Ông Trump thắng cử Tổng thống Mỹ: Thách thức và cơ hội cho chính sách thương mại Việt Nam
Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống năm 2024 dự báo sẽ mang đến những biến động mới trong chính sách thương mại của Mỹ.
Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại mạnh mẽ, đặc biệt là cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, dẫn đến những thay đổi lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Là một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đặc biệt là sang Mỹ, Việt Nam có thể phải đối mặt với những thách thức mới, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng để thích ứng với các thay đổi tiềm năng trong chính sách thương mại của Mỹ dưới thời ông Trump.
Chính sách thương mại của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên
Chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017-2021) nổi bật với cách tiếp cận cứng rắn đối với Trung Quốc và tập trung vào nguyên tắc “Nước Mỹ trên hết”. Các chính sách này chủ yếu nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước và giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ thông qua các biện pháp bảo hộ mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, ông Trump đã áp dụng nhiều biện pháp thuế quan nhằm hạn chế hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc, với mục tiêu tái cân bằng thương mại và “tách rời” nền kinh tế Hoa Kỳ khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Một trong những công cụ chính sách quan trọng nhất mà ông Trump sử dụng là các loại thuế quan áp lên hàng hóa nhập khẩu. Ông đã viện dẫn các quy định như Mục 201 và 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 và Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962, để áp thuế đối với thép và nhiều mặt hàng từ Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nhanh chóng nổ ra khi chính quyền Trump áp thuế lên hàng ngàn sản phẩm Trung Quốc, cáo buộc Trung Quốc có các hành vi thương mại không công bằng như thao túng tiền tệ, ăn cắp tài sản trí tuệ và ép buộc chuyển giao công nghệ. Các biện pháp thuế quan này bao gồm mức thuế 25% đối với khoảng 250 tỷ USD hàng nhập khẩu và 7.5% đối với 112 tỷ USD khác, chủ yếu nhắm vào các ngành công nghiệp điện tử, máy móc, ô tô và hàng tiêu dùng.
Ngoài đất nước tỷ dân, chính sách thương mại của Trump còn áp dụng cách tiếp cận song phương đối với các hiệp định thương mại, khác với cách tiếp cận đa phương của nhiều chính quyền tiền nhiệm. Ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bỏ lỡ cơ hội mở rộng thị trường cho các nước tham gia, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, ông đã thúc đẩy cải cách Hiệp định Thương mại Tự do Hàn Quốc-Hoa Kỳ, đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ thành Hiệp định Thương mại Tự do Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA), ký kết Hiệp định thương mại với Nhật Bản và tiến hành các cuộc đàm phán thương mại tự do với Philippines. Trump cũng đã cân nhắc rút quy chế tối huệ quốc của Trung Quốc, cho phép Hoa Kỳ áp dụng thuế cao hơn với hàng hóa từ Trung Quốc so với các quốc gia khác.
Các biện pháp thuế quan và chính sách bảo hộ này của Trump đã làm dấy lên làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, tạo cơ hội cho các nước khác, trong đó có Việt Nam, trở thành điểm đến mới của các doanh nghiệp toàn cầu. Tuy nhiên, các chính sách thương mại bảo hộ của Trump cũng tạo ra thách thức cho Việt Nam, bởi nếu không cẩn trọng trong quan hệ thương mại với Mỹ, Việt Nam có thể trở thành đối tượng tiếp theo của các biện pháp thuế quan.
Ông Donald Trump, Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ
|
Tác động đến Việt Nam trong nhiệm kỳ đầu của Trump
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, Việt Nam trải qua cả lợi ích và thách thức từ những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ. Việt Nam được hưởng lợi từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng khi nhiều doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc để tránh các mức thuế quan cao của Mỹ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019, Việt Nam đã thu hút được 38 tỷ USD vốn FDI, tăng 7.2% so với năm trước. Sự gia tăng này không chỉ cải thiện năng lực sản xuất và xuất khẩu mà còn giúp Việt Nam xây dựng mối quan hệ thương mại vững chắc hơn với nhiều quốc gia khác.
Mặc dù hưởng lợi từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng, Việt Nam cũng phải đối mặt với những rủi ro nhất định. Năm 2020, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã mở một cuộc điều tra về khả năng Việt Nam thao túng tiền tệ và sử dụng gỗ bất hợp pháp trong sản xuất. Cuộc điều tra này, dù không dẫn đến việc áp thuế trừng phạt, nhưng đã đặt ra nguy cơ Việt Nam trở thành mục tiêu trong các biện pháp thương mại của Mỹ. Điều này cảnh báo Việt Nam về khả năng phải đối diện với các thách thức tiềm tàng từ chính sách thương mại bảo hộ của Mỹ.
Dự báo chính sách thương mại của Trump trong nhiệm kỳ thứ hai
Trong nhiệm kỳ thứ hai, Trump dự kiến sẽ tiếp tục chính sách thương mại bảo hộ, tập trung bảo vệ kinh tế nội địa và giảm thâm hụt thương mại. Ông có thể áp thuế phổ quát 10-20% lên tất cả hàng nhập khẩu và tăng thuế lên đến 60% đối với hàng Trung Quốc, nhằm khuyến khích sản xuất trong nước và bảo vệ các ngành công nghiệp Mỹ.
Trump cũng có khả năng thúc đẩy chiến lược “tách rời” kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc, đặt ra các rào cản thương mại để giảm sự phụ thuộc vào các mặt hàng như dược phẩm, điện tử và thép từ Trung Quốc. Trump cũng có thể đề xuất thu hồi quy chế tối huệ quốc của Trung Quốc, cho phép Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa từ quốc gia này. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách này có thể gặp thách thức từ Quốc hội và khiếu nại từ Trung Quốc lên WTO. Ngoài ra, ông có thể ưu tiên hiệp định thương mại song phương và cân nhắc đàm phán lại Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada vào năm 2026 nhằm kiểm soát nhập cư và ngăn Trung Quốc lợi dụng Mexico làm điểm trung chuyển.
Tác động tiềm tàng đến Việt Nam
Nếu các đề xuất về chính sách thương mại của Trump được thực thi, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trong thương mại, đầu tư và tài chính.
Xuất khẩu có thể gặp khó khăn: Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu Trump áp đặt thuế quan cao lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam, đặc biệt trong các ngành như dệt may, da giày, điện tử và nông sản. Xuất khẩu sang Mỹ giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng: Chính sách bảo hộ của Trump có thể khiến các doanh nghiệp Mỹ rút vốn khỏi Việt Nam hoặc giảm đầu tư mới, gây ảnh hưởng đến nguồn vốn FDI – một trong những động lực quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp Mỹ quyết định dịch chuyển sản xuất về nước hoặc sang các quốc gia khác, Việt Nam sẽ mất đi nguồn vốn và công nghệ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh và sự phát triển dài hạn.
Áp lực tài chính và tỷ giá hối đoái: Việc áp thuế cao có thể làm tăng giá trị đồng USD, gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. VNĐ sẽ phải đối mặt với sức ép giảm giá, ảnh hưởng đến việc thanh toán nợ công và chi phí vay vốn cho các doanh nghiệp trong nước. Áp lực này có thể làm tăng lãi suất và tác động đến khả năng phát triển kinh tế của Việt Nam.
Chiến lược ứng phó của Việt Nam
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu: Việt Nam có thể giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ bằng cách tìm kiếm và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã tạo điều kiện cho Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường châu Âu, một trong những thị trường có tiềm năng lớn.
Nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm: Việt Nam cần tập trung vào việc cải tiến chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm để tăng cường tính cạnh tranh. Điều này không chỉ giúp giảm sự phụ thuộc vào các ngành thâm dụng lao động mà còn tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường quốc tế. Các ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào lao động, như dệt may và da giày, có thể bị ảnh hưởng lớn trong trường hợp áp thuế. Vì vậy, Việt Nam cần tăng cường khả năng công nghệ và đổi mới để có thể tiếp cận những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Thắt chặt quan hệ song phương với Mỹ: Việt Nam cần duy trì đối thoại và tăng cường quan hệ hợp tác với Mỹ. Thông qua các cuộc đàm phán thương mại song phương, Việt Nam có thể tìm cách đạt được các thỏa thuận thuận lợi hơn, giải quyết những vấn đề thương mại một cách hài hòa. Bằng cách duy trì mối quan hệ thương mại chặt chẽ và thường xuyên đối thoại, Việt Nam có thể giảm bớt nguy cơ bị áp thuế từ phía Mỹ.
Cải thiện môi trường kinh doanh: Để thu hút đầu tư từ các quốc gia khác và giảm sự phụ thuộc vào dòng vốn FDI từ Mỹ, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, tăng cường minh bạch và giảm bớt các thủ tục hành chính. Một môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, giúp Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư.
Việc ông Donald Trump tái đắc cử mang đến không ít thách thức cho Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại. Tuy nhiên, nếu Việt Nam có thể áp dụng các chiến lược ứng phó linh hoạt và chủ động, các tác động từ chính sách bảo hộ thương mại của Trump có thể được giảm thiểu. Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường quan hệ song phương, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là những hướng đi quan trọng để Việt Nam tiếp tục duy trì sự phát triển bền vững trong bối cảnh đầy biến động.
Quốc An
FILI
|