Kịch bản xuất khẩu dệt may năm 2025
Năm 2025, ngành dệt May Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 47-48 tỷ USD, đây là con số có sự tính toán và nghiên cứu kỹ lưỡng về xu thế đơn hàng, theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas).
Nhân công trong xưởng may. Ảnh minh họa
|
Cầm chắc mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD năm 2024
Tại cuộc họp báo ngày 19/11, Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang cho biết kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 ước đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng hơn 11% so với năm 2023. Kim ngạch nhập khẩu 25 tỷ USD, tăng gần 15%. Như vậy, dệt may Việt Nam dự kiến xuất siêu 19 tỷ USD, tăng gần 7%.
Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam, ước đạt hơn 16.7 tỷ USD, tăng hơn 12% so với năm 2023, chiếm gần 38% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kế đến, Nhật Bản với 4.6 tỷ USD (+6%), EU 4.3 tỷ USD (+8%), Hàn Quốc 3.9 tỷ USD (+10%), Trung Quốc 3.7 tỷ USD (+2%) và Đông Nam Á 2.9 tỷ USD (+7%).
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam phát biểu tại cuộc họp báo 19/11
|
Chủ tịch Vitas nhận định năm 2024, tăng trưởng quy mô toàn cầu đối với ngành dệt may không có sự chuyển biến, tăng trưởng rõ nét, nhưng Việt Nam tăng trưởng nhờ đón được sóng dịch chuyển đơn hàng từ một số quốc gia, điển hình như Trung Quốc.
Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cũng khởi sắc, nhiều đơn vị báo lãi tăng bằng lần, lập những kỷ lục mới sau mùa BCTC quý 3, như May Nhà Bè (MNB), Sợi Thế Kỷ (STK), Vinatex (VGT), May Sông Hồng (MSH), Dệt may TNG...
*Ngành dệt may quý 3: Ai bế tắc, ai nở hoa?
Đơn hàng không phải vấn đề quan ngại?
Theo Chủ tịch Vitas, năm 2025, ngành Dệt May Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 47-48 tỷ USD, đây là con số có sự tính toán và nghiên cứu kỹ lưỡng về xu thế đơn hàng. Ngành Sợi chưa có sự tăng trưởng hay đột phá về đơn hàng, nhưng với ngành May lượng đơn hàng sẽ dồi dào hơn năm 2024.
"Hầu hết doanh nghiệp trong ngành dệt may đã có đơn hàng quý 1/2025, đang đàm phán đơn hàng cho quý 2/2025. Đơn hàng không phải là vấn đề đáng quan ngại lắm trong năm tới, song đơn giá không tăng so với năm 2024", ông Giang cho hay.
Bên cạnh yếu tố đơn giá vẫn không tăng, doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn ít đơn hàng lớn mà chủ yếu là nhỏ, thời gian giao nhanh và yêu cầu khắt khe. Ngoài ra, các hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới đòi hỏi khắt khe hơn về xuất xứ sợi, vải dẫn đến việc thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu. Bởi lẽ, Việt Nam còn đang phụ thuộc vào nhập khẩu nhiều loại xơ sợi và vải, đặc biệt từ Trung Quốc.
"Các khách hàng ngày càng có nhiều yêu cầu gắt gao hơn về các tiêu chuẩn kỹ thuật, trách nhiệm xã hội cũng như thời gian giao hàng, đặc biệt có những khách hàng yêu cầu chịu trách nhiệm đến cùng khi hàng dệt may tới người tiêu dùng. Đây cũng là những yêu cầu mới, đòi hỏi các doanh nghiệp thích ứng và không thể đứng ngoài cuộc chơi", ông Giang lưu ý.
Thế Mạnh
FILI
|