Xuất khẩu suy giảm trong ngắn hạn nhưng sẽ sớm phục hồi
Ngoài sự dịch chuyển trong dòng vốn FDI toàn cầu, các chính sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, tỷ giá cũng có thể xuất hiện các biến động trong tương lai.
Xuất khẩu suy giảm trong ngắn hạn nhưng sẽ sớm phục hồi
Xuất khẩu có thể giảm trong ngắn hạn. Với mức thuế nhập khẩu 10% áp dụng lên tất cả hàng hóa từ nước ngoài, tác động đến thương mại quốc tế sẽ rất lớn. Những quốc gia có kim ngạch xuất khẩu đáng kể vào Mỹ như Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực. Với mức thuế quan này, giá bán ở Mỹ của hàng hóa Việt Nam sẽ cao hơn so với hàng hóa nội địa. Để duy trì lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp sẽ phải chịu một phần thuế này thay cho người tiêu dùng Mỹ. Điều này đồng thời tạo ra áp lực cạnh tranh và đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải duy trì chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, giá bán cao hơn sẽ làm nhu cầu của người dân Mỹ giảm đối với các hàng hóa nhập khẩu. Sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ, các ngành có thể chịu ảnh hưởng lớn như điện tử, dệt may và thủy sản…
Xuất khẩu phục hồi trong dài hạn. Mức thuế nhập khẩu 10% được sử dụng để tạo ra lợi thế cho hàng hóa sản xuất tại Mỹ. Tuy nhiên, có rất nhiều sản phẩm, Mỹ không có lợi thế trong việc sản xuất như dệt may, gỗ… những sản phẩm này Mỹ vẫn sẽ nhập khẩu dù có hay không có thuế nhập khẩu. Thêm vào đó, mức thuế 10% đánh lên toàn bộ các quốc gia xuất khẩu vào Mỹ chứ không chỉ riêng Việt Nam, nên lợi thế của hàng hóa từ Việt Nam so với các quốc gia khác (trừ Mỹ) vẫn được duy trì.
Đặc biệt, hàng hóa từ Trung Quốc có thể chịu mức thuế quan cao hơn so với Việt Nam, nên Việt Nam sẽ có lợi thế hơn về giá bán. Hơn nữa, rất nhiều hàng hóa Trung Quốc đều là thế mạnh của Việt Nam nên các doanh nghiệp có thể chiếm được một phần thị phần từ hàng hóa Trung Quốc.
Sự dịch chuyển của các nhà máy từ Trung Quốc đến Việt Nam (đã được trình bày trong phần 1) có thể tạo thêm lượng hàng hóa mới xuất khẩu vào Mỹ và các quốc gia khác. Quá trình dịch chuyển có thể mất thời gian nên tác động lên xuất khẩu của Việt Nam có thể chỉ rõ rệt trong dài hạn.
Một điểm cần chú ý nữa là các chính sách của ông Trump hướng đến việc tăng thu nhập của người dân Mỹ thông qua giảm thuế thu nhập cá nhân và tạo thêm việc làm qua các chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng đầu tư hạ tầng. Khi thu nhập gia tăng, người dân Mỹ sẽ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, và khi đó, các hàng hóa nhập khẩu sẽ được sử dụng nhiều hơn.
Như vậy, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ có thể suy giảm trong ngắn hạn do mức thuế nhập khẩu làm giá bán của sản phẩm Việt Nam cao hơn, nhưng trong dài hạn, việc tăng quy mô (khối lượng) xuất khẩu vào Mỹ có thể giúp xuất khẩu Việt Nam phục hồi và tăng trưởng.
Tỷ giá có thể tiếp tục biến động
Một số chính sách của ông Trump sẽ có tác động đến chính sách tiền tệ của Fed. Cụ thể, với các chính sách liên quan đến Giao thông và Cơ sở hạ tầng, ông Trump dự định tăng chi tiêu của chính phủ, điều này sẽ:
- Tăng nhu cầu đối với hàng hóa, gây áp lực lạm phát gia tăng.
- Làm thâm hụt ngân sách ngày càng trầm trọng; để bù đắp khoản thâm hụt này, chính phủ Mỹ sẽ phát hành thêm trái phiếu, từ đó làm lãi suất trái phiếu chính phủ duy trì ở mức cao.
Bên cạnh đó, các chính sách liên quan đến thuế và kinh tế Mỹ cũng làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng, tạo áp lực tăng lạm phát ở Mỹ. Mục tiêu chính của Fed là ổn định giá cả, nên Fed sẽ phải có các biện pháp cụ thể để hạn chế lạm phát. Cụ thể, Fed sẽ phải điều chỉnh mức lãi suất mục tiêu trong dài hạn để kiểm soát lạm phát. Điều này sẽ làm giảm số lần hạ lãi suất của Fed và duy trì lãi suất ở mức cao hơn so với kỳ vọng trước đây.
Các chính sách liên quan đến mở rộng khai thác năng lượng được kỳ vọng sẽ giảm giá năng lượng và kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, các chính sách này sẽ không phát huy hiệu quả ngay trong ngắn hạn trong việc kiểm soát lạm phát vì:
- Việc thay đổi các quy định liên quan đến môi trường sẽ tốn nhiều thời gian hơn so với các chính sách cắt giảm thuế. Do đó, nhu cầu gia tăng của người dân sẽ xảy ra trước khi các quy định liên quan đến môi trường được thông qua, tạo áp lực sớm lên lạm phát.
- Các dự án năng lượng cần thời gian triển khai dài hơn, nên việc mở rộng khai thác và tăng sản lượng không thể thực hiện ngay lập tức khi các quy định hoặc chính sách mới được thông qua. Vì thế, giá nhiên liệu chỉ có thể giảm trong dài hạn chứ không phải ngắn hạn.
Với mức lãi suất cao hơn được duy trì từ Fed, đồng USD sẽ tăng giá so với các đồng tiền khác và sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá VND/USD. Vì thế, có thể tỷ giá sẽ xuất hiện những biến động ngoài dự đoán.
* Tác động từ tân Tổng thống Mỹ đến Việt Nam: Sự dịch chuyển dòng vốn FDI
Trần Trương Mạnh Hiếu
FILI
|