Chờ đợi bộ mặt mới của lõi trung tâm thành phố
UBND TP.HCM vừa có quyết định thành lập Trung tâm Quản lý Phố đi bộ và Công viên Quận 1 (Trung tâm). Đơn vị này trực thuộc UBND Quận 1 và nhận hỗ trợ về chuyên môn từ các sở ngành liên quan như Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, và Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Trụ sở chính đặt tại số 46 Nguyễn Huệ, Phường Bến Nghé, Quận 1.
Trung tâm đảm nhận vai trò đầu mối trong việc khai thác các hoạt động dịch vụ tại khu vực công cộng. Trung tâm sẽ tổ chức đấu thầu, khai thác dài hạn các tài sản công để phục vụ mục đích kinh doanh, cho thuê hoặc liên kết với các đối tác kinh tế; quản lý, bảo dưỡng và vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bao gồm kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống chiếu sáng công cộng, công viên, cây xanh, và các công trình thoát nước.
Ngoài ra, Trung tâm còn chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, giải trí của người dân và thu hút khách du lịch. Các hoạt động thương mại, dịch vụ và thể dục thể thao tại phố đi bộ và công viên cũng sẽ được điều hành một cách chuyên nghiệp và có tổ chức, nhằm tạo ra môi trường thân thiện và năng động cho mọi người.
Trên đường Phạm Ngũ Lão và đoạn cuối công viên 23-9- những nơi đang chờ sự ra tay dọn dẹp của Trung tâm và UBND phường
|
Mục tiêu đặt ra là đúng, giao về cho một đơn vị đầu mối tập trung quản lý, phối hợp khai thác, vận hành là trúng, tránh tình trạng quản lý một công viên mà vòng ngoài thì thành phố, vòng trong thì quận nên vấn nạn xảy ra thì nội ngồi họp để phân tách trách nhiệm thuộc ai thì đã kịp phát sinh vấn nạn khác…
Vấn đề là dù cấp ra quyết định là UBND thành phố nhưng trực thuộc UBND quận, nên ở cấp độ một trung tâm thuộc quận có gánh hết chừng ấy nhiệm vụ đòi hỏi chuyên môn cao như đã kể trên. Ngay cả khi có “nhận hỗ trợ về chuyên môn” của 3 Sở thì điều cần nhớ, phố đi bộ Nguyễn Huệ và các công viên lớn trên địa bàn quận đã từng do Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TP.HCM quản lý. Hiện trạng của chúng ra sao thì đã rõ nên việc “nhận hỗ trợ” cần được chi tiết trách nhiệm ra sao, cụ thể vai trò từng bộ phận như thế nào để các cấp phòng của Sở phải thực sự phối hợp - có chức trách phối hợp thực hiện với một trung tâm Quận, chứ không phải “ngó xuống, nhìn ngang” chỉ đạo.
Hơn nữa, việc phối hợp, đồng trách nhiệm của các sở ngành và quận huyện đang là “một điểm nghẽn của điểm nghẽn” nên sau sắc lệnh thành lập thì việc triển khai các đầu việc, phân công trách nhiệm, giám sát thực hiện, nghiệm thu công tác phải rõ ràng, cụ thể ra sao là điều tối quan trọng. Cơ quan cấp trên, nơi ban hành quyết định thành lập cũng nên có “deadline” cho việc triển khai nhằm ghi nhận những bước chuyển ban đầu để thấy mục tiêu ra đời Trung tâm là hữu hiệu.
Ngoài ra, một thắc mắc nhỏ là trong vai trò được giao, Trung tâm “chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, giải trí của người dân và thu hút khách du lịch” nhưng “nhận hỗ trợ chuyên môn” thì không thấy có Sở Văn hóa - Thể thao (và cả Sở Du lịch).
Đảm bảo an toàn, trật tự và mỹ quan đô thị tại các khu vực phố đi bộ cũng là một nhiệm vụ quan trọng của đơn vị này. Không những thế, điều hành một cách chuyên nghiệp và có tổ chức các hoạt động thương mại, dịch vụ và thể dục thể thao tại phố đi bộ và công viên là nhiệm vụ vô cùng nặng nề.
Phép thử đầu tiên là từ đây đến mùa lễ tết cuối năm, mong sự ra đời một đơn vị chuyên trách sẽ giúp thay đổi bộ mặt của khu vực lõi trung tâm thành phố, đẹp, an toàn và quan trọng là sạch từ trong ra ngoài, xin nhớ cho, đừng chỉ sạch, đẹp ở khu mặt tiền thì mới đạt tính chuyên nghiệp thật sự.
Quốc Học
FILI
|