S&P Global: Nguy cơ vỡ nợ quốc gia tăng cao trong thập kỷ tới
S&P cảnh báo tình trạng vỡ nợ thường xuyên hơn trong thập kỷ tới trong bối cảnh các nước gặp khó khăn hơn trong việc trả nợ ngoại tệ - do nợ công tăng và lãi suất vay cao hơn.
Kiểm tiền peso tại một khu chợ ở Buenos Aires (Argentina) ngày 11/5/2024. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
|
Báo cáo mới nhất của tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings cảnh báo các nước sẽ gặp khó khăn hơn trong việc trả nợ ngoại tệ trong tương lai do nợ công tăng và lãi suất vay cao hơn. Điều này có thể dẫn đến tình trạng vỡ nợ thường xuyên hơn.
Theo báo cáo trên, mức xếp hạng tín nhiệm nói chung của các quốc gia trên thế giới đã giảm trong thập kỷ qua.
Đây là một lời cảnh báo rõ ràng khi thế giới vừa trải qua một giai đoạn đầy khó khăn với hàng loạt vụ vỡ nợ quốc gia, bất chấp việc các nước chủ nợ giàu có đầu năm nay cho rằng nguy cơ khủng hoảng nợ công toàn cầu đang giảm bớt.
Báo cáo của S&P cho rằng khi một quốc gia gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài chính và dòng vốn chảy ra nước ngoài nhanh chóng thì có thể dẫn đến tình trạng thiếu thanh khoản và khả năng trả nợ. Trong nhiều trường hợp, đây là dấu hiệu cho thấy tình hình tài chính của chính phủ đang trở nên đáng báo động.
Đại dịch COVID-19 năm 2020 đã gây áp lực lớn lên tài chính công, dẫn đến bảy trường hợp các quốc gia vỡ nợ công bao gồm Belize, Zambia, Ecuador, Argentina, Liban và Suriname.
Giá lương thực và nhiên liệu tăng vọt sau cuộc xung đột tại Ukraine hồi tháng 2/2022 càng làm gia tăng sức ép, khiến tám quốc gia khác vỡ nợ trong giai đoạn 2022-2023, trong đó có cả Ukraine và Nga.
Phân tích của S&P Global Ratings về các vụ vỡ nợ trong 20 năm qua cho thấy các nước đang phát triển hiện đang phụ thuộc nhiều hơn vào vay nợ chính phủ.
Tuy nhiên, khi sự phụ thuộc này đi kèm với các chính sách khó đoán, việc thiếu tính độc lập của ngân hàng trung ương và thị trường vốn nội địa kém phát triển, nguy cơ vỡ nợ sẽ tăng cao.
Nợ công cao và mất cân đối tài chính có thể dẫn đến tình trạng vốn chảy ra nước ngoài, làm tăng áp lực cán cân thanh toán, làm giảm dự trữ ngoại hối và cuối cùng là hạn chế khả năng đi vay của một quốc gia. Điều này có thể tạo ra một vòng xoáy tiêu cực dẫn đến vỡ nợ.
Báo cáo cũng cảnh báo rằng việc tái cơ cấu nợ hiện đang mất nhiều thời gian hơn đáng kể so với những năm 1980, gây ra những hậu quả nặng nề.
Ở các quốc gia sắp vỡ nợ, thanh toán lãi suất thường tiệm cận hoặc thậm chí vượt quá 20% thu nhập của chính phủ trước khi vỡ nợ.
Các quốc gia này cũng thường rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế, trong khi lạm phát tăng lên hai chữ số, khiến cuộc sống của người dân ở đó khó khăn hơn.
Báo cáo kết luận: "Vỡ nợ quốc gia có tác động đáng kể đến tăng trưởng kinh tế, lạm phát, tỷ giá hối đoái và khả năng thanh toán của lĩnh vực tài chính của các nước"./.
Minh Hằng
Vietnamplus
|