Thứ Tư, 20/11/2024 13:50

Cần gì để phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Theo chuyên gia, Việt Nam cần thiết nghiên cứu, khởi động lại kế hoạch phát triển điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, đồng thời giúp giảm phát thải carbon.

Đề xuất mới đây của Chính phủ với nội dung tái khởi động phát triển điện hạt nhân là một bước chuyển quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng của đất nước.

Bởi bối cảnh chung, Việt Nam đã tham gia cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030 (Quy hoạch điện VIII), tổng công suất các nhà máy điện của Việt Nam dự kiến tăng lên 150 GW vào năm 2030, cao gấp đôi năm 2020 và đạt 490-573 GW vào năm 2050.

Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào nhiệt điện than, thủy điện và khí đốt tự nhiên để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Việc phải đối phó với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng, điện hạt nhân đã trở thành giải pháp tiềm năng để thu hẹp khoảng cách giữa phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế.

Điện hạt nhân giúp đạt nhiều mục tiêu cùng lúc

Thực tế, mối quan tâm tới lĩnh vực điện hạt nhân tại Việt Nam đã có từ những năm 2000, với kế hoạch ban đầu là xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, năm 2016, Quốc hội quyết định dừng kế hoạch này do các rủi ro của dự án, quan ngại về tính khả thi kinh tế, cân nhắc nợ công, cùng nhiều lý do khác.

Gần đây, Chính phủ đã đề xuất tái khởi động kế hoạch phát triển điện hạt nhân.

Theo đánh giá của Tiến sĩ Richard Ramsawak, Giảng viên tại Đại học RMIT, điện hạt nhân có thể cung cấp nguồn năng lượng ổn định với quy mô lớn để bổ sung cho các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và gió.

Trên thế giới, các quốc gia có mối liên hệ kinh tế chặt chẽ với Việt Nam như Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đang mở rộng công suất điện hạt nhân.

“Điều này càng thôi thúc Việt Nam xem xét lại định hướng, đặc biệt là khi công nghệ điện hạt nhân trở nên an toàn và tiết kiệm chi phí hơn”, ông Richard Ramsawak nhận định.

Ông Ramsawak cũng đánh giá công nghệ hạt nhân có thể giảm đáng kể lượng khí thải carbon cũng như giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ở Việt Nam nếu được quản lý tốt.

Không giống như những nguồn năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch như than và khí đốt tự nhiên, các nhà máy điện hạt nhân sản xuất điện mà không thải ra khí nhà kính trong quá trình vận hành. Ưu điểm này giúp điện hạt nhân là một lựa chọn năng lượng ít phát thải carbon.

Điện hạt nhân cũng có lợi thế hơn các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió, vốn rất quan trọng để giảm phát thải, nhưng lại không đảm bảo cung ứng liên tục do phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.

Tiến sĩ Richard Ramsawak - Giảng viên Kinh tế, Đại học RMIT Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Thủy điện hiện chiếm khoảng 30% sản lượng điện tại Việt Nam, cũng ngày càng dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu như hạn hán và lượng mưa thay đổi.

Giải quyết vấn đề này thì điện hạt nhân có thể cung cấp nguồn điện phụ tải nền ổn định và đáng tin cậy, đảm bảo cung cấp năng lượng ổn định khi các nguồn tái tạo khác không tạo ra đủ điện.

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh khiến nhu cầu về điện ngày càng tăng. Theo vị chuyên gia, nếu mở rộng sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng nhu cầu này sẽ có nguy cơ làm tăng lượng phát thải khí nhà kính.

“Trường hợp đưa điện hạt nhân vào cơ cấu năng lượng, Việt Nam có thể tăng đáng kể khả năng thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, Tiến sĩ Richard Ramsawak nhận định.

Về lâu dài, điện hạt nhân còn có thể cung cấp nguồn điện ổn định và tiết kiệm chi phí hơn, giúp cải thiện an ninh năng lượng dài hạn bằng cách giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương trước biến động giá nhiên liệu toàn cầu và gián đoạn chuỗi cung ứng.

Dù việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân có chi phí ban đầu cao, chi phí vận hành thường thấp hơn so với các nhà máy điện nhiên liệu hóa thạch.

Trong dài hạn, điều này có thể giúp giảm chi phí năng lượng cho người tiêu dùng và các ngành công nghiệp, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Việt Nam cần gì để phát triển điện hạt nhân

Để phát triển điện hạt nhân, ông Ramsawak cho rằng Việt Nam cần giải quyết 3 vấn đề lớn nhất.

Đầu tiên là tính khả thi về mặt kinh tế. Các nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi khoản đầu tư ban đầu rất lớn và Chính phủ phải đánh giá xem có đủ khả năng chi trả hay không, song song với việc cân đối ngân sách.

Số đơn vị vật liệu cần để xây dựng nhà máy điện mặt trời, nước, gió, nhiệt điện, than đá, hạt nhân và khí tự nhiên trong sách Thảm họa khí hậu. Ảnh: Omega Plus/Fonos.

Các vấn đề về an toàn và môi trường cũng rất quan trọng. Nhận thức của công chúng về tính an toàn của điện hạt nhân vẫn là một thách thức, đặc biệt là sau thảm họa năm 2011 tại Fukushima (Nhật Bản). Việt Nam sẽ cần đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế nghiêm ngặt nếu quyết định tiến hành các dự án hạt nhân.

Công tác đào tạo lực lượng lao động có kỹ năng cao cũng rất quan trọng trong ngành điện hạt nhân.

Về điểm này, ông Ramsawak đề xuất Việt Nam có thể hợp tác với các quốc gia đã có ngành công nghiệp hạt nhân lớn mạnh như Pháp, Nhật Bản, Nga để đào tạo kỹ sư, kỹ thuật viên và cán bộ quản lý về công nghệ hạt nhân, quy trình an toàn và vận hành nhà máy.

Cùng với đó là đầu tư vào các tổ chức giáo dục và nghiên cứu trong nước để phát triển chuyên môn về khoa học và kỹ thuật hạt nhân; mở các chương trình đại học và trung tâm nghiên cứu tập trung vào điện hạt nhân sẽ giúp tạo ra nguồn nhân lực chuyên gia có trình độ để hỗ trợ tham vọng hạt nhân của đất nước.

Nhìn về tương lai năng lượng của Việt Nam, điện hạt nhân mang đến cơ hội giải quyết nhiều thách thức cùng lúc đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, vừa giảm phát thải carbon và duy trì tăng trưởng kinh tế.

"Với kế hoạch và cách triển khai phù hợp, điện hạt nhân có thể đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng bền vững, hỗ trợ các mục tiêu kinh tế và môi trường", ông nói.

Đề xuất thêm, vị giảng viên Đại học RMIT cho rằng Việt Nam có thể cân nhắc các công nghệ mới như lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) và lò phản ứng hạt nhân thế hệ 4, an toàn và hiệu quả hơn so với các lò phản ứng truyền thống. "SMR có thể phù hợp với Việt Nam vì chúng đòi hỏi ít vốn đầu tư hơn và linh hoạt hơn trong quá trình triển khai".

Đầu tháng 11 vừa qua, Quốc hội đã chính thức giao Chính phủ trình cấp có thẩm quyền việc khởi động lại kế hoạch phát triển điện hạt nhân, theo Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội 2025. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã đề xuất cấp có thẩm quyền và được đồng ý về chủ trương tái khởi động loại năng lượng này.

Theo Luật Điện lực đang sửa đổi, Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân. Đây là lần đầu tiên quy định về độc quyền phát triển điện hạt nhân được đưa vào một dự án luật.

Cũng trong báo cáo gửi các bộ ngành đề nghị góp ý cho việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương có nhắc đến phát triển các nhà máy điện hạt nhân SMR.

SMR có công suất khoảng 300 MW (khoảng 1/3 so với lò phản ứng hạt nhân truyền thống), hiện được đánh giá là lựa chọn hấp dẫn do thời gian xây dựng ngắn hơn, chỉ tốn khoảng 24-36 tháng.

Hồng Nhung

ZNEWS

Các tin tức khác

>   Hoa Kỳ áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu xơ sợi staple nhân tạo từ polyester (20/11/2024)

>   Kịch bản xuất khẩu dệt may năm 2025 (20/11/2024)

>   Phó Thủ tướng: Chỉ bàn triển khai hiệu quả giải ngân đầu tư công, không bàn lùi (20/11/2024)

>   Ông Nguyễn Hồ Nam: Triết lý thắng-thua cần được thay thế bằng 'win-win' (19/11/2024)

>   Làm đường sắt tốc độ cao: Doanh nghiệp Việt không liên kết sẽ thua trên sân nhà (19/11/2024)

>   Doanh nghiệp hạn chế nguồn lực: Làm cách nào để chuyển đổi xanh? (19/11/2024)

>   Ngành đường sắt lý giải chuyện giá vé tàu Tết tăng (19/11/2024)

>   Ba cựu lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc bị đề nghị kỷ luật vì liên quan đến vụ án Phúc Sơn (18/11/2024)

>   Khoản đầu tư hơn 3.000 tỷ của ‘ông lớn’ xi măng Vicem có nguy cơ mất vốn (18/11/2024)

>   Cựu PGĐ Sở KH&ĐT TPHCM lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại hơn 39 tỷ đồng (18/11/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật