Thứ Ba, 01/10/2024 19:42

Thủ tướng: Chậm nhất tới 31/12/2025 phải hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước

Chiều 1/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, cơ quan với mục tiêu chậm nhất tới 31/12/2025 phải hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát bằng mọi nguồn lực, với cách làm mới...

Tại cuộc họp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, theo thống kê qua báo cáo của các tỉnh, thành phố theo tiêu chí do Bộ Xây dựng quy định, đến nay, số nhà còn lại cần hỗ trợ là 153,881 căn, trong đó có 106,967 nhà xây mới (68,565 hộ nghèo, 38,402 hộ cận nghèo), 46,914 nhà sửa chữa (27,188 hộ nghèo, 19,726 hộ cận nghèo). Hiện, thành phố Hà Nội và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Kinh phí cần huy động bổ sung để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo cần khoảng 6,522.877 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đã huy động được tại lễ phát động phát động Phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đến năm 2025 ngày 13/4/2024 tại Hoà Bình là 320 tỷ đồng; kinh phí địa phương đã vận động được 44.178 tỷ đồng. Mức hỗ trợ là 50 triệu đồng đối với hộ xây mới nhà ở và 25 triệu đồng đối với hộ sửa chữa nhà ở, bằng mức hỗ trợ từ Quỹ Vì người nghèo hiện nay.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, trên đây là số nhà cần hỗ trợ ngoài Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng giai đoạn 2021-2025 và hỗ trợ nhà ở cho người dân trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia (gồm chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi).

Bộ trưởng cho biết thêm, Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công giai đoạn 1 đã hoàn thành với khoảng 500 ngàn căn nhà (kinh phí khoảng 11 ngàn tỷ đồng); sắp tới sẽ triển khai giai đoạn tiếp theo theo Nghị quyết của Quốc hội, với quy mô sơ bộ khoảng 200 nghìn căn nhà, bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Việc hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia có quy mô khoảng 130 nghìn nhà, đến nay đã hoàn thành khoảng 50 ngàn nhà, còn khoảng hơn 80 ngàn nhà cần hoàn thành trong thời gian tới, cũng bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025" được phát động từ tháng 4/2024 đã triển khai bước đầu có hiệu quả. Thủ tướng ghi nhận, biểu dương các lực lượng đã tiên phong trong thực hiện phong trào, như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Bên cạnh đó, thực tiễn triển khai phong trào cho thấy cần tiếp tục đổi mới cách làm, phân công công việc cụ thể hơn, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc vào cuối năm 2025, chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, 95 năm thành lập Đảng, 80 năm Quốc khánh, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thủ tướng chia sẻ, qua công tác lãnh đạo chỉ đạo, theo dõi tình hình và khảo sát thực tế gần đây cho thấy, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, cần phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, tự lo cho chính mình của người dân, cùng với sự giúp đỡ của làng xóm, họ hàng, các đoàn thể chính trị-xã hội, như thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh… Nhờ vậy, có những hộ cận nghèo Nhà nước chỉ hỗ trợ hơn 50 triệu đã xây được nhà kiên cố với trị giá hơn 200 triệu đồng, như thực tế ở Hòa Bình mà Thủ tướng chứng kiến.

Thủ tướng nêu rõ cần thành lập Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, chỉ đạo chung triển khai cả 3 nội dung trên toàn quốc: Hỗ trợ nhà ở với người có công; hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cho biết, bài học kinh nghiệm quan trọng là cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, với cách làm hiệu quả nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương và của cả các gia đình thụ hưởng chính sách; giảm khâu trung gian; từ đó triển khai nhanh chóng, thực chất, hiệu quả, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, thất thoát, người dân thụ hưởng thật.

Khi bắt đầu phát động chương trình này, ước tính có khoảng 170,000 nhà tạm, nhà dột nát cần sửa chữa, xây mới, đến nay còn khoảng hơn 153,000 nhà. Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu trong năm 2025, phải hoàn thành cả 3 nội dung: (i) hỗ trợ nhà ở cho người có công; (ii) hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia; (iii) sửa chữa, xây mới 153,000 nhà trong phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Thủ tướng giao Bộ Công an và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp, rà soát số liệu, thông tin về các hộ gia đình cần hỗ trợ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Phương châm là Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm chủ, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội hỗ trợ, kêu gọi người dân, doanh nghiệp tham gia ủng hộ với tinh thần cả nước chung tay, "ai có gì giúp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều".

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công giai đoạn 1 đã hoàn thành với khoảng 500 ngàn căn nhà (kinh phí khoảng 11 ngàn tỷ đồng) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng nêu rõ cần thành lập Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, chỉ đạo chung triển khai cả 3 nội dung trên toàn quốc: (i) hỗ trợ nhà ở với người có công, (ii), hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia, (iii) xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội làm Phó Trưởng Ban thường trực; thành viên là bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Về nguồn lực, Thủ tướng nêu rõ cần huy động đa dạng nguồn lực từ nguồn lực Nhà nước (các cơ quan cần khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định); nguồn lực xã hội hóa (gồm đóng góp tài chính, góp công, góp của, góp vật liệu và các hình thức giúp đỡ khác như vận chuyển, xây dựng…); nguồn lực từ nỗ lực của chính các gia đình thụ hưởng chính sách; nguồn lực từ làng xóm, họ hàng… và sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp trên cả nước.

Thủ tướng cũng chỉ rõ phương thức là Trung ương, địa phương cùng làm, Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân cùng làm. Ban Chỉ đạo sẽ phân công công việc cụ thể trên cơ sở báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Tại các địa phương (tỉnh, huyện, xã, thôn) thì bí thư cấp ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo. Các cơ quan báo chí, truyền thông xây dựng và thực hiện kế hoạch, đẩy mạnh truyền thông về nội dung này.

Đề nghị phát động cao điểm 450 ngày đêm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên toàn quốc, Thủ tướng nhấn mạnh, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, chúng ta quyết tâm chậm nhất tới 31/12/2025 sẽ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên cả nước.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến đầu tư 67,34 tỉ USD, hoàn thành năm 2035 (01/10/2024)

>   Đồng Nai duyệt nhiệm vụ quy hoạch 1/2000 khu đô thị - dịch vụ Long Thành hơn 2,000ha (01/10/2024)

>   Khởi công tuyến cao tốc 10,000 tỷ đồng tại Tây Bắc (29/09/2024)

>   Hơn 860 tỷ đồng mở rộng sân bay Cà Mau, đón 1 triệu khách/năm (28/09/2024)

>   Thêm khu công nghiệp 330ha tại Đồng Nai bị đưa ra khỏi quy hoạch (27/09/2024)

>   Phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045 (25/09/2024)

>   HHV sẽ góp 600 tỷ vào cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 (25/09/2024)

>   TPHCM 'chốt' cuối quý 4 hoàn thành thi công, vận hành thương mại metro số 1 (25/09/2024)

>   Trình Quốc hội điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (24/09/2024)

>   Cuối năm 2025 phải hoàn thành Vành đai 4 qua Bắc Ninh (23/09/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật