Dragon Capital chỉ ra 4 ngành xuất khẩu gặp nguy cơ dưới thời Trump 2.0
Trong báo cáo phân tích mới nhất, Dragon Capital đã chỉ ra những tác động sâu rộng từ chính sách thương mại của chính quyền Trump 2.0 đối với Việt Nam.
Nhìn lại giai đoạn vừa qua, quan hệ thương mại Việt-Mỹ đã có bước phát triển vượt bậc khi kim ngạch song phương tăng gần 120% trong hai nhiệm kỳ, từ mức 50 tỷ USD năm 2016 lên 110 tỷ USD vào năm 2023.
"Quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã được cải thiện đáng kể khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện với cam kết hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực", Dragon Capital nhấn mạnh.
Tuy nhiên, hoạt động thương mại giữa hai quốc gia có thể bị tác động khi ông Trump tái đắc cử. Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, ông Trump đã đề xuất áp thuế 60% lên hàng hóa từ Trung Quốc và mức thuế từ 10% - 20% đối với các quốc gia khác.
Quỹ đầu tư này cho rằng những mức thuế như vậy sẽ làm tăng giá cả hàng hóa nội địa, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ.
"Mặc dù các khẩu hiệu bảo hộ thường được ưa chuộng trong các chiến dịch bầu cử, thực tế việc tăng giá hàng hóa một cách rộng rãi lại ít có khả năng thực hiện về mặt chính trị", chuyên gia của Dragon Capital nhận định.
“Ngay cả khi các mức thuế này được áp dụng, Việt Nam có thể vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh nhờ vị trí địa lý thuận lợi, chi phí lao động thấp và mạng lưới hiệp định thương mại tự do”.
4 nhóm ngành "lọt tầm ngắm"
Đáng chú ý, Dragon Capital cũng chỉ ra 4 nhóm ngành xuất khẩu đang đứng trước nguy cơ cao về giám sát và trừng phạt. Trong đó, pin năng lượng mặt trời là mặt hàng được quan tâm nhất khi đạt kim ngạch xuất khẩu 4.4 tỷ USD trong năm 2023, tăng gần 400% so với năm 2019 và chiếm 26.5% thị phần tại Mỹ. Dù Bộ Thương mại Mỹ đã nhiều lần đề xuất áp thêm thuế, nhưng Tổng thống Biden đã bác bỏ đề xuất này vào năm 2023.
Sản phẩm gỗ cũng đang bị giám sát chặt chẽ với giá trị 5.3 tỷ USD trong tổng số 8 tỷ USD xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt khi Bộ Thương mại Mỹ đang điều tra các trường hợp sử dụng linh kiện từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, máy giặt và xe đạp điện cũng nằm trong danh sách theo dõi khi ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu đột biến trong năm 2023, lần lượt đạt 440 triệu USD và 50.8 triệu USD.
Trước những thách thức này, Dragon Capital đề xuất Việt Nam cần tập trung vào ba giải pháp chiến lược. Trước tiên là thu hẹp thặng dư thương mại với Mỹ thông qua việc mở rộng nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng như máy bay và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Song song với đó, việc tăng cường kiểm soát nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực thép, cũng được xem là ưu tiên hàng đầu nhằm giảm thiểu rủi ro trở thành trung tâm trung chuyển. Cuối cùng, việc đẩy mạnh đàm phán hiệp định thương mại song phương sẽ giúp thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp và tăng cường nội địa hóa trong các lĩnh vực xuất khẩu chính.
Cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng
Dragon Capital nhận định Việt Nam có thể hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng. "Hiện Trung Quốc nắm giữ 32% thị phần của ngành sản xuất toàn cầu. Nếu chính quyền Trump 2.0 gia tăng các trở ngại thương mại đối với Trung Quốc, Việt Nam được cho là có vị thế tốt để hưởng lợi từ sự dịch chuyển này", báo cáo nhấn mạnh.
Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo cơ hội này cũng đi kèm với khả năng hàng hóa Việt Nam sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn và xu hướng này có thể kéo dài trong trung hạn. Tác động ban đầu có thể sẽ rõ rệt nhất đối với các doanh nghiệp FDI có liên kết với Trung Quốc, đặc biệt là những doanh nghiệp có liên quan đến vấn đề vận chuyển trái phép.
Dragon Capital chỉ ra áp lực từ bên ngoài có thể thúc đẩy quá trình nội địa hóa của Việt Nam. "Việc đẩy nhanh quá trình nội địa hóa mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam, từ đa dạng hóa cho đến khả năng chuyển đổi mô hình sản xuất thiết bị gốc (OEM) sang mô hình bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng", Dragon Capital nhận định.
Vũ Hạo
FILI
|