Startup nông dân học hết lớp 9 đi chăn bò, trở thành CEO chuỗi 74 cửa hàng tinh dầu, được Shark Bình chốt deal 8 tỷ
Xuất thân là trẻ mồ côi, một người nông dân quê Hà Tĩnh, anh Chu Văn Nam trở thành CEO chuỗi 74 cửa hàng tinh dầu khắp Việt Nam với doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm.
Xuất hiện tại tập 11 Shark Tank Việt Nam mùa 7, Chu Văn Nam - Founder kiêm CEO startup bán tinh dầu Nada Oils mang đến câu chuyện xúc động về tuổi thơ không mấy êm đềm nơi quê nghèo.
"Xuất phát điểm của em là một nông dân quê Hà Tĩnh, ba đời làm biển. Em là trẻ mồ côi từ nhỏ, học hết lớp 9 đi chăn bò, sau đó có cơ duyên xuống Sài Gòn", anh Nam nói và cho biết gây dựng nên doanh nghiệp tinh dầu nhờ đi làm thuê và được chị chủ để lại cho 2 cửa hàng tinh dầu.
Anh Chu Văn Nam, Founder kiêm CEO startup Nada Oils
|
Nada Oils ra đời tháng 12/2017, thời kỳ đỉnh cao hệ thống có 74 cửa hàng trải dài 45 tỉnh thành trên toàn quốc. Doanh thu giai đoạn 2019-2022 trung bình 8 tỷ đồng/tháng. Do tác động của dịch bệnh cũng như tình hình kinh tế, số lượng quầy của Nada Oils hiện giảm còn 36 quầy, trong đó 20 quầy trực tiếp của anh Nam, còn 16 quầy của các đại lý và nhượng quyền. Tất cả các quầy kinh doanh đều có lãi.
Năm 2023, tổng doanh thu của Nada Oils đạt gần 40 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu 27 tỷ đồng, doanh thu mỗi cửa hàng trung bình 60-80 triệu đồng/tháng. Lợi nhuận năm 2024 tính đến tháng 8 là 3 tỷ đồng, cả năm dự kiến 6 tỷ đồng.
Đến Shark Tank, Nada Oils gọi vốn 8 tỷ đồng cho 20% cổ phần để phát triển kênh online D2C (bán trực tiếp đến khách hàng), mua máy để tài trợ khách hàng sử dụng và phát triển vùng nguyên liệu.
Trả lời Shark Nga về nguồn gốc nguồn nguyên liệu, startup cho biết chủ động được 30% nguồn nguyên liệu với hai xưởng ở Đắk Lắk và Đắk Nông sản xuất về sả, gừng, cam, bưởi, còn lại là nhập khẩu.
Cũng theo nhà sáng lập Nada Oils, Việt Nam là "mỏ vàng xanh" về tinh dầu, có rất nhiều nguyên liệu, dược liệu, thảo dược quý. Startup mong muốn đem tinh dầu của người Việt ra thế giới, xuất khẩu nguyên liệu và tin có con đường.
Về lợi thế cạnh tranh, startup tạo ra những sản phẩm mùi hương riêng và không bán tinh dầu thô, tinh dầu Nada Oils là tinh dầu chưng cất qua chín công đoạn, thơm và thanh hơn.
Nhận ra sản phẩm của Nada Oils đã hiện diện trong chính nhà mình và mùi thơm rất dễ chịu, Shark Bình đánh giá thị trường mà startup đang đi còn là "đại dương xanh, tức là nhu cầu giải pháp mùi hương ở các văn phòng vẫn rất lớn, nên kể cả có một vài bên thì vẫn chưa ăn hết thị trường. Nói chung cứ bên nào bán hàng tốt, chăm sóc khách hàng khỏe thì sẽ tăng được thị phần".
Shark Bình trải nghiệm các sản phẩm của Nada Oils
|
Shark Tillman Schulz cho rằng startup khó có cơ hội xuất khẩu sang các nước phương Tây cũng như các nước châu Á khác. Ông khuyên startup hãy tập trung vào thị trường nội địa và quyết định không đầu tư.
Shark Nga cho rằng Nada Oils đang lệ thuộc quá nhiều về nguyên vật liệu, chưa có chủ động trong việc chiết xuất, tinh chế từ các nguyên vật liệu Việt Nam. Đây cũng không phải là khẩu vị đầu tư của Shark, nếu có "cá mập" khác chia sẻ deal thì bà có thể cùng tham gia, nhằm hỗ trợ việc chuẩn hóa theo tiêu chuẩn châu Âu.
Shark Minh Beta hứa hẹn trở thành khách hàng của Nada Oils trong tương lai vì kiểm tra thử mùi hương thực sự dễ chịu và cho cảm giác là sản phẩm chất lượng tốt. Còn về đầu tư thì chưa phù hợp nên không đầu tư.
Shark Phi Vân cũng quyết định không đầu tư nhưng chỉ cho Founder một cách để có hiệu quả kinh tế và hiệu quả quản trị tốt hơn không cần đội ngũ chăm sóc khách hàng (CS - customer service) đông đảo thông qua mô hình job franchise (nhượng quyền công việc).
Shark Bình đánh giá startup đang thiếu D2C và đề nghị đầu tư 8 tỷ đồng cho 35% cổ phần cùng các ý tưởng online marketing, thúc đẩy các kênh bán hàng online, và hỗ trợ kênh các kênh B2B.
Mặc dù cho rằng mức định giá của Shark bị thấp, Founder Nada Oils vẫn đồng ý deal của Shark Bình 8 tỷ đồng cho 35% cổ phần, khép lại thương vụ gọi vốn thành công.
Tập 11 Shark Tank Việt Nam mùa 7 còn xuất hiện câu chuyện truyền cảm hứng của tiến sĩ điện tử Nguyễn Duy Đỉnh từ Nhật về Việt Nam khởi nghiệp với sản phẩm sạc xe điện và 5 nữ sinh đại học gọi vốn cho MSE - startup cung cấp các giải pháp giúp chăm sóc sức khỏe tinh thần cho doanh nghiệp thông qua chỉ số SQ.
Anh Nguyễn Duy Đỉnh gọi vốn 6.18 tỷ đồng cho 6.18% cổ phần EVSELab - đơn vị sản xuất sạc xe điện tự tin khẳng định nhiều thế mạnh về công nghệ, nhưng không được các Shark rót vốn vì không có chiến lược kinh doanh rõ ràng.
Còn MSE đồng ý với deal 1 tỷ đồng cho 25% cổ phần với sự tham gia của Shark Bình và Shark Nga kèm cam kết cung cấp dịch vụ miễn phí cho doanh nghiệp của hai Shark. Khép lại thương vụ gọi vốn thành công.
|
Thế Mạnh
FILI
|