Tăng trưởng nhu cầu nhà ở của giới chuyên gia tại Bình Dương: Động lực và dự báo
Với sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp (KCN) và thu hút đầu tư nước ngoài, Bình Dương đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về nhu cầu nhà ở của giới chuyên gia.
Kinh tế công nghiệp từ lâu đã là trụ cột trong sự phát triển thị trường bất động sản Bình Dương. Lịch sử từ khi thành lập vào năm 1997 của Bình Dương cho thấy, sau khoảng 10 năm tái lập, tỉnh xác định việc xây dựng hạ tầng, đẩy mạnh phát triển công nghiệp là chủ đạo. Giai đoạn 2008-2010, bất động sản công nghiệp – đô thị Bình Dương chuyển mình với sự hình thành hoạt động của hơn 30 KCN, khởi công xây dựng Thành phố mới và mở rộng các khu đô thị, nhà ở thương mại.
Thành phố mới của Bình Dương
|
Phát triển mạnh mẽ hạ tầng
Bình Dương đang tập trung thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thế hệ mới, hướng tới trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của cả nước và khu vực Đông Nam Á, tạo động lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng nói về sự chuẩn bị của Bình Dương để đón thêm các “đại bàng FDI”. Chất lượng cơ sở hạ tầng của Bình Dương, theo chỉ số PCI 2022, đứng thứ 3 cả nước (64 điểm).
Quy hoạch Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh việc tạo ra các liên kết vùng, liên kết tỉnh mạnh mẽ hơn. Ông Mai Hùng Dũng cho biết, để tạo đột phá về hạ tầng giao thông, Bình Dương tập trung xây dựng các tuyến đường cao tốc, hệ thống đường sắt đô thị, metro kết nối với TPHCM và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các dự án lớn như đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và các tuyến giao thông xuyên tỉnh sẽ được đẩy nhanh tiến độ. Mục tiêu đến 2030, toàn tỉnh có 43 tuyến đường, gồm 16 tuyến hiện hữu và 27 tuyến bổ sung mới. Ngoài ra, tỉnh còn nghiên cứu đầu tư xây dựng 12 tuyến đường sắt đô thị đến 2050; phát triển 18 cảng, bến nội thủy; xem xét bố trí quỹ đất đầy tư sân bay tại huyện Dầu Tiếng.
Tiềm năng kinh tế bền vững
Đến 2030, Bình Dương sẽ có 42 KCN, bao gồm 29 KCN hiện có, 4 KCN chuẩn bị đầu tư, 10 KCN mới và 1 KCN chuyển đổi chức năng. Giai đoạn 2021-2050, tỉnh bổ sung 5-6 KCN và chuyển đổi 7 KCN tại Dĩ An và Thuận An, với tổng diện tích khoảng 25,000 ha.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, kinh tế tỉnh tăng trưởng 7.05%, tổng bán lẻ đạt hơn 255 ngàn tỷ đồng, tăng 12.7%, vượt mức trung bình cả nước (8.5%). Tỉnh thu hút 1.6 tỷ USD FDI, nâng lũy kế lên 42 tỷ USD.
Bình Dương đã thiết lập quan hệ hợp tác với 13 tỉnh, thành quốc tế, thu hút nhiều chuyên gia nước ngoài đến sinh sống. Năm 2023, tỉnh được ICF vinh danh là Cộng đồng thông minh hàng đầu thế giới, nhờ phát triển hạ tầng, đô thị thông minh và môi trường kinh doanh thuận lợi. Với hơn 52% dân số là người nhập cư, Bình Dương ngày càng khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho lao động trên cả nước.
Tăng trưởng nhu cầu nhà ở chất lượng cao của giới chuyên gia tại Bình Dương
Theo ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc kinh doanh Batdongsan.com.vn, với ưu thế đặc thù, thị trường bất động sản nhà ở Bình Dương cũng dần phát triển liền theo các KCN.
Các dự án nhà ở tại Bình Dương phát triển liền theo các KCN. Batdongsan.com.vn
|
Việc xác định vị thế là thủ phủ công nghiệp sẽ kéo theo lượng chuyên gia trong và ngoài nước đến làm việc và sinh sống, điều này sẽ phát sinh nhu cầu nhà ở. Ông Lưu Quang Tiến, Phó Viện trưởng DXS-FERI, cho biết trước đây nhà phố hay tòa nhà dịch vụ đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, số lượng chuyên gia tăng nhanh cùng sự phát triển kinh tế, kéo theo nhu cầu ở lâu dài, thậm chí đưa cả gia đình đến.
Những năm 2000, thị trường căn hộ Bình Dương chủ yếu phục vụ công nhân và nhà ở giá rẻ. Khi KCN bùng nổ (2005-2007), các dự án cao cấp B, B+ xuất hiện quanh VSIP và SetiaBecamex dành cho chuyên gia. Giai đoạn 2011-2016, nhiều dự án cao cấp từ chủ đầu tư nước ngoài phát triển dọc Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một và Thành phố mới, khiến thị trường căn hộ trở nên phong phú và đa dạng hơn.
Có thể kể đến như The Orchard Sycamore – dự án liên doanh giữa Becamex IDC và CapitaLand (Singapore), dự án Artisan Park của Tập đoàn Gamuda Land (Malaysia) định hướng là đô thị thông minh tại Thủ Dầu Một. Hay dự án TT AVIO gần 2,000 căn hộ tại Dĩ An của liên doanh Nhật Bản Cosmos Initia (thành viên của Daiwa House Group) - TT Capital - Koterasu Group nằm gần hơn 28 KCN lớn như VSIP 1, Đồng An, Việt Hương… mang lại nhiều cơ hội làm việc, sinh sống thuận lợi cho cư dân làm trong KCN.
Tại sự kiện “Toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam 2024 & Tiêu điểm Bình Dương” mới đây, ông Oh Dongkun - Tổng giám đốc Công ty Becamex Tokyu đánh giá Bình Dương là tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và đứng thứ ba cả nước về thu hút vốn FDI. Gần đây, Bình Dương cũng là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Việt Nam.
Nói về dự án TT AVIO, ông Masakazu Yamaguchi – Tổng Giám đốc Koterasu Group cho biết, dự án nằm tại TP. Dĩ An, đô thị có mật độ dân số cao, xung quanh có các KCN, giúp người dân địa phương có thu nhập. Bên cạnh đó, người dân làm việc tại TPHCM cũng dễ dàng đi lại, đây là những khách hàng tiềm năng có nhu cầu ở thực lớn.
TT AVIO có mức giá chỉ từ 1.23 tỷ đồng/căn, liền kề các khu công nghiệp, đáp ứng sát nhu cầu nhà ở chất lượng cao cho giới chuyên gia tại Bình Dương. Ảnh: TM
|
Nhận định về giá cả của những dự án nhà ở cho giới chuyên gia tại Bình Dương, ông Lưu Quang Tiến - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – BĐS Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho rằng có sự tăng trưởng trong những năm gần đây. Tuy nhiên nếu so với TPHCM thì giá nhà ở tại Bình Dương vẫn phù hợp và dễ tiếp cận với đối tượng chuyên gia nước ngoài. “Theo tôi, nhu cầu nhà ở của giới chuyên gia nước ngoài không những mang lại cơ hội cho chủ đầu tư mà còn mang lại cho nhóm khách hàng có nhu cầu mua để cho thuê”, ông Tiến nói và lý giải tỷ suất sinh lời sẽ cao hơn đối với nhóm này, từ đó kích thích nhu cầu mua bất động sản ở khu vực xung quanh KCN ngày càng nhiều hơn.
Thu Minh
FILI
|