Cần 60.000 tỷ đồng làm 5 dự án BOT mở rộng cửa ngõ TPHCM
Để làm 5 dự án BOT trên đường hiện hữu theo Nghị quyết 98 cho phép TPHCM thí điểm, cần khoảng 60.000 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách và huy động từ nhà đầu tư.
Nội dung trên được liên danh tư vấn đưa ra tại Hội nghị tham vấn về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 5 dự án BOT mở rộng cửa ngõ TPHCM theo Nghị quyết 98 vào chiều nay (14/11).
Hội nghị do Sở GTVT TPHCM tổ chức đã thu hút nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng giao thông như Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM, Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Sơn Hải…
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM chủ trì hội nghị. Ảnh: Tuấn Kiệt.
|
Theo đề xuất của tư vấn, trong 5 dự án BOT thì có đến 3 dự án đi trên cao. Bao gồm mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương), tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng; Dự án đường trục Bắc - Nam (đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành) có tổng chiều dài 8,6km, tổng mức đầu tư hơn 8.483 tỷ đồng.
Dự án thứ 3 là BOT cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến Nguyễn Văn Linh) có chiều dài 3,66km, mức đầu tư hơn 6.863 tỷ đồng.
2 dự án còn lại được đề xuất đi thấp gồm mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An), khoảng 15.897 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến vành đai 3) dài khoảng 8,7km, mức đầu tư 8.810 tỷ đồng (bao gồm lãi vay).
Dự án BOT mở rộng quốc lộ 13 được đề xuất làm đường trên cao. Ảnh: Sở GTVT TPHCM.
|
Nên phân kỳ đầu tư để không phải ‘chôn vốn’
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà đầu tư đã góp ý, bàn các phương án thiết kế xây dựng các tuyến đường cũng như phương án giải phóng mặt bằng, đầu tư, hoàn vốn...
Ông Lê Quỳnh Mai - Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả cho rằng 5 dự án BOT trên đều nằm trong khu vực đô thị. Theo nguyên tắc, khu vực đô thị hạn chế đầu tư đường trên cao để không gây mất mỹ quan. Do đó, tư vấn cần nghiên cứu phương án đi ngầm, làm hầm qua các nút giao lớn.
Ông cũng góp ý cần phải thống nhất tiêu chí mềm là phương án thu hồi vốn cho các dự án không quá 20 năm. Thứ hai để minh bạch và công bằng, các dự án cần thu phí theo chặng (km) thay vì phương án thu theo lượt.
"Chi phí mặt bằng các dự án đa số rất cao, vượt quá 50% tổng mức đầu tư. Do đó, cần thiết phải tính toán tách giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng do cơ quan nhà nước thực hiện. Nếu không tách thì nhà đầu tư bỏ chạy gấp.", ông Mai nói.
Ông Lê Quốc Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM. Ảnh: Tuấn Kiệt.
|
Còn ông Lê Quốc Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM cho rằng, nhu cầu làm đường trên cao tại TP chưa cần thiết, việc làm đường trên cao chỉ giải quyết bài toán đi từ điểm đầu và điểm cuối, chưa giải quyết kẹt xe khu vực đô thị, phía dưới đường trên cao.
“Nếu xây dựng đường trên cao, chúng ta phải bỏ ra 750 tỷ đầu tư cho 1km đường, 5km thì mất đến 3.500 tỷ đồng. Mỗi năm sẽ phát sinh tiền lãi khoảng 350 tỷ đồng. Như vậy, nhà đầu tư phải chôn vốn rất nhiều, hiệu quả đầu tư sẽ mất đi.
Tôi đề xuất đầu tư phân kỳ thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 làm đường đi thấp, các nút giao dưới thấp làm cầu vượt, hầm chui. Trong quá trình khai thác, khi mức độ lưu thông cao, nhà đầu tư phải thực hiện giai đoạn 2 là làm đường trên cao theo hợp đồng”, ông Bình đề xuất.
Đại diện nhà đầu tư cũng đồng tình về việc cần tách công tác GPMB thành dự án độc lập. Dự án khởi công cần phải đảm bảo tiêu chí đạt 90% mặt bằng sạch.
Phản hồi nhà đầu tư, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, cả 5 dự án BOT cửa ngõ đều được tách giải phóng mặt bằng ra thành dự án riêng. Sau khi tách dự án, thành phố sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng.
Về phương án đầu tư BOT theo phương thức phân kỳ như đề xuất của nhà đầu tư, Giám đốc Sở GTVT TPHCM nhận định đây là cách làm mới, rất hay. Sở GTVT cùng các tư vấn sẽ tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh nhằm đáp ứng được sự hài hòa lợi ích, luận cứ được mục tiêu và hiệu quả thực sự...
Theo lộ trình, quý I/2025 phê duyệt chủ trương đầu tư; lựa chọn nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi, khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư; phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong quý III/2025. Lựa chọn nhà đầu tư, phấn đấu đến cuối năm 2025 khởi công dự án đầu tiên.
Tuấn Kiệt
VietNamNet
|