lợi thế đáng kể.
Mỹ đã cấm Trung Quốc mua các chip AI tiên tiến nhất từ Nvidia và AMD, đồng thời ngăn chặn khả năng tiếp cận các máy quang khắc siêu cực tím (EUV) của ASML, vốn rất cần thiết để sản xuất chip cao cấp. Washington hiện cũng đang tìm cách cản trở khả năng Bắc Kinh tiếp cận một công nghệ cũ hơn là máy quang khắc cực tím sâu (DUV).
Việc thiếu hụt các thiết bị sản xuất chip tiên tiến sẽ khiến các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như Huawei và đối tác SMIC, vốn đã chậm chân hơn nhiều so với các đối thủ phương Tây, khó có thể đạt được đột phá trong lĩnh vực bán dẫn.
Những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực AI thậm chí còn kém rõ ràng hơn, trong khi đây được coi là một trong những yếu tố quyết định chính đến sức mạnh kinh tế và địa chính trị trong tương lai. Trong khi OpenAI, Microsoft và Google liên tục công bố các bước phát triển AI mới, các đối thủ tại Trung Quốc như Baidu vẫn chưa có bằng chứng nào về những đột phá đáng kể.
Tuy vậy, các công ty Trung Quốc đã tích trữ một lượng thiết bị bán dẫn kỷ lục trong năm nay, bao gồm cả chip Nvidia cao cấp, để phòng ngừa nguy cơ bị áp đặt các biện pháp hạn chế mới. Bloomberg Intelligence cho biết những kho dự trữ đó, cùng với các quy trình tính toán hiệu quả hơn, “sẽ đảm bảo sự phát triển AI của Trung Quốc vẫn đi đúng hướng cho đến năm 2025 và xa hơn nữa”.
Huawei, công ty đóng vai trò trung tâm trong tham vọng công nghệ và chất bán dẫn toàn cầu của Bắc Kinh, đã cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ. Từ chỗ lao đao vì bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại vào năm 2019, Huawei đã đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu và phát triển, hợp tác với các nhà cung cấp trong nước. Hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của hãng đã dần phục hồi và hiện đang thách thức Apple.
Năm ngoái, Huawei đã giới thiệu một chiếc điện thoại thông minh có chip 7 nanomet - điều mà Mỹ cho là không thực tế đối với các công ty Trung Quốc sản xuất bằng công nghệ DUV. Bloomberg Intelligence cho biết các chất bán dẫn mới nhất của Huawei có thể vượt trội hơn chip AI H20 của Nvidia - sản phẩm được công ty Mỹ thiết kế riêng cho thị trường Trung Quốc để tuân thủ các biện pháp hạn chế.
Goldman Sachs cũng dự báo, Trung Quốc có thể nâng khả năng tự cung cấp chip nói chung lên 40% vào năm 2030, gần gấp đôi so với năm 2025, mặc dù phần lớn trong số này sẽ chỉ giới hạn ở các chất bán dẫn thế hệ cũ. Lĩnh vực thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc cũng đạt được bước tiến với máy quang khắc tự phát triển có độ phân giải 65 nanomet, tốt hơn nhiều so với các thiết bị cũ có độ phân giải khoảng 90 nanomet, dù vẫn kém xa những thiết bị tốt nhất của ASML với độ phân giải 8 nanomet.
Cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung sẽ tiếp tục nóng
Cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung được dự báo sẽ tiếp tục quyết liệt hơn nữa khi giới chức Mỹ đang thúc đẩy nhiều biện pháp hơn để ngăn chặn công nghệ Trung Quốc. Một danh sách ngày càng mở rộng các sản phẩm và dịch vụ truyền dữ liệu sẽ được coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Chính phủ Mỹ hiện đang tìm cách cấm phần cứng và phần mềm do Trung Quốc sản xuất cho ô tô do lo ngại về an ninh quốc gia, qua đó ngăn chặn tất cả các loại xe điện của Trung Quốc hoạt động tại Mỹ. Một hạn chế như vậy cũng có nguy cơ lan sang bất kỳ sản phẩm nào do Trung Quốc sản xuất có truyền dữ liệu, từ tivi đến máy giặt.
Khi phải đối mặt với các biện pháp hạn chế mới, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ ngày càng ít phụ thuộc hơn vào công nghệ nước ngoài. Họ cũng đã được chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những thay đổi trong môi trường thương mại.
“Mỹ đã thành công trong việc giảm tốc độ phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn, nhưng các lĩnh vực khác thì không. Hiện tại Trung Quốc có thể đảm bảo nguồn cung nội địa cho phần lớn sản phẩm mà họ cần”, ông Robert Atkinson, Chủ tịch Quỹ Đổi mới và Công nghệ thông tin (Mỹ), cho biết.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang nỗ lực hơn nữa để bảo vệ ngành công nghệ của mình. Bắc Kinh đã khuyến cáo các nhà sản xuất ô tô bảo vệ công nghệ xe điện tiên tiến, bằng việc sản xuất các thành phần chính trong nước và sau đó được gửi đi lắp ráp tại các nhà máy khác trên khắp thế giới.
Theo ông Peter Mandelson, cựu ủy viên thương mại châu Âu, tất cả những động thái này có nghĩa là các công ty toàn cầu sẽ ngày càng khó hoạt động ở cả Mỹ và Trung Quốc. “Một sự rạn nứt đã xuất hiện. Đây là một luồng gió ngược rất mạnh đang thổi vào nền kinh tế toàn cầu và các công ty quốc tế cần chuẩn bị ứng phó với điều đó”.