Liệu Việt Nam có lọt vào tầm ngắm của Donald Trump?
Thành công trong việc thu hút dòng vốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc có thể trở thành con dao hai lưỡi với Việt Nam.
Việt Nam từng hưởng lợi rất nhiều khi các nhà sản xuất toàn cầu chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc để tránh tác động từ thuế quan của ông Trump. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 55.1 tỷ USD, tăng 24% (chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam).
Với vị thế là quốc gia có thặng dư thương mại lớn thứ tư với Mỹ - chỉ sau Trung Quốc, Mexico và EU - Việt Nam đang đứng trước nguy cơ chịu tác động từ chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Trump.
"Việt Nam giờ đây có thể phải đối mặt với sự rà soát nghiêm ngặt hơn, đặc biệt là đối với hàng hóa quá cảnh qua Việt Nam để tránh thuế quan với Trung Quốc", ông Marco Förster, Giám đốc ASEAN tại Dezan Shira & Associates ở TP.HCM nhận định.
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ
|
Cam kết áp thuế 60% với hàng Trung Quốc và 20% với hàng hóa từ các nước khác của Trump đã khiến giới chuyên gia lo ngại. Các nhà kinh tế OCBC cảnh báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể giảm tới 4 điểm phần trăm nếu đối mặt với các biện pháp trên.
Nhiều doanh nghiệp đã cảm thấy lo lắng. "Một số doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam lo ngại về khả năng bị áp thuế từ chính quyền Trump", ông Hong Sun, Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết. Hàn Quốc từ lâu đã là một trong những quốc gia rót FDI hàng đầu của Việt Nam, và tập đoàn điện tử Samsung là nhà đầu tư lớn nhất tại quốc gia này.
Nếu Washington áp thuế lên hàng hóa Việt Nam, các công ty Hàn Quốc có thể trì hoãn hoặc giảm đầu tư và sản xuất tại nước này, ông Hong nhận định.
Các quan chức Việt Nam rất nhạy bén với những rủi ro tiềm ẩn từ thái độ thù địch thương mại của Trump. Tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Peru tuần trước, Chủ tịch nước Lương Cường gửi đi thông điệp kín đáo rằng: "Đóng cửa, bảo hộ, chiến tranh thương mại sẽ chỉ dẫn đến suy thoái, xung đột và nghèo đói. Hơn bao giờ hết, cần loại bỏ tư duy ‘nhất bên thắng, nhất bên thua’, không để chủ nghĩa dân tộc làm méo mó chính sách”.
Tỷ trọng xuất và nhập khẩu của Việt Nam với các quốc gia
|
Trong khi Đông Nam Á nói chung được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, không quốc gia nào thành công như Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nhờ vị trí gần Trung Quốc, chính sách thân thiện với doanh nghiệp và các ưu đãi.
Đầu tư nước ngoài đạt 36.6 tỷ USD năm ngoái, thặng dư thương mại với Mỹ tăng vọt từ 38 tỷ USD năm 2017 lên hơn 104 tỷ USD - gần gấp ba lần khi Trump nhậm chức. Thái Lan đứng thứ hai trong khu vực, với thặng dư thương mại với Mỹ gần 41 tỷ USD.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam từ các quốc gia
|
Quan hệ Mỹ-Việt đã mạnh lên kể từ khi Trump rời nhiệm sở. Hai nước nâng cấp quan hệ lên "đối tác chiến lược toàn diện" năm ngoái, cấp độ quan hệ ngoại giao cao nhất của Việt Nam. Tổng thống Joe Biden xem Việt Nam là "một quốc gia quan trọng trên thế giới và là chỉ báo cho khu vực trọng yếu này", và gỡ bỏ nhãn "thao túng tiền tệ".
Washington cũng ủng hộ nỗ lực thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn tại Việt Nam, như một phần trong chiến dịch hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip tiên tiến.
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể xoa dịu Trump bằng cách tăng cường giám sát đầu tư Trung Quốc, điều tra chống bán phá giá hoặc thu hẹp thặng dư thương mại thông qua mua sắm thiết bị quân sự, máy bay dân dụng và LNG từ Mỹ.
Vũ Hạo (Theo FT)
FILI
|