Thay thuế thu nhập bằng thuế nhập khẩu
Một trong những ý tưởng liên quan đến kinh tế ông Donald Trump đưa ra trong khi vận động tranh cử tổng thống Mỹ là dần dần thay thế thuế thu nhập cá nhân bằng thuế nhập khẩu. Ông nhiều lần nhắc đến ý tưởng này và trong lần trả lời phỏng vấn Joe Rogan trên podcast thuộc loại nhiều người nghe nhất trên thế giới, ông khẳng định ý tưởng này là nghiêm túc.
Ảnh minh hoạ: Trung Chánh
|
Thật ra các phát biểu trước đây của ông Trump không liên kết hai loại thuế này mà đưa ra các đề xuất tách biệt. Trong gói cam kết cải cách hệ thống thuế, ông đưa ra ý tưởng không đánh thuế thu nhập lên tiền hoa hồng (tiền tip), tiền làm thêm ngoài giờ, quyền lợi từ an sinh xã hội cũng như sẽ gia hạn những khoản cắt giảm thuế ông đưa ra vào năm 2017 trong nhiệm kỳ đầu tiên. Các khoản cắt giảm thuế này, chẳng hạn mức thuế thu nhập cá nhân cao nhất chỉ còn 37% so với mức cũ là 39,6%, sẽ hết hạn vào năm 2025. Ngoài ra ông còn hứa hẹn sẽ miễn giảm thuế cho lính cứu hỏa, cảnh sát, nhân viên quân đội và cựu binh.
Theo tổ chức phi đảng phái Tax Foundation, riêng việc không đánh thuế lên tiền tip, tiền làm thêm ngoài giờ và các phúc lợi khác từ an sinh xã hội sẽ làm ngân sách nước Mỹ thất thu 2.000 tỉ đô la trong vòng 10 năm tới. Các khoản cắt giảm thuế khác làm con số này tăng vọt nên cần có những nguồn thu để bù đắp.
Song song đó, đã nhiều lần ông Trump trong vai trò ứng cử viên cho đảng Cộng hòa, khẳng định sẽ đánh thuế lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ thế giới với thuế suất ban đầu ông nói là 10%, sau đó nâng lên thành 20%. Riêng hàng từ Trung Quốc sẽ chịu mức thuế lên đến 60%. Trên nguyên tắc, Mỹ đang nhập chừng 3.000 tỉ đô la hàng hóa mỗi năm nên với mức thuế 10%, ngân sách nước này sẽ có thêm 300 tỉ để chi tiêu. Bởi ý tưởng của ông Trump là đánh thuế lên mọi loại hàng hóa nhập khẩu, nhiều người cho rằng thực chất đây là một loại thuế bán hàng và vì thế nó sẽ ảnh hưởng mạnh đến những người thu nhập thấp.
Giả sử ông Trump thực hiện ý tưởng chuyển từ đánh thuế thu nhập lên đánh thuế hàng hóa sau khi đắc cử, ông sẽ gặp nhiều trở ngại. Đầu tiên là thất thu thuế vì, theo Tax Foundation, tổng thu từ thuế nhập khẩu trong 10 năm sẽ tạo ra nguồn thu chừng 3.800 tỉ đô la, rất nhỏ so với số thu từ thuế thu nhập, lên đến 33.000 tỉ đô la trong cùng thời gian. Thứ hai, thuế đánh lên hàng nhập khẩu sẽ làm giá hàng hóa tăng mạnh, gây áp lực lên lạm phát. Quan trọng hơn, thuế thu nhập có nhiều mức nên mang tính lũy tiến, người giàu sẽ phải đóng thuế nhiều hơn người nghèo. Trong khi đó, thuế hàng hóa mang tính lũy thoái và người nghèo sẽ chịu gánh nặng thuế cao hơn vì họ sẽ dùng phần lớn thu nhập để mua hàng hóa.
Các nhà kinh tế đã tính toán và cho rằng để thay thế 2.400 tỉ đô la tiền thuế thu nhập đòi hỏi phải đánh thuế ở mức 75% lên 3.200 tỉ đô la trị giá hàng hóa nhập khẩu hàng năm. Chưa kể, liệu dân Mỹ có mua chừng đó hàng hóa nhập khẩu khi giá tăng gần như gấp đôi hay không. Thêm vào đó, các nước bị đánh thuế lên hàng xuất khẩu sẽ tìm cách trả đũa, đánh thuế lên hàng Mỹ bán ra thế giới, gây thua thiệt trước mắt cho nông dân Mỹ.
Có thể những phát biểu của ông Trump mang tính thuyết phục cử tri khi tranh cử hơn là một kế hoạch thực tiễn sau khi nhậm chức. Nói chuyện với cử tri, ông Trump nhắc đến thời kỳ cuối thế kỷ thứ 19, tức vào thập niên 1890, nước Mỹ chưa áp dụng thuế thu nhập cá nhân mà chỉ đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu; ông cho rằng thời kỳ đó nước Mỹ giàu có hơn. Ông cũng nhiều lần nhấn mạnh thuế đánh lên hàng hóa nhập khẩu là bắt nước xuất khẩu chịu chứ không phải người dân Mỹ. Tuy nhiên, những cố vấn của ông Trump trong chiến dịch tranh cử đều nói việc xóa bỏ thuế thu nhập là “mục tiêu hướng đến trong lâu dài”, trước mắt ưu tiên của họ là gia hạn chính sách miễn giảm thuế từng đưa ra vào năm 2017 và thực thi các hứa hẹn cắt giảm thuế có địa chỉ rõ ràng.
Dù sao, điều chắc chắn là ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai của mình sẽ đánh thuế lên hàng hóa của các nước vì ông từng nói “thuế nhập khẩu là thứ vĩ đại nhất từng được phát minh ra” và tự nhận mình là người thu thuế (I’m a Tariff Man). Các nước có hàng bán sang nước Mỹ đang chờ ngày Mỹ áp thuế lên hàng của họ với mối lo ngại sức mua của người Mỹ sẽ giảm sút khi hàng tăng giá bù vào khoản thuế phải nộp. Tuy nhiên, theo Oxford Economics, quy trình chuẩn bị để áp thuế nhập khẩu mới sẽ mất cả năm trời mới hoàn tất nên các tác động nếu có sẽ chỉ xuất hiện từ năm 2026. Trong giai đoạn chờ đợi, rất có thể nhà nhập khẩu Mỹ sẽ tăng mua hàng hóa để tận dụng thời gian chưa áp thuế và có hàng để bán sau này.
Nguyễn Vũ
TBKTSG
|