Những thách thức… thú vị cho kinh tế Việt Nam
Sớm đạt và vượt số phiếu đại cử tri cũng như giòn giã phổ thông đầu phiếu, ông Donald Trump đã chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Một kỳ bầu cử khá thú vị và kết quả cuối cùng cũng đầy thuyết phục bởi, không khó để nhận ra nếu thiên về cảm xúc vượt khỏi mọi giới hạn thì sẽ là bà Kamala Harris. Nhưng, trong một thế giới đầy phân cực và phức tạp như hiện nay thì, có thể chiếc ghế quyền lực nhất thế giới này người ta chưa hẳn tin vào một phụ nữ. Lại càng thấy phù hợp hơn, đúng “chất” hơn với ông Donald Trump - một người cũng luôn khó đoán định nên thường mang lại những bất ngờ!
Song, trong mối quan hệ (đã được nâng lên thành) Đối tác Chiến lược Toàn diện thì với Việt Nam, sẽ không có nhiều bất ngờ, nhất là những thử thách trước một vị Tổng thống có đường lối về kinh tế cứng rắn và khá thực dụng. Nói nôm na, với người luôn nói thẳng “có qua có lại”, nhất là những nước xuất siêu vào Hoa Kỳ thì Tổng thống Donald Trump “đã nói là làm” với vấn đề thâm hụt thương mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thúc đẩy thương mại công bằng.
Mà thật ra, đến thời Tổng thống Joe Biden, năm 2021 trở đi, xu hướng tiếp cận có vẻ thận trọng hơn, tiếp nối có chọn lọc những chính sách của thời kỳ trước song vẫn giữ vững trên 4 trụ cột là thương mại công bằng và linh hoạt; khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch; ngăn chặn trốn thuế và chống tham nhũng.
Đặc biệt, ngày 09/6/2023, Hoa Kỳ cùng 5 nền kinh tế lớn bao gồm Anh, Australia, Canada, Nhật Bản và New Zealand đã ra Tuyên bố chung lên án và cam kết hợp tác xử lý các chính sách kinh tế phi thị trường, như thúc đẩy năng suất dư thừa, trợ cấp không kiểm soát, các hoạt động phân biệt đối xử và phi cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước; áp dụng tùy tiện hoặc không hợp lý các quy định về sở hữu trí tuệ, can thiệp của chính phủ vào các quyết định thương mại, thiếu minh bạch về quy định và thị trường; các chính sách kinh tế cưỡng ép như sử dụng lao động cưỡng bức…
Quy định mới về điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và chống lẩn tránh thuế được DOC chính thức thông báo và có hiệu lực từ ngày 24/4/2024 có tác động lớn đến Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Đặt trong bối cảnh Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận tình trạng kinh tế thị trường của Việt Nam càng gây ra những khó khăn cho đất nước chúng ta.
Đó là chưa nói đến “lời hăm dọa” của ông Trump sẽ đánh thuế từ 10% đến 20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu nếu đắc cử. Giờ thì trên cương vị Tổng thống, không quá khó đoán khi ít nhất ông Donald Trump sẽ lựa chọn một số quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ để áp thuế. Việt Nam là một trong số 5 quốc gia và lãnh thổ có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ nên khó tránh khỏi bị áp biểu thuế cao.
Một thách thức “truyền thống” nữa là trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam một mặt được hưởng lợi từ dòng đầu tư chuyển dịch, mặt khác do mối quan hệ kinh tế sâu rộng với Trung Quốc nên Việt Nam cần thận trọng trong việc tránh các lệnh trừng phạt từ Mỹ liên quan đến nguồn gốc sản phẩm hoặc các quy định về hàng hóa có yếu tố Trung Quốc.
Lật lại nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump để thấy với quan điểm chống toàn cầu hóa chắc hẳn sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam mà việc Hoa Kỳ đã rút khỏi hiệp định TPP là một ví dụ. Nó đã ảnh hưởng lên ngành dệt may của chúng ta vốn được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do. Một TPP không có Mỹ đã gây bất lợi cho Việt Nam.
Chưa kể, chính sách chính trị hóa vốn đầu tư với chủ trương sẽ áp thuế cao đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa bên ngoài Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng đáng kể đến việc thu hút dòng vốn FDI của Việt Nam.
Những thách thức nói trên, dù đã được các nhà làm chính sách, hoạch định kinh tế nhìn thấy từ sớm, từ xa song, không dễ để nắm bắt và xử lý cho hiệu quả khi nó hoàn toàn không phụ thuộc vào mỗi phía Việt Nam.
Do đó, không còn lựa chọn nào khác, chúng ta nên có chính sách quản lý rủi ro toàn diện với Hoa Kỳ, trong đó đặc biệt chú trọng vấn đề thương mại song phương. Cần tiến tới xúc tiến các thỏa thuận giao dịch thương mại song phương một số mặt hàng với Hoa Kỳ.
Một điểm cần linh hoạt theo kiểu “ứng vạn biến” là ngoài tăng cường kết nối cấp chính phủ, nên thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp hai quốc gia, mở rộng thị trường đầu tư, thương mại đối với doanh nghiệp Hoa Kỳ nhằm tạo ra sự đan xen lợi ích, qua đó giảm rủi ro trong quan hệ song phương. Chính phủ Việt Nam cũng cần tăng cường kết nối với chính quyền cấp bang tại Hoa Kỳ mà Diễn đàn Mùa thu TPHCM - New York 2024 (trong khuôn khổ Diễn đàn Mùa thu TPHCM - Hoa Kỳ) là một điển hình về hoạt động xúc tiến thương mại.
Như đã nêu trên, cần sớm có các giải pháp phù hợp để tránh tác động, rủi ro từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng như ưu tiên hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Tăng cường đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động hải quan, cấp giấy phép hoạt động, vấn đề giao đất, cho thuê đất, thủ tục xây dựng triển khai dự án đầu tư. Đặc biệt là tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng, dỡ bỏ các rào cản về hành chính trong lĩnh vực giáo dục nhất là vấn đề kết nối với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài.
Cuối cùng, trong hợp tác cốt lõi là công nghệ bán dẫn, cần sớm lấp độ vênh giữa một bên là Hoa Kỳ mạnh về hoạt động nghiên cứu và thiết kế và bán dẫn; một bên là Việt Nam lại có lợi thế về lắp ráp và kiểm thử bán dẫn. Chính sự thiếu kết nối này đã khiến nhiều nhà đầu tư bán dẫn Hoa Kỳ không chọn Việt Nam là địa điểm đặt nhà máy. Ngoài ra, do các quy định pháp lý liên quan đến vấn đề bản địa hóa dữ liệu (yêu cầu dữ liệu về công dân hoặc cư dân của một quốc gia phải được thu thập, xử lý và/hoặc lưu trữ trong nước), các tập đoàn công nghệ của Hoa Kỳ thường chọn xây dựng trung tâm dữ liệu tại Thái Lan và Singapore - những nơi không có yêu cầu pháp lý đã nêu.
Nói cho cùng, đó thảy đều là những thách thức đầy… thú vị cho chúng ta. Bởi, một khi vượt qua nó và phải vượt qua thì sẽ là nội lực - trường lực để Việt Nam cũng bước vào một kỷ nguyên mới của chính mình!
Quốc Học
FILI
|