Thứ Ba, 22/10/2024 17:08

Bảng giá đất mới TPHCM: Quận, huyện nào có mức tăng cao nhất?

Sau khi được Hội đồng Thẩm định Bảng giá đất Thành phố phê duyệt, UBND TPHCM ngày 21/10/2024 đã ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định ngày 16/01/2020 về bảng giá đất trên địa bàn thành phố. Những sửa đổi sẽ được áp dụng từ ngày 31/10/2024 đến hết ngày 31/12/2025.

Đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm (đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác), khu vực I gồm các quận 1, quận 3, quận 4, quận 5, quận 6, quận 10, quận 11, quận Bình Thạnh và quận Phú Nhuận có đơn giá đất dao động từ 432,000-675,000 đồng/m2.

Khu vực II gồm quận 7, quận 8, quận 12, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Bình Tân, quận Gò Vấp, TP Thủ Đức dao động từ 416,000-650,000 đồng/m2.

Còn lại khu vực III gồm huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ dao động từ 400,000-625,000 đồng/m2.

Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, khu vực I có giá đất dao động từ 518,000-810,000 đồng/m2; khu vực II từ 499,000-780,000 đồng/m2; khu vực III từ 480,000-750,000 đồng/m2.

Riêng đất nông nghiệp trong khu nông nghiệp công nghệ cao có giá 320,000 đồng/m2.

Giá đất ở Hóc Môn có mức tăng cao nhất

Đối với đất phi nông nghiệp, Quyết định quy định phân loại thành 4 vị trí. Trong đó, vị trí 1 là đất có vị trí mặt tiền đường có tên trong Bảng giá đất ở, áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có ít nhất một mặt giáp với đường (lòng đường, lề đường, vỉa hè) hiện hữu được quy định trong bảng giá đất.

Vị trí 2 áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có ít nhất một mặt tiếp giáp với hẻm có độ rộng từ 5m trở lên thì tính bằng 0.5 của vị trí 1.

Vị trí 3 áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có ít nhất một mặt tiếp giáp với hẻm có độ rộng từ 3m đến dưới 5m thì tính bằng 0.8 của vị trí 2.

Vị trí 4 áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có những vị trí còn lại tính bằng 0.8 của vị trí 3.

Theo đó, tại quận 1, bảng giá đất điều chỉnh tại các tuyến đường trung bình gấp 4.6 lần so với quyết định năm 2020. Trong đó, mặt tiền đường Nguyễn Đình Chiểu đoạn từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đường Hoàng Sa là khu vực có mức tăng mạnh nhất với hơn 6.1 lần mức giá cũ, ghi nhận 276.7 triệu đồng/m2. Cao nhất vẫn là 3 tuyến đường trung tâm Đồng Khởi, Lê Lợi và Nguyễn Huệ với cùng mức giá 687.2 triệu đồng/m2, gấp 4.2 lần giá cũ.

Ngoài ra, quận 1 bổ sung giá đất cho hai tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn từ Nguyễn Bỉnh Khiêm đến Cầu Thị Nghè 2) và Trần Nguyên Đán với mức giá lần lượt 368.9 triệu đồng/m2 và 175.7 triệu đồng/m2.

Quận 3 có mức tăng giá trung bình gấp 5 lần giá cũ. Trong đó, ghi nhận mức tăng cao nhất là đường Huỳnh Tịnh Của với 602 triệu đồng/m2, gấp 7 lần. Xét về trị số, Công Trường Quốc Tế bao quanh Hồ Con Rùa là đoạn đường đắt nhất quận 3 với 340.2 triệu đồng/m2.

Quận 3 cũng bổ sung vào bảng giá đất của quận đường Đỗ Thị Lời với mức giá 174.2 triệu đồng/m2.

Đến với quận 4, giá mới trung bình gấp 7.7 lần giá cũ. Đường Đoàn Văn Bơ (đoạn từ Xóm Chiếu đến Nguyễn Thần Hiến) có mức tăng lớn nhất khi gấp 10.7 lần giá cũ, ghi nhận 102.4 triệu đồng/m2. Còn cao nhất là hai tuyến đường Hoàng Diệu (từ Nguyễn Tất Thành đến Đoàn Văn Bơ) và Nguyễn Tất Thành (từ cầu Khánh Hội tới Lê Văn Linh) với cùng 246.9 triệu đồng/m2.

Quận 5 ghi nhận mức tăng trung bình gấp 4.6 lần giá cũ. Trong đó, đường An Dương Vương (đoạn từ Nguyễn Tri Phương đến Ngô Quyền) có mức tăng nhiều nhất khi gấp 6.8 lần với 200.3 triệu đồng/m2. Còn đắt nhất là Nguyễn Trãi (đoạn Nguyễn Văn Cừ đến Nguyễn Tri Phương) với giá 283 triệu đồng/m2.

Quận 6 tăng trung bình gấp 6.3 lần. Tăng nhiều nhất là đường số 33 khi gấp 9.6 lần giá cũ, đạt 58.3 triệu đồng/m2. Còn cao nhất là đường Tháp Mười (đoạn Phạm Đình Hổ đến Ngô Nhân Tịnh) với 302.9 triệu đồng/m2.

Quận 7 tăng trung bình gấp 8.5 lần. Đường trục chính (20m) thuộc hệ thống đường nội bộ khu dân cư Phú Mỹ (khu tái định cư Phạm Hữu Lầu) là tuyến đường có mức tăng nhiều nhất khi gấp 15.6 lần giá cũ, đạt 54.5 triệu đồng/m2. Còn cao nhất là đường Tân Phú (C.2109) đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cầu Cá Cắm 1 với 202.5 triệu đồng/m2.

Giá đất mới quận 8 tăng trung bình gấp 7.3 lần giá cũ. Tăng nhiều nhất là các đường lộ giới từ 12m trở lên trong khu dân cư mới phường 7 với mức tăng gấp 18.3 lần, lên 73 triệu đồng/m2. Cao nhất về mặt trị số là đường Dương Bá Trạc (đoạn từ Phạm Thế Hiển tới cầu Sông Xáng) với 160.4 triệu đồng/m2.

Quận 10 tăng trung bình gấp 5.2 lần giá cũ. Trong đó, tăng nhiều nhất là toàn bộ đường Nguyễn Giản Thanh với 95 triệu đồng/m2, gấp 6.3 lần. Cao nhất là đường 3 tháng 2 (đoạn từ Lê Hồng Phong đến Ngã 6 Công Trường Dân Chủ) với 245.4 tỷ đồng.

Quận 11 tăng trung bình gấp 6.2 lần giá cũ. Tăng nhiều nhất là đường Lò Siêu (đoạn từ quân sự đến đườn 3 tháng 2) với 96.6 triệu đồng/m2, gấp 7.7 lần. Hai đoạn đường Lữ Gia (đoạn từ Lý Thường Kiệt đến Nguyễn Thị Nhỏ) và Lý Thường Kiệt (đoạn từ Thiên Phước đến Nguyễn Chí Thanh) là hai đoạn có mức giá cao nhất quận với 210.6 triệu đồng/m2.

Bên cạnh đó, quận 11 bổ sung thêm giá đất cho đường vành đai Đầm Sen với mức giá 93.3 triệu đồng/m2.

Quận 12 có mức tăng trung bình gấp 13.1 lần bảng giá cũ. Trong đó, tăng mạnh nhất là đường Tô Ký (đoạn từ cầu vượt Quang Trung đến Ngã 3 Bầu) khi giá mới là 66.3 triệu đồng/m2, gấp 14.1 lần. Còn cao nhất là đường Trường Chinh (đoạn từ cầu Tham Lương đến Ngã tư An Sương) với 120.5 triệu đồng/m2.

Ngoài ra, quận còn bổ sung thêm giá cho một số tuyến đường như: Tân Thới Hiệp 20 (32.4 triệu đồng/m2); Tân Thới Hiệp 21 (37.3 triệu đồng/m2); các đường thuộc khu Tân Tiến (23.1-28.7 triệu đồng/m2); các đường thuộc khu tái định cư 38ha (49.9-70 triệu đồng/m2); đường A thuộc khu tái định cư Xuyên Á 24.1 triệu đồng/m2; đường lộ giới 13m thuộc Hiệp Thành City 31 triệu đồng/m2; 2 đường thuộc khu nhà ở Thới An 1 (34.7-37.7 triệu đồng/m2).

Quận Bình Thạnh có mức tăng trung bình gấp 5.4 lần. Tăng mạnh nhất là đường Trường Sa (đoạn cầu Điện Biên Phủ đến cầu Bông) khi gấp 10.4 lần giá cũ với 149.9 triệu đồng/m2. Cao nhất là đường Phan Đăng Lưu (đoạn từ Lê Quang Định đến giáp quận Phú Nhuận) với 182.7 triệu đồng/m2.

Quận cũng bổ sung giá đất cho đường Trần Văn Khê (từ Nguyễn Cửa Vân đến Trường Sa) với 83.3 triệu đồng/m2; đường Trần Nguyên Đán (từ Trường Sa đến Phan Xích Long) 107.2 triệu đồng/m2; các đường năm trong khu đất tái định cư Tân Thuận và Nhật Thành tại phường 13 (từ 91-100.1 triệu đồng/m2).

Quận Phú Nhuận có mức tăng trung bình gấp 6 lần. Trong đó, tăng mạnh nhất là đường Nguyễn Công Hoan (từ Trần Kế Xương đến Phan Xích Long) với 131.6 triệu đồng/m2, gấp 9.5 lần giá cũ. Còn lớn nhất về trị số là đường Nguyễn Văn Trỗi với 272.2 triệu đồng/m2.

Quận Tân Bình có mức tăng trung bình gấp 7.1 lần. Ghi nhận mức tăng cao nhất ở đường Bạch Đằng 2 (từ vòng xoay Trường Sơn đến Ranh quận Phú Nhuận) với 141.4 triệu đồng/m2, gấp 10 lần giá cũ. Tương tự quận Phú Nhuận, tuyến đường đắt đỏ nhất quận Tân Bình cũng là Nguyễn Văn Trỗi (từ Hoàng Văn Thụ đến ranh quận Phú Nhuận) với 272.2 triệu đồng/m2.

Bên cạnh đó, quận Tân Bình bổ sung thêm giá đất cho hai tuyến đường Đặng Minh Trứ (từ Ni Sư Huỳnh Liên đến Bùi Thế Mỹ) và đường nối đường Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa lần lượt 74.3 triệu đồng/m2 và 137.1 triệu đồng/m2.

Mức giá trung bình mới của quận Bình Tân ghi nhận gấp 10.3 lần. Tăng nhiều nhất là đường Bình Thành (đoạn từ Nguyễn Thị Tú đến hẻm 399 Bình Thành) khi gấp 21.5 lần, lên 55.8 triệu đồng/m2. Còn cao nhất là Kinh Dương Vương (từ Mũi Tàu đến cầu An Lạc) với 105.1 triệu đồng/m2.

Quận Bình Tân cũng bổ sung giá đất cho một số tuyến đường như: đường số 2 và 5 tuyến đường Kinh (23.7 triệu đồng/m2); các tuyến đường thuộc khu dân cư phụ trợ phường Bình Hưng Hòa (59.6-66.1 triệu đồng/m2).

Quận Tân Phú ghi nhận mức giá mới gấp trung bình 9.3 lần bảng giá cũ. Trong đó, tăng nhiều nhất là 3 tuyến đường S5 (từ S2 đến kênh 19/5), S11 (từ kênh 19/5 đến Tây Thạnh) và S2 (từ S11 đến cuối đường) khi đều gấp 13.7 lần giá cũ và cùng có giá 65.6 triệu đồng/m2. Có mức giá cao nhất là cả đường Lũy Bán Bích với 129.6 triệu đồng/m2.

Tân Phú còn bổ sung giá cho 7 tuyến đường gồm Hà Thị Đát, T2, CN13, Phan Thị Hành, Trần Thị Báo, Trịnh Thị Tho và Trần Thị Sa với mức giá dao động từ 63.2-77 triệu đồng/m2.

Giá đất mới của quận Gò Vấp gấp trung bình 7 lần giá cũ. Tăng nhiều nhất là đường Phạm Văn Chiêu (từ Quang Trung đến Lê Văn Thọ) với 82.6 triệu đồng/m2, gấp 9.8 lần. Còn cao nhất là đường Quang Trung (đoạn từ ngã sáu Gò Vấp đến Lê Văn Thọ) với 133.6 triệu đồng/m2.

Gò Vấp chỉ bổ sung giá đất cho 1 tuyến đường là Lương Ngọc Quyến (từ Phan Văn Trị đến Bình Thanh) với giá 62.4 triệu đồng/m2.

TP. Thủ Đức ghi nhận mức giá mới gấp trung bình 11 lần bảng giá cũ. Tăng mạnh nhất là đường Long Phước (từ cầu Long Đại đến cuối đường) với 42.1 triệu đồng/m2, gấp 28 lần. Sở hữu mức giá cao nhất là các đường ở khu vực Thủ Thiêm với 295 triệu đồng/m2, bao gồm Trần Bạch Đằng, Tố Hữu, Nguyễn Thiện Thành và Nguyễn Cơ Thạch.

Huyện Nhà Bè có mức giá mới gấp trung bình 10.5 lần. Trong đó, tăng mạnh nhất là đường 40m thuộc đường nội bộ khu tái định cư T30 (xã Phước Lộc) với 70 triệu đồng/m2, gấp 23.3 lần giá cũ. Đáng chú ý, đây cũng là đoạn đường có giá cao nhất của huyện này.

Huyện Hóc Môn ghi nhận bảng giá mới gấp trung bình gần 20 lần giá cũ. Tăng nhiều nhất là đường Song Hành Quốc lộ 22 (đoạn từ Lý Thường Kiệt đến nhà máy nước Tân Hiệp) khi gấp 38.8 lần, lên 30.3 triệu đồng/m2. Cao nhất là đường Nguyễn Ảnh Thủ (đoạn từ quốc lộ 22 đến Tô Ký) với 66.9 triệu đồng/m2.

Huyện Cần Giờ có bảng giá đất mới gấp trung bình 10.6 lần so với quyết định năm 2020. Trong đó, đường nội bộ tại hai khu dân cư Thạnh Bình và Thạnh Hòa là các tuyến đường có mức tăng mạnh nhất khi gấp 17.6 lần, ghi nhận 3 triệu đồng/m2. Mặt khác, ba tuyến đường đắt đỏ nhất huyện này đều năm trong khu Rừng Sác với cùng 18.8 triệu đồng/m2, lần lượt đoạn từ phà Bình Khánh đến cầu vượt Bến Lức - Long Thành; đoạn từ cầu vượt này đến Hà Quang Vóc; và đoạn từ Hà Quang Vó đến cầu Rạch Lá.

Huyện Củ Chi ghi nhận bảng giá đất mới gấp trung bình 15 lần bảng giá cũ. Có mức tăng nhiều nhất là Tỉnh lộ 2 (đoạn Ngã tư Sở đến ranh tỉnh Tây Ninh) và Tỉnh lộ 7 (đoạn từ trường cấp 1 Trung Lập Hạ đến điểm cách ngã ba vào UBND xã Trung Lập Thượng 300m) khi cùng gấp 24.2 lần và đạt 8.7 triệu đồng/m2. Còn đường có giá cao nhất là Tỉnh lộ 8 (đoạn từ điểm cách cầu vượt Củ Chi 500m hướng Tam Tân đến trường cấp 3 Củ Chi) với 35.8 triệu đồng/m2.

Huyện Bình Chánh có mức tăng trung bình 9.7 lần so với bảng giá cũ. Trong đó, đoạn đường tăng mạnh nhất là Khuất Văn Bứt (đoạn từ đường Hưng Nhơn đến Trần Đại Nghĩa) khi gấp 24 lần, lên 16.8 triệu đồng/m2. Cao nhất là đường số 9A thuộc khu dân cư Trung Sơn (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cầu Kênh Xáng) với mức giá 153 triệu đồng/m2.

Hà Lễ

FILI

Các tin tức khác

>   Bộ TN-MT: Nhiều lô đất đấu giá ở Hà Nội chưa nộp tiền, có dấu hiệu bỏ cọc (22/10/2024)

>   Lũng đoạn, tạo sóng, thổi giá đất cao vót khiến mua bán chỉ trong giới đầu cơ (21/10/2024)

>   Đấu giá đến nửa đêm, đất Hà Đông có giá trúng cao nhất lên tới 262 triệu/m2 (20/10/2024)

>   Các sàn bất động sản trẻ hóa lực lượng môi giới cho chu kỳ mới (18/10/2024)

>   Đầu cơ đẩy giá nhà cao phi thực tế (17/10/2024)

>   Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc hiện nay ước đạt 26.5m2 sàn/người (17/10/2024)

>   11 sàn giao dịch bất động sản tại Đồng Nai ngưng hoạt động (17/10/2024)

>   Bộ Xây dựng thông tin việc thiếu nhà ở xã hội trong khi nhiều dự án bỏ hoang (17/10/2024)

>   Thị trường bất động sản: Vẫn 'tranh tối tranh sáng' (16/10/2024)

>   Chung cư tróc vẩy, mốc meo ở Hà Nội rao bán hơn 4 tỷ, người mua bất lực (16/10/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật