Làm đường sắt tốc độ cao: Doanh nghiệp Việt không liên kết sẽ thua trên sân nhà
Bàn về triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, nếu doanh nghiệp Việt không liên kết, tự đầu tư công nghệ sẽ thua trên chính sân nhà.
Sáng nay (19/11), Báo Giao thông tổ chức tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao - Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt”.
Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban QLDA Đường sắt cho biết, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án đặc biệt lớn và có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn trọng, tới hơn 18 năm.
Tuyến đường sắt tốc độ cao ở Lào. Ảnh: Hoàng Hà
|
Trước đó, năm 2010, dự án đã được trình Quốc hội xem xét. Tuy nhiên, thời điểm đó, do còn một số băn khoăn về nguồn lực, trình độ phát triển công nghiệp, xây dựng, quy mô nền kinh tế nên dự án chưa được Quốc hội thông qua. Hiện tại, dự án đang được trình Quốc hội khóa 15 tại kỳ họp thứ 8 xem xét thông qua.
Ông Phương nhấn mạnh, đây là dự án có nguồn vốn đặc biệt lớn, chưa từng có tại Việt Nam và có thể nói là một trong những dự án có chiều dài đầu tư lớn nhất trên thế giới.
Mục tiêu đề ra là được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư năm 2024, lập dự án năm 2025 và cơ bản hoàn thành năm 2035.
Nghiên cứu của đơn vị tư vấn đã chỉ ra, giá trị vốn đầu tư hợp phần xây lắp hạ tầng khoảng 33 tỷ USD, cùng với đó là các hợp phần về hệ thống điều khiển, hệ thống cấp điện, phương tiện…
“Theo kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, tiếp thu ý kiến của các tổ chức, chuyên gia trong nước, xác định đây là dự án tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta phải làm chủ về nguồn vốn, tránh sự phụ thuộc vào nước ngoài. Đây là cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp trong nước”, ông Phương nêu.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam. Ảnh: Tạ Hải
|
Chung quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam nhấn mạnh, trong dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, khối lượng xây lắp rất lớn, chiếm đến hơn 33 tỷ USD. Tại Việt Nam chưa bao giờ thực hiện một dự án nào có vốn và quy mô lớn như vậy.
“Nếu như đánh giá hệ thống đường sắt tốc độ cao vẫn là cầu hầm, cầu dây văng thì thời gian qua, các nhà thầu Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, có thể thực hiện được tất cả những công trình trên.
Tuy nhiên, với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tốc độ 350km/h, độ chính xác liên quan đến tốc độ đòi hỏi mức độ khác hơn về công nghệ, do đó không thể chủ quan.
Các nhà thầu Việt Nam cần ý thức đây là một trận địa công nghệ mới cần học hỏi, tiếp thu các kiến thức tiên tiến nhất về xây dựng để ứng dụng”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Ông Hiệp tin tưởng với năng lực, trình độ các doanh nghiệp Việt hiện nay, hoàn toàn có thể đảm đương được về mặt công nghệ, thi công.
Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: Tạ Hải
|
Với bước tiến dài về năng lực, công nghệ thi công, ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, tin tưởng các doanh nghiệp Việt có đủ khả năng tham gia dự án.
Tuy nhiên, ông Kiên nhấn mạnh tính liên kết và hợp tác để phát triển của các doanh nghiệp Việt rất yếu.
“Năm 2014, chúng tôi đã mời các doanh nghiệp làm việc với Samsung xem ta cung ứng được gì, nhưng chỉ có 2 doanh nghiệp đạt được trong chuỗi cung ứng vật tư cho Samsung, còn lại tất cả không làm.
Nếu ta không chủ động hợp tác để đầu tư công nghệ đón đầu thì tới lúc gói thầu mở ra sẽ rất khó thắng. Nếu doanh nghiệp Việt không liên kết và tự đầu tư công nghệ, ta sẽ thua trên chính sân nhà”, ông Kiên nói.
N. Huyền
VietNamNet
|