Tổng thống Mỹ thứ 47 và cơ hội của Việt Nam
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đi gần về điểm cuối. Ai sẽ là người chiến thắng thì cũng đều đi vào lịch sử khi lần đầu tiên một Tổng thống của quốc gia số 1 thế giới là phụ nữ hay cuộc quay trở lại Nhà Trắng đầy ngoạn mục của một cựu Tổng thống lần đầu tiên vướng phải hàng loạt cáo buộc, truy tố; và nhất là đã sống sót qua 2 cuộc mưu sát.
Trong mối quan hệ với Việt Nam, cuộc bầu cử này cũng đánh dấu một cột mốc mới khi hai nước cựu thù đã chính thức trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, tức ông/bà chủ Nhà Trắng sẽ có những bước đi để cụ thể hóa văn kiện chiến lược trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, công nghệ, an ninh quốc phòng, giáo dục, và ứng phó biến đổi khí hậu. Trong đó ưu tiên các trụ cột như sản xuất công nghệ cao, năng lượng tái tạo, và cơ sở hạ tầng.
Lướt qua bảng thống kê 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ hơn 88 tỷ USD, tăng gần 26% so với cùng kỳ với các mặt hàng chủ đạo là máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, hàng dệt may. Trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, ghi nhận đạt 104.81 tỷ USD.
Điều này phản ánh một thực tế mà ai là ông/bà chủ Nhà Trắng thì vẫn có những tác động nhất định về lâu dài lẫn trước mắt lên kinh tế Việt Nam. Bởi, tiếp tục đà căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, rõ ràng Việt Nam đã và đang, sẽ hưởng lợi, con số tăng trên các mặt hàng xuất khẩu vốn là thế mạnh của Trung Quốc đã dịch chuyển sang đối tác Việt.
Không khó để nhận ra bản chất của cuộc chiến thương mại trường kỳ này khi Mỹ muốn kềm chế sự trỗi dậy của cường quốc số 2 Trung Quốc. Trọng tâm của cuộc chiến này là các vấn đề liên quan đến thâm hụt thương mại, quyền sở hữu trí tuệ, và chính sách công nghiệp của Trung Quốc, mà Mỹ cho rằng gây ra sự mất cân đối thương mại và làm tổn hại đến các doanh nghiệp Mỹ.
Và khi Việt Nam là quốc gia láng giềng, có lực lượng nhân công có tay nghề, giá rẻ cùng những chính sách đón đầu kịp thời của Chính phủ thì hẳn là sự lựa chọn tối ưu với các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Trong Báo cáo chính sách 2024 của nhóm chuyên gia Việt - Mỹ được UBND TPHCM đặt hàng trong Diễn đàn Mùa thu TPHCM - Hoa Kỳ năm 2024 vừa qua đã nêu rõ cơ hội của Việt Nam tiếp tục được mở ra khi ngoài bản chất của cuộc xung đột “truyền thống” nói trên, Hoa Kỳ còn có nhiều chính sách nhằm đối phó với việc “thoát Trung” trong chuỗi cung ứng, nguồn nguyên liệu, gia công; mà qua đó, có những lĩnh vực không còn là phép ứng biến kinh tế mà đã là phép quản trị an ninh quốc gia.
Sản xuất công nghiệp chip bán dẫn là một ví dụ. Sau cú “xuống tay” lạnh lùng của Tổng thống Donald Trump, năm 2018, hàng loạt hàng hóa của Trung Quốc đã bị áp thuế ở mức cao. Xin nhắc lại, nếu ông quay lại Nhà Trắng với thông điệp “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” thì không hề chút hoài nghi nào khi “ác mộng Trump” tiếp tục tăng thuế các mặt hàng ở các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ (Việt Nam ta cũng không ngoại lệ khi chỉ xếp sau Trung Quốc, Mexico).
Những tưởng Dân chủ sẽ… ôn hòa hơn thì Tổng thống Joe Biden trong rất nhiều sự đối nghịch với người tiền nhiệm lại có bước đi tiếp nối “mạch lạc” và cũng lạnh lùng không kém với những mặt hàng đến từ Trung Quốc. Điều này, có vẻ như người-kế-cận Kamala Haris cũng không hề rời bỏ di sản của ông Biden.
Luật CHIPS và Khoa học của Mỹ (CHIPS and Science Act) được ban hành vào tháng 8 năm 2022 nhằm củng cố vị thế của Hoa Kỳ trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn và công nghệ tiên tiến, đồng thời tăng cường đầu tư vào nghiên cứu khoa học. Một yếu tố quan trọng của Luật CHIPS là giảm bớt sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào các nguồn cung cấp nước ngoài, đặc biệt là từ châu Á, nơi phần lớn chip bán dẫn được sản xuất. Do đó, nó không chỉ đơn thuần là một biện pháp kinh tế mà còn là một chiến lược an ninh quốc gia.
Và đây chính là cơ hội cho Việt Nam, từ việc tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế, đặc biệt trong việc cung cấp nguyên liệu, linh kiện và thiết bị phục vụ cho sản xuất chip. Với nhu cầu ngày càng tăng về các vật liệu đặc thù như silicon, gallium nitride, và các kim loại quý dùng trong sản xuất chip, Việt Nam có thể cung cấp nguyên liệu thô và tinh chế các khoáng sản thiết yếu cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét đầu tư vào các cơ sở sản xuất tại Mỹ để tận dụng các ưu đãi của luật CHIPS. Việc thiết lập nhà máy lắp ráp hoặc hợp tác với các công ty Mỹ trong việc sản xuất thiết bị bán dẫn và linh kiện điện tử sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các khoản hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế, và các chương trình khuyến khích khác.
Tất nhiên, để biến cơ hội ấy thành hiện thực, sẽ là áp lực rất lớn cho Việt Nam chúng ta khi đối mặt với các tiêu chuẩn chất lượng và quy định khắt khe khi muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn. Việc đáp ứng các yêu cầu về bảo mật dữ liệu, chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất có thể đòi hỏi đầu tư lớn vào công nghệ và quy trình sản xuất. Các công ty Mỹ có khả năng tăng cường năng lực sản xuất và đổi mới công nghệ, điều này khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh về giá cả và chất lượng sản phẩm.
Hay một vấn đề quan trọng khác của kinh tế Việt Nam, cũng như của Hoa Kỳ, nằm trong chuỗi cung ứng đó là đa dạng hóa thị trường nguyên liệu, tránh lệ thuộc thì không gì khác phải có nhiều biện pháp, đối tác, thị phần linh hoạt, chất lượng.
Khung kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific Economic Framework, IPEF) ra đời vào tháng 5 năm 2022 nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực giữa các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khung kinh tế này có sự tham gia của 14 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và 11 quốc gia thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với bốn trụ cột chính: thương mại, chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và chống tham nhũng.
Một lần nữa, những cái tên thành viên lại là những “mỏ vàng” trong cung ứng nguyên liệu, kỹ thuật, phân phối về công nghiệp bán dẫn. Báo cáo của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Đại học Indiana và Sáng kiến Việt Nam tại Diễn đàn Mùa thu TPHCM - Hoa Kỳ 2024 nêu rõ “Một trong những mục tiêu quan trọng của IPEF là tăng cường sự bền vững và tính linh hoạt của chuỗi cung ứng khu vực. Các quốc gia tham gia sẽ hợp tác để xây dựng các chuỗi cung ứng đáng tin cậy và giảm sự phụ thuộc chủ yếu vào một số nguồn cung cấp, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ, y tế và nông nghiệp. Việc này giúp các doanh nghiệp ứng phó tốt hơn với các rủi ro gián đoạn và khủng hoảng kinh tế”.
Kỳ bầu cử nhằm định đoạt vị tổng thống quyền lực nhất thế giới lại là người có trách nhiệm thực thi các cam kết với Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam, chắc hẳn sẽ có những tác động tích cực lẫn những thách thức mà từ đó, đất nước có mối duyên nợ lịch sử với Hoa Kỳ này sẽ bước vào Kỷ nguyên mới phát triển, thịnh vượng.
Quốc Học
FILI
|